Huyện Tân Lạc quản lý chặt hoạt động tín ngưỡng

Những tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Tân Lạc có một số lễ hội tín ngưỡng dân gian diễn ra, nổi bật là lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức quy mô cấp tỉnh, lễ hội chùa Kè quy mô cấp xã. Hoạt động tín ngưỡng dân gian tiêu biểu này cùng với các nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng dân tộc của người dân được tổ chức quy mô gia đình, dòng họ bảo đảm việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2023.

Lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2023.

Theo đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, để hoạt động lễ hội Khai hạ dân tộc Mường diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, UBND huyện đã sớm có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh trước khi tổ chức. Đồng thời, chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội của địa phương xây dựng kịch bản chi tiết, điều lệ, thể lệ, nội dung các môn thi đấu thể thao tại lễ hội đảm bảo đúng quy định; chú trọng công tác kiểm tra các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và kinh doanh các dịch vụ diễn ra tại lễ hội. Đối với lễ hội chùa Kè – xã Phú Vinh và tới đây là lễ hội Đánh bắt cá suối truyền thống – xã Lỗ Sơn có quy mô cấp xã, UBND cấp xã phải báo cáo và xin ý kiến của UBND huyện trước khi tổ chức lễ hội, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản bám sát quy định hiện hành.

Các lễ hội đầu năm được tổ chức đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, ước có khoảng 90.000 lượt người dân và du khách trong, ngoài tỉnh tham gia. Qua đó tạo hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa giới thiệu, quảng bá các lễ hội, nét văn hóa dân tộc, về con người, tiềm năng, thế mạnh vùng đất. Mặt khác, góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống quê hương, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất.

Hiện nay, hoạt động tín ngưỡng ở huyện Tân Lạc chủ yếu là nhóm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng sùng bái thần linh và sùng bái con người. Theo thống kê, toàn huyện có 7 cơ sở tín ngưỡng là miếu thờ Thành Hoàng làng tại các xã, thị trấn. Ngoài ra, còn có một số miếu nhỏ thờ Thành Hoàng làng ở xóm chưa có trong quy hoạch. Các cơ sở tín ngưỡng đều có sự quản lý của chính quyền từ cấp cơ sở, có thủ nhang, thủ từ trông coi, bảo vệ.

Để hoạt động tín ngưỡng đi vào nền nếp, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Nghị định và các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền về tín ngưỡng tôn giáo một cách đồng bộ, kịp thời đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và Nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng. UBND huyện ban hành văn bản quản lý trong các dịp lễ hội, thông báo tình hình tín ngưỡng tôn giáo đến xã, thị trấn. Công tác tuyên truyền, vận động treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tín ngưỡng trong các ngày lễ hội, sự kiện chính trị, Tết cổ truyền được thực hiện tốt. Huyện quan tâm chỉ đạo chấn chỉnh một số hoạt động tín ngưỡng; rà soát, thống kê thông tin các cơ sở tín ngưỡng và tình hình tín ngưỡng tại địa phương; tạo điều kiện và giải quyết cơ bản các đề nghị, kiến nghị, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc khẳng định: UBND huyện luôn tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, di tích. Hoạt động tín ngưỡng của các cơ sở đều được đăng ký năm và thông báo bằng văn bản về việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng diễn ra định kỳ. Mặt khác, các cấp, ngành tăng cường nắm tình hình, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng mang tính mê tín dị đoan, trái pháp luật, vận động nhân dân thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động tín ngưỡng trái pháp luật, lợi dụng tôn giáo kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/176768/huyen-tan-lac-quan-ly-chat-hoat-dong-tin-nguong.htm