Huyện Thạch Thành với công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Ngay từ đầu năm 2022, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) huyện Thạch Thành đã được kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời, giao chỉ tiêu chuẩn bị vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão cho các xã, thị trấn, các đơn vị trên địa bàn. Huyện chỉ đạo thực hiện theo phương châm '4 tại chỗ' trong ứng phó, tổ chức phòng, tránh kịp thời, an toàn và khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất.

Hồ Ba Cầu, thị trấn Vân Du mới được đầu tư xây dựng kiên cố.

Theo đó, khi có áp thấp nhiệt đới, mưa bão xảy ra trên địa bàn, huyện tập trung chỉ đạo bảo vệ công trình PCTT và công trình trọng điểm (đê, kè, cống, hồ, đập, hệ thống trạm bơm tưới, tiêu, mương tưới tiêu...). Phương án và địa điểm sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc. Phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và TKCN; xác định nguồn nhân lực ứng phó thiên tai. Chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho hoạt động PCTT (theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Tổ chức thường trực, trực ban cập nhật thông tin diễn biến thiên tai; chuẩn bị địa điểm sơ tán; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng PCTT. Đồng thời, cảnh báo sớm cho Nhân dân biết thời gian và phạm vi ảnh hưởng để chủ động phòng tránh. Tổ chức lực lượng tuần tra, TKCN để xử lý các tình huống khi bão đổ bộ. Đi đôi với đó, thực hiện cảnh báo sớm cho Nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng khi có mưa lớn dễ xảy ra lũ quét và sạt lở, sụt lún đất để chủ động phòng tránh. Tổ chức di dời dân cư trong vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lớn đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng xung kích để giúp dân chằng chống nhà cửa, chuồng trại; giúp dân thu hoạch cây trồng, di chuyển tài sản, vật dụng để tránh rủi ro thiên tai...

Huyện xây dựng kế hoạch ứng phó với tình trạng hạn hán tập trung và bảo đảm nguồn nước tưới của các hồ đập, hoạt động của các trạm bơm điện cung cấp nước cho cây trồng, nhất là cây lúa nước, nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho Nhân dân trên địa bàn. Chỉ đạo thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của thiên tai và các công điện, văn bản chỉ đạo của các ngành, các cấp về phòng tránh thiên tai, rét đậm, rét hại, sương muối, các biện pháp bảo đảm sưởi ấm cho người già, trẻ em, điều trị kịp thời cho bệnh nhân trong điều kiện giá rét. Hướng dẫn cho Nhân dân các biện pháp để phòng, chống rét hại. Chỉ đạo Nhân dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, 100% gia súc được nuôi nhốt tại chuồng; che chắn kín gió để giữ ấm cho đàn vật nuôi. Cho vật nuôi ăn no, tăng cường thức ăn tinh và khoáng chất để tăng khả năng chống rét cho vật nuôi. Lấy đủ nước cho ao nuôi thủy sản, che chắn một góc ao để tạo nơi ấm cho cá cư trú. Trong trường hợp thời tiết cực đoan diễn biến bất thường, xảy ra lốc, sét, mưa đá, khuyến cáo người dân không di chuyển trong mưa hoặc về hướng có cơn mưa, giông, lốc, không tránh mưa dưới gốc cây cao, đường điện cao thế và trạm biến áp điện; không ở trong những căn nhà tạm, nhà yếu mà phải tìm nơi trú ẩn an toàn; không đứng trên đồi cao hay những khoảng đất trống, rộng rãi như cánh đồng, sân chơi...; không núp dưới cây cao ngoài đồng trống; không khuân vác vật dụng bằng kim loại như cuốc, xẻng, búa, liềm. Đồng thời, trong phương án, kế hoạch của huyện cũng đã xây dựng các biện pháp về cứu hộ, cứu nạn người, nhà cửa bị sập do lốc, sét gây ra; hỗ trợ nhà ở tạm cho các hộ dân bị mất nhà ở; khắc phục hậu quả do lốc, sét, mưa đá, cứu trợ các cá nhân, gia đình khó khăn...

Đồng chí Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Để thực hiện có hiệu quả phương án PCTT,TKCN&PTDS năm 2022, huyện chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ trực, nắm chắc tình hình sự cố thiên tai trên địa bàn; đồng thời, khi xảy ra sự cố thiên tai cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, báo cáo kịp thời, tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các biện pháp ứng phó hiệu quả. Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Luật PCTT, các nghị định hướng dẫn và các văn bản luật liên quan về công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Các cấp, đơn vị có liên quan, các xã, thị trấn rà soát, xây dựng phương án ứng phó với sự cố, thiên tai theo cấp độ rủi ro để triển khai thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án hộ đê, phương án phòng, chống lụt bão công trình và phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du hồ chứa; phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, phương án sơ tán dân sinh sống ở bãi sông, vùng trũng thấp khi có lũ lớn, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức lực lượng, triển khai công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương án đã lập để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố, thiên tai xảy ra. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng xung kích PCTT cấp xã để bảo đảm công tác phòng, chống, ứng phó với sự cố, thiên tai và TKCN trên địa bàn hiệu quả.

Bài và ảnh: Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-thach-thanh-voi-cong-tac-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan/159779.htm