Huyện Sóc Sơn: Kiên quyết xử lý lò gạch hoạt động trái phép

Thực hiện Kết luận số 32-KL/UBKTTU của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch để tập trung xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có các cơ sở sản xuất gạch nung không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn huyện.

7 lò gạch dân sự đang bị xử lý

Theo rà soát của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn, trên địa bàn huyện hiện tồn tại 9 lò gạch tại 6 xã không đủ điều kiện hoạt động, trong đó có một số lò chưa được cấp phép hoạt động. Cụ thể, xã Bắc Phú có 3 lò; hai xã Tân Minh, Hồng Kỳ - mỗi địa phương có 2 lò; 3 xã Bắc Sơn, Xuân Giang, Đức Hòa - mỗi địa phương có 1 lò. Trong số 9 lò gạch này, có 7 cơ sở sản xuất gạch dân sự và 2 cơ sở liên danh với quân đội. 7 lò gạch này đều đang trong quá trình bị xử lý.

Các lò gạch trên địa bàn huyện Sóc Sơn phù hợp quy hoạch đang được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ cấp phép hoạt động theo quy định. Ảnh: Lâm Nguyễn

Các lò gạch trên địa bàn huyện Sóc Sơn phù hợp quy hoạch đang được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ cấp phép hoạt động theo quy định. Ảnh: Lâm Nguyễn

Cụ thể, đối với lò gạch của ông Nguyễn Tiến Thành tại xã Xuân Giang, UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức cưỡng chế từ tháng 11/2022. Trong khi lò gạch tại xã Đức Hòa thuộc quản lý của Công ty CP Đầu tư sản xuất gạch Đức Hòa, UBND huyện cũng đã có kế hoạch để cưỡng chế trong thời gian tới.
Liên quan đến lò gạch tại xã Bắc Sơn do Công ty CP Gốm xây dựng và thương mại Bắc Sơn quản lý, UBND huyện đã tiến hành kiểm tra hồ sơ. Đơn vị này được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 4524/QĐ-UBND.

Do vị trí xây dựng phù hợp quy hoạch, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên UBND huyện đã yêu cầu DN tạm dừng hoạt động, tự khắc phục hậu quả. Hiện, DN đang liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để hoàn thiện các thủ tục cấp phép hoạt động theo quy định.

Tại xã Bắc Phú, các lò gạch không đủ điều kiện cũng đã khắc phục các hạn chế. Trong khi Công ty CP Bắc Vọng, DN quản lý 1 lò gạch tại xã Bắc Sơn, đã tự phá dỡ phần lò và mái che lò. Đơn vị này đang tiếp tục tự khắc phục các hạng mục vi phạm, đồng thời hoàn thiện hồ sơ để chuyển đổi sang sản xuất theo công nghệ tuynel.

Một lò gạch khác tại xã Bắc Phú thuộc quản lý của Hợp tác xã Đại Thắng cũng đang tự khắc phục các hạng mục vi phạm. Hiện, đơn vị đang tiếp tục xin chính quyền địa phương tạm dừng thời gian cưỡng chế để thu dọn vật liệu xây dựng còn tồn đọng.

Đối với lò gạch do Công ty CP Gốm xây dựng và thương mại Hoàng Phúc Trường quản lý tại xã Hồng Kỳ, đang hoạt động theo công nghệ tuynel trên diện tích đất khó canh tác nông nghiệp (đất chưa sử dụng). Hiện, UBND huyện đã có kế hoạch cưỡng chế nhưng đang cho phép đơn vị này tự khắc phục.

Tại xã Tân Minh, lò gạch thuộc quản lý của Công ty CP Gốm xây dựng và thương mại Minh Thịnh đã dừng hoạt động theo công nghệ lò vòng, đang trong quá trình cải tạo, chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel. Vị trí của lò đã được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và phù hợp quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng theo Quyết định số 4524/QĐ-UBND.

Khắc phục triệt để vi phạm theo quy định pháp luật

Trong số 9 lò gạch chưa đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đáng chú ý có 2 cơ sở liên danh với quân đội (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1). Hai DN có liên danh là Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Tân Hưng (xã Tân Minh), Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Hồng Kỳ (xã Hồng Kỳ).

Theo Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thu, ngày 18/12/2020, đơn vị đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng đối với 2 lò gạch liên danh nêu trên. “Ngày 29/6/2021 và 27/7/2022, Quân đoàn 1 có các Văn bản số 777/BTL-HC và 1105/QĐ-TTr về việc đề nghị UBND huyện Sóc Sơn lùi thời gian xử lý các lò gạch. Cho đến nay, hai cơ sở này đã dừng hoạt động, đang thu dọn vật liệu và gạch còn tồn đọng” - ông Nguyễn Văn Thu thông tin thêm.

Đại diện Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn cũng cho biết, hiện nay đơn vị vẫn đang phối hợp với UBND 2 xã Tân Minh và Hồng Kỳ trong việc giám sát hoạt động của 2 lò gạch mà DN liên danh với đơn vị quân đội phát triển. Đồng thời, kiến nghị Quân đoàn 1 làm rõ mục tiêu đầu tư và giấy phép hoạt động, giấy phép xây dựng theo quy định; nếu phát hiện vi phạm, sẽ cương quyết đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý.

Thông tin thêm về hai lò gạch thuộc quản lý của Công ty CP Gốm xây dựng và thương mại Minh Thịnh (xã Tân Minh) và Công ty CP Gốm xây dựng và thương mại Bắc Sơn (xã Bắc Sơn), đại diện huyện Sóc Sơn cho biết, do vị trí xây dựng trên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên hiện nay, UBND huyện vẫn giao cơ quan chức năng giám sát chặt việc dừng hoạt động. Đồng thời yêu cầu DN liên hệ với các đơn vị có thẩm quyền sớm hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép xây dựng theo quy định.

Đối với 3 cơ sở là Công ty Gốm xây dựng và thương mại Hoàng Phúc Trường (xã Hồng Kỳ), Hợp tác xã Đại Thắng (xã Bắc Phú), Công ty CP Đầu tư sản xuất gạch Đức Hòa (xã Đức Hòa), trên cơ sở Văn bản số 8730/SXD-KTXD của Sở Xây dựng Hà Nội về lộ trình sản xuất gạch nung của các đơn vị trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng như kiến nghị của UBND các xã, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền các xã giám sát hoạt động của các đơn vị. Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất theo quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn, trật tự an ninh trong khu vực.

Định hướng về đầu tư sản xuất gạch đất sét nung giai đoạn 2021 - 2030 quy định tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) không quy định về việc dừng hoạt động đối với cơ sở sản xuất gạch nung bằng công nghệ lò tuynel nói chung. Bộ Xây dựng cũng chưa có văn bản hướng dẫn khác về nội dung này.

Theo Văn bản số 8730/SXD-KTXD của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND huyện Sóc Sơn ngày 23/11/2022, Sở đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ các DN xử lý hết nguyên liệu, nhiên liệu còn tồn đọng, bố trí việc làm cho người dân để tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất quy hoạch các khu vực sản xuất vật liệu để các đơn vị sản xuất thực hiện các thủ tục về chuyển đổi công nghệ và đầu tư dự án theo quy định, tuân thủ lộ trình về sản xuất gạch nung theo Phụ lục số VII tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-soc-son-kien-quyet-xu-ly-lo-gach-hoat-dong-trai-phep.html