Huyền thoại 18 thôn vườn trầu

Cách nay hơn 300 năm, cái thuở cha ông ta 'mang gươm đi mở đất Phương Nam', đồng thời cũng mang theo giống trầu cau trồng trên vùng đất mới. Tác giả Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí, phần nói về trấn Phiên An, viết: 'Vườn trầu ở cách trấn lỵ về phía Tây 52 dặm rưỡi, ở nơi xung yếu trên cửa đường bộ vào nước Cao Miên. Dân chúng phồn thịnh, nhà nhà đều có vườn trầu, vườn cau…'.

Những vườn trầu xanh mơn mởn, nhà nọ giáp nhà kia, một màu xanh bất tận. Tới lứa thu hoạch, họ gánh trầu đi từng tốp 30 - 40 người xuống chợ Cầu Muối, Chợ Lớn bán. Họ đi thành từng tốp vì khi ấy nơi vườn trầu còn nhiều rừng rậm, mãnh hổ ban đêm hay bắt người ăn thịt nên ở đây còn có câu ngạn ngữ: dữ như cọp vườn trầu.

Trầu cau lễ nghĩa thì duyên mới nồng

Trước kia Bà Điểm (Hóc Môn) có 18 thôn, thôn nào cũng có trầu, vì thế mới có tên "Thập bát phù viên". Xứ phù viên nổi tiếng đẹp như mơ/ vườn trầu xanh tươi mát gợi hương tình/ cau Bà Điểm ngọt ngào men ân ái (tg: Nguyễn Linh).

Thế nên mấy bà ăn trầu, nhất là mấy "bà già trầu" tìm cho được trầu cau Bà Điểm. Tại sao mấy bà thích ăn trầu cau Bà Điểm? Trầu cau Bà Điểm từ lâu có tiếng trong cả nước. Trầu Bà Điểm lá nhỏ, vàng tươi. Còn cau Bà Điểm thì ruột to, trắng, vỏ mềm. Cau Bà Điểm có mùi thơm ngọt, đặc biệt không quá chát, ăn nhiều cũng không say.

Bà con sống lâu đời ở đây, cho biết có một thời gian dài mấy mươi năm trầu là nguồn thu nhập chính nên người dân ra sức phát triển. Cất nhà cũng nhờ trầu, con cái học hành thành danh cũng nhờ trầu, nuôi giấu cán bộ cũng nhờ trầu. Và, đương nhiên "miếng trầu khởi đầu câu chuyện" nên không thể thiếu trong những dịp lễ Tết, mai mối hôn nhân, dựng vợ gả chồng…

Những vườn trầu ở Bà điểm như thế này ngày càng ít đi.

Những vườn trầu ở Bà điểm như thế này ngày càng ít đi.

Hơn nữa, ngày trước nhiều người ăn trầu, trầu bán được, thu nhập ổn định, nông dân coi việc trồng trầu là nghề truyền thống giống như dân đồng bằng trồng lúa vậy. Nhưng từ khoảng chục năm trở lại đây tốc độ đô thị hóa vùng ven Bà Điểm chuyển biến nhanh. Nhà trọ thay vườn trầu hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nghề trồng trầu không còn là lựa chọn ưu tiên nên vườn trầu ngày càng thu hẹp, số ít còn lại manh mún, không đáng kể, nằm rải rác ở 3 ấp Bắc Lân, Tây Lân và Nam Lân vào khoảng vài hec-ta.

Trong một lần trao đổi, ông Hà Văn Quốc, cựu Bí thư kiêm Chi hội trưởng nông dân ấp Bắc Lân, nói nhiều năm trước người dân trong ấp thu nhập chính từ nghề trồng trầu. Nhưng gần đây hiệu quả kinh tế của trầu không cao, do đầu ra thiếu ổn định, giá cả "khi thăng khi giáng". Nhiều hộ trồng trầu chuyển sang sản xuất rau, trồng hoa kiểng và xây nhà trọ. Trong ấp trước đây có hơn chục hec-ta trầu nay còn không tới 1ha.

Hầu hết các hộ còn giữ lại trầu đều có truyền thống trồng trầu. Ông Huỳnh Văn Út, ngoài 60 tuổi, gia đình luôn duy trì vài trăm nọc trầu, ông tỏ ra ngậm ngùi: "Trồng trầu xem ra hết thời, thu nhập chẳng bao nhiêu, nhưng gia đình vẫn ráng giữ nghề do ông bà truyền lại. Hết đời tui, đến đời con cháu chắc tụi nó không theo nghề trầu nữa".

Còn bà Nhung: "Trầu ở đây là truyền thống, bỏ trầu sợ mất truyền thống, đeo theo trầu thì nghèo hoài, khó nghĩ quá!”.

Tại ấp Tây Lân, Chi hội nông dân ấp thường xuyên động viên bà con ráng giữ lại vườn trầu, vườn cau giống như giữ lại truyền thống cách mạng của xã Bà Điểm anh hùng. Nghe có vẻ hợp lý, hợp tình nên đến nay cả ấp còn giữ được vài chục hộ trồng trầu, đây cũng là ấp luôn có diện tích trầu lớn của xã Bà Điểm. Song, ai đến đây cũng có thể nhìn thấy số phận của những vườn trầu này trong tương lai, bởi tình trạng bán đất vườn, xây nhà trọ tác động mạnh mẽ đến các vườn trầu.

