Huyện Tân Lạc bảo tồn chiêng Mường

Chiêng được coi là vật báu, là linh hồn của xứ Mường. Chiêng tham gia vào tất cả các sự kiện quan trọng của người Mường. Tiếng chiêng ngân nga mời gọi mọi người tham gia lễ hội; hân hoan chúc phúc cho đôi uyên ương trong ngày cưới. Chiêng trầm lắng tiễn đưa linh hồn người chết về với tổ tiên… Cứ thế, theo thời gian những thanh âm của chiêng trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường Bi. Chính vì vậy, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tân Lạc luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của chiêng Mường.

Cụ Bùi Văn Khẩn - nghệ nhân chiêng xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) truyền dạy chiêng cho cháu nhỏ trong xóm.

Cụ Bùi Văn Khẩn - nghệ nhân chiêng xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) truyền dạy chiêng cho cháu nhỏ trong xóm.

Cụ Bùi Văn Khẩn - nghệ nhân chiêng xóm Lũy Ải, xã Phong Phú chia sẻ: một dàn chiêng của người Mường gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm và trọn một vòng quay của đất trời xuân - hạ - thu - đông. 12 chiêng tạo ra 12 âm sắc riêng biệt, đồng thời hợp thành một dàn chiêng với những bản hòa âm độc đáo.

Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú là nơi lưu giữ được nhiều chiêng của huyện Tân Lạc, đa số nhà nào trong xóm có từ 1 - 2 chiếc chiêng. Trẻ con trong xóm đều đam mê học cách đánh chiêng, nhiều trẻ mới lên 5, lên 6 đã đánh thành thạo những bài chiêng đơn giản. Để bảo tồn chiêng Mường, xóm Lũy Ải phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Phong Phú tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy kỹ năng đánh chiêng cho thế hệ trẻ. Sau những khóa học chiêng, thế hệ trẻ trong xã tự tin trình tấu chiêng Mường tại các lễ hội lớn của xã, của huyện.

Theo thống kê, hiện nay, huyện Tân Lạc có khoảng 1.000 chiếc chiêng. Đa số người Mường Tân Lạc đều biết đánh chiêng. Một số xã có số lượng chiêng lớn như: Phong Phú, Ngòi Hoa, Mãn Đức…Tất cả các xã của huyện Tân Lạc đều thành lập được đội chiêng để biểu diễn trong các sự kiện quan trọng của xã.

Trong các lễ hội truyền thống của người Mường Bi, không thể thiếu tiếng chiêng khai hội. Chiêng Mường có ở tất cả các lễ hội của Mường Bi như: Lễ Khai hạ Mường Bi, lễ xuống đồng, lễ hội bắt cá suối tháng 3… Trong đó, Lễ hội Khai hạ Mường Bi diễn ra màn biểu diễn chiêng Mường độc đáo của vài trăm tay chiêng. Khi tiếng chiêng được "Dấng” lên thì hội mới chính thức bắt đầu...

Là một trong những huyện còn lưu giữ được số lượng chiêng lớn của tỉnh. Những cô gái duyên dáng của Mường Bi là lực lượng lòng cốt tham gia biểu diễn chiêng tại các sự kiện lớn của tỉnh như: Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh, Đại hội Thể dục thể thao… Từ việc tham gia biểu diễn chiêng tại các sự kiện lớn của tỉnh đã góp phần thúc đẩy phong trao lưu giữ nhạc cụ dân tộc chiêng Mường. Ngoài ra, để bảo tồn chiêng Mường, huyện Tân Lạc còn quan tâm tới việc thành lập các đội văn nghệ quần chúng tại những điểm du lịch cộng đồng như: Bản Ngòi (xã Ngòi Hoa), xóm Chiến (xã Nam Sơn), xóm Lũy Ải (xã Phong Phú)...

Đồng chí Đinh Xuân Tùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc cho biết: Chiêng gắn kết tình làng nghĩa xóm, chiêng giữ hồn đất Mường. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Tân Lạc luôn coi trọng việc bảo tồn và phát triển văn hóa chiêng Mường. Để giữ gìn, phát huy giá trị của chiêng Mường, cấp ủy, chính quyền huyện Tân Lạc tích tực tổ chức tuyên truyền trong người dân về ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa chiêng. Phòng VH-TT huyện phối hợp chặt chẽ với các xã để kiểm kê nắm số lượng chiêng trên địa bàn. Tôn vinh những nghệ nhân chiêng và vận động các nghệ nhân tham gia truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ trong xóm, xã. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên mở các lớp truyền dạy kỹ năng, nghệ thuật đánh chiêng cho người dân. Quan tâm phát triển phong trào văn nghệ quần chúng tại cơ sở để đưa các tiết mục chiêng vào các hội thi, hội diễn.

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/134388/huyen-tan-lac-bao-ton-chieng-muong.htm