Huyền thoại cờ vây đại bại dưới tay AI: 'Thế giới của tôi đã sụp đổ'
Lee Sedol nói rằng trận thua gây sốc của ông trước một AI là điềm báo cho thời kỳ mới đầy bất ổn. 'Nó có thể không phải là một cái kết có hậu', ông cảnh báo.
Lee Sedol là kỳ thủ cờ vây giỏi nhất trong thế hệ của mình, nhưng ông đã bị đánh bại bởi một đối thủ không phải là con người, theo The New York Times.
Thất bại của Lee trước AlphaGo - một chương trình máy tính do DeepMind của Google phát triển - đã gây sốc cho toàn thế giới vào năm 2016. Bằng cách đánh bại Lee - nhà vô địch thế giới 18 lần được tôn sùng nhờ phong cách chơi trực quan và sáng tạo, AlphaGo đã giải quyết được một trong những thách thức lớn nhất của khoa học máy tính: Tự dạy mình chiến lược trừu tượng cần thiết để giành chiến thắng trong cờ vây, bàn cờ được coi phức tạp nhất của thế giới trò chơi.
Chiến thắng của AlphaGo cũng chứng tỏ tiềm năng vô hạn của AI trong khả năng thành thạo các kỹ năng từng được coi là phức tạp nhất đối với máy móc.
"Tôi rất ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thua", Lee nói trong cuộc họp báo sau trận đấu. "Tôi không biết rằng AlphaGo có thể chơi một ván cờ vây hoàn hảo đến thế".
"Toàn bộ thế giới của tôi đã sụp đổ"
3 năm sau thất bại, Lee, hiện 41 tuổi, quyết định nghỉ hưu vì tin rằng con người không còn có thể cạnh tranh với máy tính trong cờ vây. Ông nói trí tuệ nhân tạo đã thay đổi bản chất của một trò chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc hơn 2.500 năm trước.
"Theo một nghĩa nào đó, thua AI có nghĩa là toàn bộ thế giới của tôi đã sụp đổ", ông nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với The New York Times.
Khi vẫn còn có nhiều tranh cãi xung quanh lợi ích và mối nguy tiềm ẩn của AI, Lee kêu gọi những người khác tránh rơi vào trạng thái không chuẩn bị như ông và hãy làm quen với công nghệ hiện nay. Trong các lớp dạy cờ vây của mình, Lee giảng bài về AI, về những gì ông ước mình biết trước khi đấu với AlphaGo.
"Tôi đã phải đối mặt với các vấn đề của AI từ sớm, nhưng điều đó sẽ xảy ra với cả những người khác nữa. Và nó có thể không phải là một cái kết có hậu", Lee nói tại một chương trình giáo dục cộng đồng ở Seoul.
AI đã giúp chatbot thực hiện các cuộc trò chuyện gần như không thể phân biệt được với tương tác của con người. Trí tuệ nhân tạo đã giải quyết những vấn đề khiến các nhà khoa học bối rối trong nhiều thập kỷ như dự đoán hình dạng protein. Và nó cũng làm mờ ranh giới của sự sáng tạo trong viết nhạc, sản xuất nghệ thuật và tạo dựng video.
Theo quan điểm của Lee, AI có thể thay thế một số công việc, nhưng đồng thời tạo ra các công việc mới. Khi xem xét khả năng nắm bắt cờ vây của AI, ông nói rằng điều quan trọng cần nhớ là con người vừa tạo ra trò chơi vừa thiết kế AI hệ thống để làm chủ được nó.
Điều Lee lo lắng là AI có thể thay đổi những gì con người coi trọng."Mọi người thường ngưỡng mộ sự sáng tạo, độc đáo và đổi mới. Nhưng với AI, rất nhiều thứ đã biến mất", ông nói.
Lee bắt đầu chơi cờ vây từ lúc 5 tuổi dưới sự hướng dẫn của cha mình - một giáo viên và người đam mê trò chơi này. Gia đình ông sống ở Bigeumdo - hòn đảo với khoảng 3.600 dân cư.