Theo tính toán của những hộ trồng trầu: đầu tư cho 2.000 nọc trầu (1.000m2), chi phí mua nọc, phân bón, đất đen... khoảng 35 - 40 triệu đồng. Từ lúc trồng đến thu hoạch lứa đầu tiên mất 4 tháng. Mỗi tháng thu hoạch khoảng 150 - 160 kg. Giá trầu dao động 30.000 đồng/ kg, nhưng không phải lúc nào cũng bán được nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao bằng xây nhà trọ cho thuê.

Thực tế trầu chỉ dùng để ăn và cúng kiến, không có giá trị kinh tế nào khác. Trong khi đầu mối thu mua duy nhất ở đây là thương lái chợ Bà Điểm chứ không có bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào bao tiêu, nên người bán thường xuyên bị o ép đủ đường.

Ông Út đang phân vân trước vườn trầu truyền thống của gia đình.

Ông Út đang phân vân trước vườn trầu truyền thống của gia đình.

Còn theo ông Út, gia đình ông có hai đời trồng trầu, đến đời ông cũng ráng giữ nghề. Nhiều người khuyên ông bỏ trầu chuyển sang xây nhà trọ kinh tế hơn. Ông nói giữ trầu cũng trăn trở nhưng bỏ thì tiếc nuối. Cái khó của người trồng trầu hiện thời là không có đầu ra. Những năm trước thỉnh thoảng còn xuất sang Hàn Quốc, Đài Loan, nay chẳng ai mua xuất khẩu nữa.

Không chỉ riêng ông Út mà hầu hết nông dân trồng trầu ở đây đều mong chính quyền có chính sách hỗ trợ. Thực tế cách nay hơn chục năm, ngành du lịch TP.HCM có kế hoạch tổ chức tour vườn trầu, chính quyền địa phương khi đó hết sức ủng hộ, vận động bà con giữ lại trầu, giúp du khách vừa tham quan vườn trầu vừa tìm hiểu lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa nhưng từ bấy đến nay vẫn chưa thành hình.

Gắn với truyền thống cách mạng

Nhắc đến vị anh hùng nổi tiếng ở 18 thôn vườn trầu Phan Công Hớn, người dân Hóc Môn nói riêng, cả nước nói chung, đều nghe danh và ngưỡng mộ về tinh thần kháng pháp, diệt trừ bọn cường hào ác bá của ông. Tổ quốc ghi ơn, thế hệ sau luôn nghiêng mình tưởng niệm trước di tích của ông còn lưu hậu thế.

Một ngôi mộ đơn sơ bằng đá ong, tô hồ ô dước nằm phía trước hông đền thờ xây gạch không chút cầu kỳ, nhưng khá khang trang của người anh hùng đứng lên kháng Pháp tại 18 thôn vườn trầu, tọa lạc trên khoảng đất cao ráo ở xã Bà Điểm. Một trong số những câu liễn chạm khắc trên hàng cột phía trước đền (giống như câu đối): Vì nước hy sinh gan liệt sĩ/ Thương nòi chiến tử nghĩa anh hùng.

Bên trong đền cách thờ phượng trang nghiêm kính cẩn. Qua đó cho thấy phần nào khí chất của vị anh hùng Phan Công Hớn (Quản Hớn) xả thân cứu quốc, vẫy vùng kháng Pháp đến lúc thế cô, sức kiệt.

Lúc bấy giờ, trong số những người đứng đầu hợp tác với thực dân Pháp thi hành chính sách ngu dân, dễ bề cai trị có vị Đốc phủ sứ Trần Tử Ca hay tục gọi quan lớn Ca, trấn nhậm ở xứ Bình Long (Hốc Môn).

Quan lớn Ca nổi tiếng tham nhũng, hà hiếp dân lành, dân tình oán than. Không chịu được cảnh nước mất, dân bị trị, Quản Hớn đứng lên lãnh đạo dân chúng nổi dậy chống bọn tham nhũng, hại dân. Quản Hớn đa mưu túc trí, đầy nhiệt huyết, ông đứng lên, sắp đặt cuộc khởi nghĩa và quyết giết quan lớn Ca để cảnh cáo bọn quan lại tham nhũng.

Ông Sáu Tài (Trần Văn Tài) cùng với chiếc xe ngựa chở trầu cau cuối cùng của vùng Bà Điểm, nay chỉ còn trên bưu ảnh.

Ông Sáu Tài (Trần Văn Tài) cùng với chiếc xe ngựa chở trầu cau cuối cùng của vùng Bà Điểm, nay chỉ còn trên bưu ảnh.

