Huyện Tân Phú Đông: Nâng cao hiệu quả chuyển đổi cây trồng
Thời gian qua, mãng cầu Xiêm và cây sả được nông dân huyện Tân Phú Đông ưu tiên lựa chọn trồng do thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất cù lao, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều cây trồng khác. Bên cạnh đó, một số loại rau màu thực phẩm cũng được nông dân lựa chọn trồng như ớt, gừng, khoai lang, dưa hấu… tập trung ở các xã Phú Tân, Phú Thạnh, Phú Đông. Hay một số loại cây ăn trái như ổi, bưởi da xanh… cũng được nông dân các xã Tân Phú, Tân Thạnh, Tân Thới trồng thay cho những cây trồng kém hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập.
Dù vậy, những năm gần đây, thời tiết không thuận lợi, hạn, mặn kéo dài cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân. Theo đó, diện tích cây sả ngày càng mở rộng, trong khi đó diện tích cây mãng cầu Xiêm giảm đáng kể, do giá bán không ổn định. Diện tích mãng cầu Xiêm toàn huyện hiện chỉ còn hơn 100 ha, giảm nhiều so với trước.
Trong năm 2021, nông dân huyện Tân Phú Đông đã trồng hơn 2.800 ha sả, đạt 124% kế hoạch diện tích cả năm, trồng nhiều nhất ở 2 xã Phú Thạnh và Phú Đông. Trong năm, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình sản xuất cây sả trên địa bàn huyện vẫn ổn định. Năng suất thu hoạch bình quân từ 15 đến 17 tấn/ha và giá bán luôn ổn định ở mức từ 4.000 đồng đến 4.500 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập khá cho người trồng sả.
Diện tích trồng sả trên địa bàn huyện Tân Phú Đông ngày càng tăng, trong khi diện tích mãng cầu Xiêm lại giảm. Tuy nhiên, việc định hướng phát triển sản xuất cây mãng cầu Xiêm hiện gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp để khôi phục loại cây trồng chủ lực này của huyện. Đồng thời, cần tập trung củng cố, nâng chất mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất mãng cầu Xiêm hoặc liên doanh sản xuất để bảo đảm sản phẩm hàng hóa cung cấp cho nhu cầu thị trường.
Các ngành chức năng cần hướng dẫn nhà vườn thực hiện quy trình sản xuất mãng cầu Xiêm theo hướng nông sản sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thông qua các điểm trình diễn, buổi tập huấn, hội thảo kỹ thuật canh tác mãng cầu đạt hiệu quả kinh tế cao… giúp người trồng mãng cầu Xiêm có điều kiện học tập, ứng dụng hiệu quả, góp phần vào giải pháp phát triển bền vững cây mãng cầu Xiêm trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Đối với cây sả, các cấp, các ngành chức năng của huyện cần tranh thủ vào sự quan tâm hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà khoa học để nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc xây dựng các cơ sở sản xuất nguyên liệu, chiết xuất tinh dầu sả, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Trong những năm qua, cây sả được ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông, do hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và ít rủi ro. Phần lớn diện tích sả được trồng ở huyện đều theo Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng huyện Tân Phú Đông” một cách đúng hướng, phù hợp.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng “cung vượt cầu” xảy ra đối với cây sả, ngành Nông nghiệp huyện cần phối hợp với các ngành có liên quan, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân trồng sả theo vùng quy hoạch và tìm đầu ra ổn định.
Sau thời gian thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng huyện Tân Phú Đông đến năm 2025”, bên cạnh 2 loại cây trồng chính là sả và mãng cầu Xiêm, nông dân huyện Tân Phú Đông còn chú trọng mở rộng diện tích các loại rau màu, lương thực… góp phần đa dạng hóa cây trồng nâng cao thu nhập người nông dân…