Huyện Thạch Thành tăng cường công tác quản lý di tích – danh thắng phục vụ phát triển du lịch

Thác Mây xã Thạch Lâm là một trong những điểm danh thắng hấp dẫn nhất của huyện Thạch Thành. Với hệ thống thác nước được ví như một kiệt tác được thiên nhiên ban tặng, những dòng nước trong, mát lạnh, những tầng đá trên thác được xếp như những bậc thang vàng óng, đem đến sức hút cho du khách. Vì vậy, chỉ tính riêng trong dịp hè năm nay (từ 1-5 đến 31-7), ước tính đã có gần 40.000 lượt du khách đến Thác Mây. Từ nhiều năm nay, huyện Thạch Thành đã giao cho xã Thạch Lâm quản lý danh thắng Thác Mây, trong đó song song với việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, còn tạo điều kiện để các hộ dân quanh khu danh thắng làm du lịch cộng đồng. Dưới chân Thác Mây, hiện có 4 hộ làm du lịch cộng đồng (homestay). Đây là những hộ đầu tiên được xã, huyện chọn làm thí điểm để nhân rộng mô hình này. Thông qua công tác quản lý của UBND xã, sự hỗ trợ của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, trong 2 năm qua, khu danh thắng Thác Mây đã phát huy được tiềm năng, sự hấp dẫn để phát triển du lịch. Huyện Thạch Thành cũng cơ bản xây dựng quy hoạc

Thác Mây – một trong những danh thắng thu hút số lượng khách du lịch đông nhất của huyện Thạch Thành.

Với tiềm năng là các di tích - danh thắng cùng những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, bằng sự nỗ lực, tự chủ, huyện Thạch Thành đã và đang tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di tích – danh thắng trên địa bàn để phát triển du lịch.

Trong khi đó, Chiến khu du kích Ngọc Trạo - Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia là địa chỉ đỏ, không chỉ thu hút du khách với những chuyến về nguồn, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, công tác quản lý và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích là nhiệm vụ thường xuyên. Bên cạnh việc bảo vệ đài tưởng niệm, bia, các công trình phụ trợ như phòng trưng bày các hiện vật lịch sử, phòng truyền thống của khu di tích đã liên tục được huyện quan tâm, sửa chữa, nâng cấp. So với những năm trước, lượng khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu tại Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo đã tăng cao hơn. Đây là cơ sở để huyện Thạch Thành đưa di tích này là một trong những điểm đến quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương. Di tích - thắng cảnh Phố Cát xã Thành Vân có hệ thống gồm: Đền Phố Cát, đền Bùi, hệ thống hang động, hồ, thác Voi, núi non và rừng cảnh quan bao quanh. Khu di tích – thắng cảnh này có quy mô, phạm vi rộng, kết hợp nhiều giá trị: Danh lam thắng cảnh và lịch sử văn hóa, tâm linh. Đây cũng là một trong những điểm di tích danh thắng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách nhất của huyện Thạch Thành. Nhiều năm trước tại đây đã từng xảy ra tình trạng lộn xộn do công tác quản lý yếu kém. Tuy vậy, trong 2 năm trở lại đây, huyện Thạch Thành đã quy hoạch, sắp xếp, tăng cường công tác quản lý, trách nhiệm của chính quyền xã Thành Vân được nâng cao rõ rệt, nên mọi hoạt động phục vụ người dân và du khách thập phương đã đi vào trật tự, các hiện tượng lộn xộn trước kia đã được dẹp bỏ, trả lại vẻ đẹp nguyên bản cho di tích – thắng cảnh này.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thạch Thành hiện nay có 13 di tích đã được xếp hạng, cùng nhiều điểm danh lam, thắng cảnh khác, tiêu biểu nhất là Di tích quốc gia đặc biệt Hang Con Moong. Tuy nhiên, công tác quản lý phát huy giá trị của di tích này còn gặp nhiều khó khăn. Kể từ khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (tháng 11-2016) đến nay, khu di tích này gần như chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng. Hiện công tác quản lý khu di tích này chủ yếu giao cho xã Thành Yên. Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý của huyện còn chưa đáp ứng được, chưa nói gì đến cán bộ cấp xã lại vừa yếu, lại vừa thiếu hiện nay. Vì vậy, gần như huyện và xã chủ yếu làm công tác bảo vệ đối với di tích này mà chưa thể gắn với phát triển du lịch. Khu di tích này vẫn đang chờ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ Hang Con Moong (bao gồm: Đồ án quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/2000 và đồ án Quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện. Hệ thống giao thông, hạ tầng dịch vụ quanh khu di tích này vẫn còn nghèo nàn. Một khu di tích khác là hang Treo (nằm trên địa bàn giáp ranh xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành và xã Hà Long, huyện Hà Trung) gần như đã bị “bỏ rơi” nhiều năm nay. Khu di tích này vẫn thiếu quy hoạch quản lý, đường vào hang chưa có, phải đi qua 1 trang trại của người dân, cỏ mọc um tùm. Bên cạnh đó, hiện nay giữa 2 huyện Thạch Thành, Hà Trung cùng các đơn vị có liên quan chưa tìm được tiếng nói chung trong công tác phân định địa giới và trách nhiệm, công tác quản lý. Đây là vấn đề đã kéo dài nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương án giải quyết triệt để.

Những năm qua, Thạch Thành vẫn là một trong những địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích, danh thắng trên địa bàn, không để xảy ra các hiện tượng xâm hại, vi phạm; kinh phí để trùng tu, tôn tạo các di tích hàng tỷ đồng/năm. Dù vậy vẫn còn đó những tồn tại, bất cập mà huyện phải giải quyết. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Thạch Thành đã xác định rõ, việc tăng cường công tác quản lý các di tích, danh thắng trên địa bàn, những giá trị văn hóa truyền thống là yếu tố quyết định để huyện phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để làm được điều đó, huyện Thạch Thành sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động có hiệu quả và sử dụng hợp lý các nguồn vốn cho hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa nói riêng; tập trung ưu tiên đầu tư ngân sách để tu bổ, chống xuống cấp các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn.

Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/huyen-thach-thanh-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-di-tich--danh-thang-phuc-vu-phat-trien-du-lich/105859.htm