Lúc bấy giờ quan lớn Ca vẫn nhơn nhơn tự đắc, bóc lột dân chúng cho thỏa lòng tham không đáy. Quan lớn Ca đâu ngờ rằng dân chúng ngấm ngầm ủng hộ Quản Hớn. Đêm lịch sử năm ấy nhằm vào ngày 27 tháng Chạp năm 1884, Quản Hớn cùng nghĩa quân bất ngờ tấn công vào tư dinh của quan lớn Ca. Vài tên lính gác dinh không đủ sức kháng cự toán nghĩa quân, trong cảnh giao tranh hãi hùng, tứ bề nghĩa quân bủa vây, quan lớn Ca không kịp trốn thoát bị nghĩa quân vây bắt, giết chết, bêu đầu nơi cột đèn lồng chợ.

Dân chúng hay tin không khỏi kinh hoàng vì lo sợ bọn tay sai trả thù, nhưng, trong lòng thỏa mãn thấy kẻ tham nhũng, tàn độc phải chấm dứt cuộc đời tàn dân hại nước. Việc khủng khiếp xảy ra, quân Pháp tiến hành đàn áp thẳng tay. Hàng ngàn người dân vô tội bị sát hại dưới súng ống, lưỡi lê của quân thù.

Quản Hớn cùng nghĩa quân vẫn cương quyết chống trả, nhưng sức yếu, thế cô, lực lượng tiêu hao dần, cuối cùng rơi vào tay Pháp. Vị anh hùng Phan Công Hớn sau khi bị chúng hành hạ đủ hết mọi cách dã man nhất rồi, chúng mới mang ra xử tử. Trước khi bị hành quyết, ông không có vẻ gì sợ hãi. Người anh hùng đã đền nợ nước tại chợ Hóc Môn. Cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng tên tuổi ông lịch sử mãi lưu danh.

Theo nhà nghiên cứu Mai Công Tài (ở Bà Điểm), kế thừa truyền thống cha ông, trong giai đoạn những năm 1936 đến khi nổ ra Nam Kỳ khởi nghĩa, 18 thôn vườn trầu che chở, nuôi giấu nhiều cán bộ Trung ương về đây hoạt động được sử sach ghi nhận như: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của cách mạng, quần chúng cốt cán nơi xứ trầu không nề gian khổ, hi sinh làm tròn sứ mệnh Đảng giao.

Các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương từ đây chuyển đi khắp nơi, nhất là chỉ đạo phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn được an toàn, nhanh chóng một phần nhờ bạn hàng bán trầu cau và con cháu những cụ bà "xem thường cọp dữ".

Hàng đêm khoảng 2, 3 giờ sáng, trầu cau được chất đầy lên xe ngựa hoặc quang gánh chuyển vào nội thành, một phần sau đó được chuyển tiếp đi các tỉnh miền Tây. Tổ chức đã nhạy bén, dựa vào trầu cau để đưa tài liệu và cán bộ vào nội thành. Nhiều quả cau được khéo léo bổ đôi, cạy bỏ ruột nhét tài liệu vào rồi gắn lại như cũ. Đến chợ có khách hỏi mua cau bằng mật khẩu, người bán cắt nhánh cau bên trong có tài liệu đã được đánh dấu giao cho khách.

Còn muốn đưa cán bộ vào thành thì để cho ngồi vào giữa xe, chung quanh chất đầy những giỏ trầu cau, dùng dây buộc chặt bên ngoài để không thể nhìn thấy, xe qua trạm kiểm soát dễ dàng. Nhiều bạn hàng bán trầu cau là cán bộ hoặc có người thân đi kháng chiến đã hoạt động giao liên hiệu quả bằng cách này nhiều năm như bà Mai Thị Liền có hơn 50 năm buôn bán trầu cau ở ấp Đông Lân; bà Nguyễn Thị Hai ở ấp Trung Lân…

Khi ấy bà Hai là giao liên cho Xứ ủy Nam Kỳ. Vào thời điểm Nam Kỳ khởi nghĩa không thành công, giặc ruồng bố gắt gao, Thường vụ Xứ ủy giao cho bà chuyển nhiều tài liệu quan trọng xuống Quận 8. Bà để tài liệu trong giỏ trầu, chuyển đi một cách an toàn.

Qua lịch sử Đảng còn được biết thêm, khoảng năm 1937, đồng chí Hà Huy Tập cùng với Trung ương Đảng đã có thời gian khá dài trú đóng ở Bà Điểm. Một chứng tích có ý nghĩa liên quan Nam Kỳ khởi nghĩa là gia đình ông Trần Văn Hy ở ấp Tây Lân, nơi còn sót lại bộ ván gõ và bộ bàn ghế cũng bằng gõ đỏ.

Trong trận tổng công kích Tết Mậu Thân, ngôi nhà ngói vách ván ba gian bị bom nổ cháy rụi. Những kỷ vật này nhờ bằng gỗ quý nên chỉ cháy loang lổ bề mặt, gia đình vẫn giữ nguyên để làm kỷ niệm.

Ngày nay mỗi lần nhắc đến truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương 18 thôn vườn trầu, ít ai có thể quên được những chiếc xe ngựa một thời chở trầu cau ở vùng Bà Điểm, Hóc Môn. Xe ngựa và trầu cau không thể thiếu trong huyền thoại Nam Kỳ khởi nghĩa.

Kỳ Phương

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/huyen-thoai-18-thon-vuon-trau-573900/