Huyện Thạch Thành phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp
Trong những năm qua, huyện Thạch Thành đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Người dân xã Thành Trực chăm sóc mía.
Để thực hiện một cách hiệu quả, huyện Thạch Thành tiến hành rà soát diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và diện tích đất chưa sử dụng để quy hoạch trồng rừng tập trung, đồng thời giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ năng lực trồng rừng theo hướng ổn định lâu dài. Cùng với đó, là đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp; việc chọn giống cây trồng cũng được lựa chọn kỹ để phù hợp với đặc tính từng vùng. Theo dõi và phát hiện kịp thời sâu bệnh hại cây rừng để có biện pháp khoanh vùng, phòng trừ hiệu quả. Tổ chức theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, xây dựng chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững...
Với những giải pháp thiết thực, đến nay huyện Thạch Thành có gần 15.000 ha rừng trồng, nhằm liên kết với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm, quy trình trồng gỗ lớn mang lại năng suất, chất lượng. Theo đó, Công ty CP Chế biến gỗ Xuân Sơn thực hiện việc liên kết với các hộ trồng rừng trên địa bàn 8 xã trong huyện tham gia dự án trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC của châu Âu, trên diện tích 1.715 ha keo, với 1.350 hộ tham gia. Để dự án mang lại kết quả cao, công ty đã mời chuyên gia khảo sát diện tích ban đầu cho nhóm hộ, mở lớp tập huấn nâng cao năng lực trồng rừng, quy trình trồng, chăm sóc, khai thác, hạn chế tối đa tàn sát môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm lưu hành theo quy định của FSC. Công ty cũng hỗ trợ 20 triệu đồng/ha cho người dân. Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, 1.715 ha keo đã được Tổ chức FSC công nhận và cấp chứng chỉ FSC Qualifor quốc tế. Theo đánh giá, sau khi tham gia dự án, chất lượng rừng keo được nâng lên, sản phẩm gỗ tăng từ 2 đến 2,5 lần so với trước đây, doanh thu bình quân đạt từ 300 đến 350 triệu đồng/ha.
Cùng với phát triển kinh tế lâm nghiệp, huyện Thạch Thành cũng đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Theo đó, huyện đã đẩy nhanh việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Chuyển dần diện tích đất trồng lúa, mía năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Thực hiện tích tụ ruộng đất, đầu tư phát triển sản xuất theo hướng cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới đồng bộ; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Nhiều mô hình nông nghiệp liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa được hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; cánh đồng lớn sản xuất mía nguyên liệu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; liên kết trồng bí xanh, ớt, dưa chuột xuất khẩu; trồng cây ăn quả có múi ở xã Thành Vân; mô hình sản xuất, tiêu thụ mật ong... Ngoài ra, huyện tiếp tục triển khai sản xuất mía nguyên liệu theo cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, năng suất đạt bình quân 80 tấn/ha, có nơi năng suất đạt từ 100 đến 120 tấn/ha như các xã: Thạch Quảng, Thành Vinh, Thạch Cẩm...
Từ thực tế cho thấy, việc lựa chọn và phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững là bước đi đúng, trúng, sớm đưa Thạch Thành trở thành huyện miền núi dẫn đầu của tỉnh.