Huyện Sóc Sơn tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa
Là một trong những địa phương có diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân lớn nhất của Hà Nội, tình hình sâu bệnh hại bùng phát đang khiến nhiều bà con nông dân huyện Sóc Sơn hết sức lo lắng. Địa phương đang tập trung các giải pháp phòng trừ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Nhiều diện tích lúa đang bị ảnh hưởng
Vụ Xuân 2024, huyện Sóc Sơn tổ chức gieo cấy gần 9.379ha lúa. Hiện nay, trên đồng ruộng trà lúa xuân chính vụ đang giai đoạn trỗ bông - xuôi trái; trà xuân muộn giai đoạn làm đòng - thấp thoi trỗ. Diện tích lúa đã trỗ thoát khoảng 4.693ha; cây lúa nhìn chung sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo bà Bùi Thị Lan, một nông dân xã Tiên Dược, qua thăm đồng nhận thấy trên cây lúa đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại. Đáng lo nhất là tình trạng bọ rầy. Rầy nâu, rầy lưng trắng đã xuất hiện và gây hại trên cây lúa với mật độ trung bình 300 - 500 con/m2.
Rầy tuổi 2, 3, trưởng thành bụng phệ được ghi nhận nhiều nhất tại các xã: Nam Sơn, Trung Giã, Hồng Kỳ, Quang Tiến, Mai Đình… “Mật độ bọ rầy sẽ tiếp tục tăng mạnh từ nay đến cuối vụ và sẽ gây cháy cục bộ trên trà lúa xuân chính vụ, trà xuân muộn nếu không được phòng trừ kịp thời.
Qua giám sát đồng ruộng, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn cũng đang hoành hành trên cây lúa, trong đó tập trung tại một số xã như: Nam Sơn, Tân Minh, Tiên Dược, Đức Hòa, Quang Tiến, Mai Đình....
Ghi nhận cho thấy, bệnh chủ yếu phát sinh, gây hại cục bộ trên một số giống nhiễm như TBR225, HD11, và ở những diện tích bón thừa đạm. Tỷ lệ hại trung bình 3 - 5% số lá, cao 10 - 15% số lá, cục bộ 30 - 40% số lá.
Ngoài ra, trên những diện tích lúa Xuân tại huyện Sóc Sơn còn ghi nhận một số loại sâu bệnh hại khác ảnh hưởng như: sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, bệnh đen lép hạt, chuột hại… Mức độ xuất hiện và gây hại rải rác.
Chủ động thăm đồng, phòng trừ sâu bệnh
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục có mưa, dông. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh bùng phát, lây lan và gia tăng mật độ, tỷ lệ gây hại.
Để chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Bùi Thị Loan cho biết, hiện nay đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo cán bộ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại trà lúa, giống lúa và xác định mật độ sâu/ tỷ lệ bệnh, diện tích cần phòng trừ của từng đối tượng.
“Đối với những diện tích nhiễm nặng, chúng tôi thông báo và đề nghị cần phải chỉ rõ đến từng ruộng, từng hộ nông dân, hướng dẫn biện pháp phòng trừ cụ thể, không để sâu bệnh phát sinh, lây lan gây hại nặng trên diện rộng…” - bà Loan nói thêm.
UBND các xã, thị trấn cũng đang tích cực vào cuộc, chỉ đạo công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang Nguyễn Ngọc Tân cho biết, chính quyền địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền để bà con nông dân chủ động thăm đồng, nắm tình hình sâu bệnh hại và chủ động phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Liên quan đến công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn đề nghị các phòng ban, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, không dùng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc hết hạn sử dụng. Đồng thời, sử dụng đúng nồng độ, liều lượng ghi trên bao bì.
UBND huyện cũng đề nghị các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra những cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Phát hiện, xử phạt nghiêm các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-soc-son-sau-benh-hai-hoanh-hanh-tren-cay-lua.html