Huyện Sóc Sơn: Nhức nhối vì nạn đốt rơm rạ sau thu hoạch
Giống như nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, huyện Sóc Sơn đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa vụ Xuân 2021. Đây cũng là thời điểm tình trạng đốt rơm rạ tại địa phương này tái diễn, gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.
Ngột ngạt vì nóng bức, khói bụi
Ghi nhận cho thấy, tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Sóc Sơn những ngày qua tái diễn tình trạng bà con nông dân đốt rơm rạ sau thu hoạch. Tình trạng này có thể bắt gặp tại nhiều xã như: Hiền Ninh, Tân Dân, Quang Tiến, Mai Đình, Phù Lỗ… Việc đốt rơm rạ diễn ra chủ yếu vào chiều tối. Điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các hộ gia đình sinh sống ven những cánh đồng. Không chỉ vậy, khói bụi từ rơm rạ bị đốt cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trên các tuyến đường.
Tình trạng đốt rơm rạ càng gây bức xúc đối với người dân bị ảnh hưởng trong những Hà Nội trải qua nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ có lúc lên tới 400 C. Không khí nóng nực, kèm theo đó là cảm giác ngột ngạt bởi khói bụi từ quá trình đốt rơm rạ thiếu kiểm soát. Theo thống kê, diện tích gieo trồng lúa vụ Xuân 2021 trên địa bàn huyện Sóc Sơn khoảng 9.500ha. Khối lượng rơm rạ phát sinh sau thu hoạch ước khoảng 57.000 tấn. Nếu tình trạng đốt rơm rạ không được ngăn chặn, xử lý kịp thời thì hậu quả trên nhiều khía cạnh môi trường, sức khỏe sẽ rất nghiêm trọng.
Xử lý vi phạm khó khăn
Trước bài học kinh nghiệm về tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn những năm trước, từ trung tuần tháng 5/2021, UBND huyện Sóc Sơn đã sớm có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, nhắc nhở, lập hồ sơ xử lý vi phạm với các đối tượng cố tình đốt rơm rạ theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn cũng nhìn nhận thẳng thắn: Việc xử lý vi phạm là không dễ. Nguyên nhân là bởi hành vi đốt rơm rạ diễn ra nhanh. Hiện, các địa phương vẫn chủ yếu tuyên truyền, vận động, nhắc nhở là chính.
Liên quan đến giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng đốt rơm rạ, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về việc không tuốt lúa, phơi, đốt rơm rạ trên địa bàn gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực vận động, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn người dân sử dụng rơm rạ, phụ phẩm để trồng nấm, ủ làm phân bón, lót chuồng, làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, có thể cày ấp để phân hủy và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học.
“Chúng tôi đã giao các phòng ban chuyên môn tổ chức kiểm tra công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Chủ tịch UBND xã, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện về việc để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ mà không có biện pháp xử lý” – ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.
“Hiện, rơm rạ sau thu hoạch trên địa bàn huyện chủ yếu được xử lý làm thức ăn cho trâu, bò (khoảng 11%); cày mục ủ hoai tại ruộng hoặc ủ thành phân trồng rau (85%); và đun nấu, làm nấm, tiểu thủ công nghiệp (khoảng 4%). Trong đó, cày dập ủ hoai mục tại ruộng, hoặc ủ thành phân trồng rau là phương pháp chính được người dân sử dụng, đặc biệt thuận lợi ở vụ Xuân do sau khi thu hoạch bắt đầu vào mùa mưa, rơm rạ ẩm ướt và nhanh hoai mục”.
Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Lê Thị Hải