Huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc): Biến khó khăn thành tiềm năng

Là huyện miền núi , địa hình phức tạp, không thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, nhưng Sông Lô (Vĩnh Phúc) lại có nhiều tiềm năng để bứt phá trong phát triển công nghiệp.

Năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành CN- XD trên địa bàn huyện Sông Lô ước đạt gần 3.000 tỷ đồng, mức tăng trung bình trong 1 thập kỷ trở lại đây bình quân đạt 16,5%/năm.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, nguồn vốn đầu tư, việc thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Chỉ thị số 11 của Chính phủ; song nhiều dự án, công trình trọng điểm phục vụ cho phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện vẫn được hoàn thành, cơ bản đúng tiến độ, đạt mục tiêu đề ra.

Hiện nay, huyện Sông Lô đã quy hoạch chi tiết 3 KCN gồm KCN Sông Lô I, KCN Sông Lô II, một phần KCN Lập Thạch I và 2 CCN là Đồng Thịnh, Hải Lựu.

Hoàn thành 4 quy hoạch chi tiết trung tâm huyện lỵ, 3 quy hoạch chung đô thị Đức Bác, Lãng Công, Hải Lựu; quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ 2 bên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với diện tích 151ha. Phê duyệt 44 quy hoạch chi tiết khu đất giãn dân, đất đấu giá quyền sử dụng tại các xã, thị trấn với tổng diện tích 83ha.

Dự án KCN Sông Lô I có diện tích 200 ha với số vốn gần 1.200 tỷ đồng, nằm tại 3 xã: Đức Bác, Tứ Yên, Đồng Thịnh, vị trí gần cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Dự án KCN Sông Lô II và một phần KCN Lập Thạch I tại 2 xã Yên Thạch và Đồng Thịnh, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được khẩn trương thực hiện, đã có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư XDCB, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.

Từ năm 2016 đến nay, huyện Sông Lô đã GPMB được gần 200 công trình, dự án với tổng diện tích hơn 100 ha; hoàn thành và đưa vào sử dụng 179 công trình, trong đó có 109 công trình giao thông nông thôn, 70 công trình giao thông nội đồng, các tuyến đường huyện lộ được cứng hóa 100% tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Duy Tiến, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Sông Lô, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay, trong khi đó, huyện Sông Lô lại có diện tích rộng, chủ yếu là đất đồi rừng nên dễ GPMB với chi phí thấp.

Thêm vào đó, do sản xuất nông nghiệp không mấy hiệu quả, người dân sẵn sàng làm việc tại các doanh nghiệp có khả năng đảm bảo cho họ có thu nhập ổn định.

Để phát huy tiềm năng phát triển công nghiệp, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu, sẵn sàng cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, cũng như tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.

Hiện nay, cơ bản các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã có quy hoạch chi tiết, công tác thỏa thuận GPMB đa số được người dân đồng tình, ủng hộ; nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp cũng đang được huyện triển khai.

Nhà máy may mặc xuất khẩu Vit Garment tại CCN Đồng Thịnh tạo việc làm ổn định cho 300 lao động trên địa bàn huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhà máy may mặc xuất khẩu Vit Garment tại CCN Đồng Thịnh tạo việc làm ổn định cho 300 lao động trên địa bàn huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư tại CCN Đồng Thịnh, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment chuyên gia công hàng may mặc chất lượng cao hiện đang tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương với thu nhập trung bình 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2019, doanh thu của nhà máy đạt 52 tỷ đồng. Ông Lê Văn Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment cho biết, trong chiến lược phát triển của công ty, Vit Garment nhận thấy huyện Sông Lô là mảnh đất giàu tiềm năng cho phát triển công nghiệp bởi quỹ đất rộng và nguồn nhân lực dồi dào.

Do đầu tư khi CCN vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, để đi vào sản xuất, ngay khi được giao hơn 2ha đất, công ty đã tự san gạt, GPMB, mở đường vào CCN, đầu tư thêm nhiều hạng mục khuôn viên, cây xanh bên trong và ngoài khu vực xưởng.

Mặc dù phải đầu tư nhiều phần việc đáng ra của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, song bù lại, vị trí đặt xưởng sản xuất của công ty lại hết sức thuận lợi khi nằm sát đường trung tâm huyện Sông Lô đi nút giao lập thể cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Thời gian tới, công ty có kế hoạch thuê thêm mặt bằng để mở rộng quy mô, công ty cũng mong muốn huyện sớm hoàn thành nhà máy nước sạch Phúc Bình để doanh nghiệp chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất”.

Tận dụng và phát huy những lợi thế trong phát triển công nghiệp, thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất; xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, xúc tiến kêu gọi đầu tư đúng trọng tâm, hiệu quả, trên cơ sở chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, mang tính bền vững.

Ngoài ra, huyện cũng đang đề xuất với tỉnh sớm hoàn thành đường giao thông tuyến từ nút giao Văn Quán đi trung tâm huyện Sông Lô chạy qua KCN Sông Lô II; Ứng trước kinh phí bồi thường GPMB cho KCN Sông Lô II, tạo điều kiện để các nhà đầu tư hạ tầng CCN (nằm trong KCN Sông Lô II) sớm triển khai, mở đường cho doanh nghiệp vào sản xuất.

Văn Đức

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/huyen-song-lo-vinh-phuc-bien-kho-khan-thanh-tiem-nang-63147.html