Ngay từ nhỏ, Lee đã sớm bộc lộ tài năng. Ông nhanh chóng trở thành kỳ thủ xuất sắc ở độ tuổi của mình không chỉ tại địa phương mà còn trên khắp Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Ông trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp khi mới ở tuổi 12.
20 tuổi, Lee đã đạt 9 đẳng, cấp độ thành thạo cao nhất trong cờ vây. Không lâu sau, ông trở thành một trong những kỳ thủ giỏi nhất thế giới, được một số người mô tả là Roger Federer của môn thể thao này.
Lee Hajin, cựu tuyển thủ cờ vây chuyên nghiệp, nói về Lee: "Anh ấy là thần tượng, ngôi sao. Mọi người đều ngưỡng mộ anh ấy".
Hiệu quả đến tàn nhẫn
Khi vị thế của Lee ngày càng tăng, AlphaGo bắt đầu thu hút được sự quan tâm từ các nhà khoa học máy tính.
DeepMind đã "đào tạo" AlphaGo bằng 30 triệu nước cờ từ những người chơi cờ vây giỏi nhất. Sau đó, chương trình tự chơi, tự luyện tập với chính nó cho đến khi biết được nên đi nước nào và phát triển các chiến lược mới.
Vào cuối năm 2015, AlphaGo đã 5 lần liên tiếp đánh bại nhà vô địch cờ vây châu Âu trong một trận đấu kín.
Sau đó, Lee trở thành đối thủ tiếp theo. Ông được một cựu tuyển thủ đang làm việc tại Liên đoàn cờ vây quốc tế tiếp cận với lời đề nghị tổ chức trận đấu công khai. Nếu đánh bại được AlphaGo, Lee nhận tiền thưởng 1 triệu USD.
Lee cho biết ông đã chấp nhận lời đề nghị mà không cần suy nghĩ nhiều vì cho rằng "trận đấu sẽ rất vui vẻ". "Thật thú vị khi nghĩ về chiến thắng. Tôi không hề nghĩ đến khả năng mình thua cuộc".
Trận đấu đã diễn ra ở Seoul. Tại Hàn Quốc, nơi có hàng triệu người chơi cờ vây và Lee là người nổi tiếng nhất, cuộc đọ sức được phát sóng trên truyền hình hàng đêm. Hơn 200 triệu người đã theo dõi, bao gồm cả lượng khán giả khổng lồ ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong các trận đấu, một kỹ sư của DeepMind ngồi đối diện với Lee và đặt những quân cờ theo hiệu lệnh của AlphaGo. Lee không thể nắm bắt cảm xúc, dự đoán suy nghĩ của đối thủ như ông thường làm.
AlphaGo chơi theo một phong cách mà ông chưa từng thấy. Thế giới kinh ngạc theo dõi AlphaGo dần đẩy Lee vào chân tường và thực hiện những nước cờ mà một người chơi thông thường không thể tưởng tượng nổi.
"Tôi nghĩ rằng AI sẽ đánh bại con người một ngày nào đó. Tôi chỉ không nghĩ là nó xảy ra ngay lúc đó với mình", Lee chia sẻ.
AlphaGo thắng 4 trên 5 trận. Lee Sang Hoon, anh trai của Lee và là một kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp, không thể tin điều mình chứng kiến. "Thật sự quá sốc. Những người chơi chuyên nghiệp đang nghiên cứu cách các thuật toán này hoạt động và cố gắng thu hẹp khoảng cách. Nhưng chúng ta còn cả một chặng đường dài", anh trai Lee nói.
Chiến thắng của AlphaGo "là bước ngoặt trong lịch sử của AI", Demis Hassabis, Giám đốc điều hành của DeepMind, cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản. Nó cho thấy những gì máy tính có thể tự học từ dữ liệu, ông nói.
Lee khó lòng chấp nhận thất bại. Thứ mà ông coi là một loại hình nghệ thuật, một cá tính và phong cách của chính người chơi giờ đây đã bị gạt sang một bên vì tính hiệu quả đến tàn nhẫn của thuật toán.
"Tôi không còn có thể tận hưởng trò chơi này nữa. Vì thế tôi đã giải nghệ", ông nói.