Huyện Sóc Sơn: vùng dân cư ven sông Cầu, sông Cà Lồ chìm trong biển nước
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mực nước sông Cầu, sông Cà Lồ tại huyện Sóc Sơn lên nhanh, hiện đã vượt mức báo động, khiến nhiều khu dân cư ven sông, ngoài bờ bãi bị ảnh hưởng ngập lụt.
Hơn 3.300 hộ dân bị ảnh hưởng
Nằm ven sông Cầu, xã Trung Giã là nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi lũ sông Cầu lên cao. Hiện, tại thôn An Lạc (xã Trung Giã) có ít nhất 364 hộ với gần 1.500 người dân bị ảnh hưởng ngập lụt. Cách đó không xa, tại thôn Hòa Bình, con số này vào khoảng 169 hộ (677 nhân khẩu).
Tại thôn Ngô Đạo (xã Tân Hưng), 617 hộ với 2.471 người dân cũng đang bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Ngoài ra, 2 thôn Hiệu Chân và Cẩm Hà hiện cũng có lần lượt 51 hộ (203 người); Cẩm Hà 32 hộ (127 người) bị ngập lụt chia cắt.
Ghi nhận cho thấy, trên địa bàn các xã: Bắc Phú, Việt Long, Kim Lũ, Đông Xuân... cũng có hàng trăm hộ dân chịu ảnh hưởng ngập lụt ngoài bờ bãi sông Cầu, sông Cà Lồ. Nhiều hộ dân đã được lực lượng chức năng địa phương hỗ trợ sơ tán, di dời đến nơi tránh trú an toàn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, thống kê sơ bộ đến trưa 11/9, toàn huyện có tổng số khoảng 3.311 hộ dân với 15.673 nhân khẩu đang chịu ảnh hưởng của tình trạng ngập lụt do mực nước sông Cầu, sông Cà Lồ lên cao.
“Hiện nay, huyện đang chỉ đạo chính quyền các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và mực nước trên sông Cầu, sông Cà Lồ để chủ động di dời người dân khỏi những khu vực nguy hiểm…” - bà Hoàng Thị Hà thông tin thêm.
Sẵn sàng sơ tán người dân
Trước những ảnh hưởng lớn của mưa lũ, những ngày qua, các tổ chức, đoàn thể, các xã ít chịu ảnh hưởng đã ra sức hỗ trợ cho người dân vùng lũ. Bí thư Đảng ủy xã Phù Linh Trương Ngọc Lan cho biết, địa phương vừa tiến hành hỗ trợ 50 thùng sữa, 40 thùng nước lọc, 20 thùng mỳ tôm cùng nhiều hộp lương khô và bánh mỳ, thuốc men… cho người dân vùng bị lũ chia cắt tại hai xã Trung Giã và Việt Long.
Không chỉ tại các xã Trung Giã, Việt Long, hiện nay, chính quyền các địa phương cơ bản vẫn đảm bảo các điều kiện về nhu yếu phẩm cho người dân khu vực bị ngập. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết để có phương án hỗ trợ người dân phù hợp ứng phó với nguy cơ lũ lên trên sông Cầu, sông Cà Lồ.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước trên sông Cầu, sông Cà Lồ sẽ tiếp tục lên. Trong đó, riêng sông Cầu có thể đạt 9,13m vào khoảng 22 giờ tối 11/9. Trong lịch sử, lũ trên sông Cầu đã từng cao 9,2m vào năm 1971. Nguy cơ tiếp tục gây ngập lụt các khu vực dân cư ngoài bãi sông, đe dọa an toàn đê và tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Để bảo đảm an toàn cho người dân trong bối cảnh lũ trên các sông còn phức tạp, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; thường xuyên nắm thông tin, cập nhật liên tục tình hình, diễn biến ảnh hưởng của lũ sông trên địa bàn.
Chính quyền các địa phương sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần ứng phó tình huống, sự cố theo cấp độ rủi ro thiên tai gây ra. Đồng thời, quyết định sơ tán, di chuyển người dân đến nơi tránh trú an toàn tùy theo tình hình thực tế tại thực địa, tuyệt đối không để thiệt hại về người.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, mực nước sông Cầu và sông Cà Lồ tại các trạm thủy văn trên địa bàn huyện Sóc Sơn đều đã đạt mức báo động III và tiếp tục lên. TP Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ để các địa phương ven sông chủ động ứng phó.