Huyện Thọ Xuân phát triển mô hình cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGap

Những năm qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây cam, bưởi vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật, nên năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, thương hiệu cam, bưởi Thọ Xuân ngày càng được nhiều người biết đến. Đây chính là động lực để nhiều hộ dân trong huyện tiếp tục nhân rộng mô hình và là hướng đi của bà con trong quá trình vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mô hình sản xuất cam, bưởi theo quy trình VietGAP tại Thọ Xuân đã thành công cả về lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội cũng như môi trường.

Là một trong những hộ tiên phong trên địa bàn xã Xuân Thành trong việc đưa cây bưởi Diễn về trồng tại địa phương, năm 2018, gia đình ông Nguyễn Thế Thuần, thôn 1, xã Xuân Thành đã đi tham quan học hỏi kinh nghiệm và trồng thử nghiệm 3 ha bưởi Diễn. Sau hơn 2 năm, vườn bưởi của gia đình ông Thuần đã cho thu hoạch với năng suất đạt gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi, ông Thuần cho biết: Để bưởi cho quả ngon, theo tiêu chuẩn VietGAP, đòi hỏi người trồng phải dồn công sức và tâm huyết. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì hiệu quả thu được lớn và năng suất sản lượng tăng, chất lượng quả đều, năm nào cũng như năm nào, bưởi ngọt đậm hơn, giá thành cao hơn. Không chỉ là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Thuần còn thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi Diễn cho các hộ gia đình khác trên địa bàn thôn, xã để bà con sớm tiếp cận với mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả, UBND huyện Thọ Xuân và chính quyền xã Xuân Thành đã tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển mô hình trồng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, thực hiện các biện pháp thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện trên địa bàn xã Xuân Thành có trên 65 ha cây ăn quả có múi với các giống cam V2, cam Xã Đoài, bưởi Diễn, bưởi da xanh mang lại doanh thu bình quân từ 450 - 500 triệu đồng/ha/năm cho người dân. Nhờ trồng bưởi và cam, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Tính đến hết năm 2019 trên địa bàn xã đã có 50 ha cây ăn quả đăng ký sản xuất theo quy trình VietGAP được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh cấp tem truy xuất nguồn gốc. Đây là tiền đề vững chắc nhằm hỗ trợ tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế và từng bước xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam Xuân Thành. Với những chủ trương hợp lý, cùng cách làm hiệu quả, xã Xuân Thành đã đạt được những thành công trong thực hiện chủ trương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong đó nhấn mạnh việc sản xuất cam, bưởi theo quy trình VietGAP, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân... Với những kết quả đạt được, xã Xuân Thành phấn đấu đến hết năm 2020 mở rộng diện tích cây ăn quả lên 150 ha.

Xác định việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng và đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Mô hình trồng cây ăn quả ở xã Bắc Lương đã được triển khai rộng rãi, đặc biệt là mô hình trồng cây bưởi Diễn bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân tại địa phương. Cây bưởi Diễn được lấy giống từ phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đem về trồng ở xã Bắc Lương từ năm 1995. Là loài cây ăn quả lâu năm, thuộc nhóm cây có múi, thân gỗ, khá dễ trồng, thích hợp nhất trên đất thịt ở Bắc Lương, cây khi trưởng thành và bắt đầu cho thu hoạch sẽ có chiều cao trên 2m, bề rộng tán cũng vậy. Nắm bắt được những điều kiện, thế mạnh của địa phương và sự tạo điều kiện của huyện, năm 2013, xã Bắc Lương đã quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang rau màu và cây ăn quả với tổng diện tích 75 ha, trong đó 55 ha trồng cây ăn quả xen kẽ, còn lại 15 ha chỉ tập trung trồng bưởi theo quy hoạch, mô hình này đã được huyện quan tâm, hỗ trợ kinh phí một phần về cây giống, phân bón và kỹ thuật canh tác cho các hộ dân trồng bưởi.

Theo đánh giá, bưởi Diễn trồng càng lâu năm quả càng ngọt. Đầu tư không lớn, chỉ dùng phân chuồng, phân bón NPK, là loại cây không cần nhiều nước, không mất công chăm bón, bà con trồng bưởi chỉ cần đào rãnh xen kẽ để lấy nước tưới tiêu từ hệ thống kênh mương thủy nông của xã. Từ khi có mô hình chuyển đổi trồng cây bưởi theo quy hoạch đã đem lại thu nhập kinh tế cao cho các hộ dân trên địa bàn. Bình quân giá dao động từ 30.000 đồng/kg, 1 sào bưởi có khoảng từ 30 - 32 cây, 1 cây bưởi cho năng suất từ 70 - 100kg/cây, 1 sào được từ 2,5 - 3 tấn bưởi. Bưởi Diễn ngọt thanh, nhiều nước, thời gian để được lâu tầm gần 3 tháng, thu hoạch từ tháng 11 đến Tết Nguyên đán. Hàng năm cứ đến mùa thu hoạch các thương lái khắp mọi nơi lại về để thu mua cho nên đầu ra rất yên tâm.

Có thể khẳng định, đến nay mô hình sản xuất theo hướng VietGAP cho cây cam, bưởi tại Thọ Xuân đã thành công cả về lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội cũng như môi trường. Nhằm tiếp tục xây dựng những vùng cây ăn quả có năng suất chất lượng, hiệu quả cao và phát triển bền vững huyện Thọ Xuân đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ phát triển mới trên 200 ha cây ăn quả tập trung tại 3 vùng chuyên canh đó là vùng cây bưởi Diễn tại các xã Xuân Thành, Bắc Lương, Thọ Nguyên; vùng cây cam V2, cam Xã Đoài tại các xã Xuân Thành, Xuân Trường và vùng cây bưởi Luận Văn tại các xã Xuân Bái, Thọ Xương, Xuân Lam. Cam, bưởi nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung được trồng rộng khắp hầu hết các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên để tạo ra sản phẩm trái cây vừa cho hiệu quả kinh tế cao lại vừa có sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian tới huyện Thọ Xuân tiếp tục đẩy mạnh việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, để đảm bảo thị trường tiêu thụ giữ vững giá trị của các loại cây ăn quả, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con phát triển các mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả, đồng thời xây dựng các kênh thị trường thông qua các phương thức hội chợ, tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại; có chính sách khuyến khích các công ty ký hợp đồng với các hộ trên địa bàn huyện thu mua sản phẩm... Từ những cơ chế, chính sách ưu đãi, sự quan tâm đầu tư về khoa học - kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu cũng như sự nỗ lực, thay đổi tư duy trong sản xuất của nông dân, mô hình trồng cây cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ là một điểm nhấn trong cơ cấu cây trồng của huyện, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/huyen-tho-xuan-phat-trien-mo-hinh-cam-buoi-theo-tieu-chuan-vietgap/125238.htm