Huyền thoại đội quân tóc dài: Tự hào những sứ giả hòa bình quốc tế

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khẳng định bước phát triển mới của 'Đội quân tóc dài' và đất nước Việt Nam đang tích cực đóng góp cho hòa bình quốc tế.

Các nữ bác sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ngày 15/10/2018. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Các nữ bác sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ngày 15/10/2018. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là nhiệm vụ quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần hiện thực hóa nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là điểm sáng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam.

Tự hào, trong những đại diện đất nước đi thực hiện nhiệm vụ ở nơi xa xôi, có không ít nữ quân nhân chuyên nghiệp.

Không chỉ phát huy phẩm chất, truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ,” những nữ sứ giả đó là sự khẳng định bước phát triển mới của “Đội quân tóc dài” và đất nước Việt Nam đang tích cực đóng góp cho hòa bình quốc tế.

Họ góp phần quan trọng đề cao hình ảnh đất nước, dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tiến bộ và bình đẳng, tham gia tích cực vào quá trình đảm bảo an ninh khu vực và trên thế giới.

Đề cao hình ảnh đất nước

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ quân nhân đầu tiên của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, làm nhiệm vụ tại địa bàn Phái bộ UNMISS (Nam Sudan) với vai trò là sỹ quan tham mưu.

Kết thúc nhiệm kỳ, nữ sỹ quan này được Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan tặng thưởng hai Huy chương vì sự nghiệp hòa bình và ổn định của Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc trên mọi mặt công tác.

Đánh giá về thành tích này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng những nỗ lực và đóng góp của Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga đã góp phần khẳng định nữ sỹ quan Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt vị trí sỹ quan tham mưu - một trong những cương vị khó khăn nhất về mặt nghiệp vụ quân sự trong môi trường đa quốc gia của Liên hợp quốc. Nữ sỹ quan Việt Nam có đủ bản lĩnh, khả năng hoàn thành nhiệm vụ như nam giới.

Là đội hình cấp đơn vị đầu tiên của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam chính thức tiếp quản Bệnh viện dã chiến cấp 2 từ Vương quốc Anh tại địa bàn phái bộ Nam Sudan.

Sau hơn 12 tháng, Bệnh viện đã thu dung và điều trị cho tổng số 2.022 lượt bệnh nhân, vận chuyển thành công bằng đường không lên bệnh viện tuyến trên 7 trường hợp; cử các cán bộ tham gia giảng dạy cho cán bộ nhân viên Liên hợp quốc về chuyên môn y tế...

Bệnh viện được Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc gửi thư tới Chính phủ Việt Nam khen ngợi, Tư lệnh lực lượng quân sự phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan tặng bằng khen cho tập thể và 4 cá nhân vì các thành tích đặc biệt xuất sắc...

Trong những thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ nữ cán bộ, y bác sỹ, điều dưỡng. Họ đều là những quân nhân được phái bộ đánh giá cao về kỹ năng, trình độ và tính kỷ luật; tạo dựng được mối quan hệ và ấn tượng tốt đẹp với đồng nghiệp các nước cũng như người dân sở tại.

Tiếp nối những nỗ lực của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, không chỉ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và nhân dân tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, mỗi cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đang cố gắng từng ngày để thể hiện trách nhiệm, sự chung tay, góp sức của nhân dân Việt Nam đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình của nhân loại, để mỗi người là một Đại sứ hòa bình của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các nữ quân nhân thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Các nữ quân nhân thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Được lựa chọn kỹ càng về chuyên môn, trải qua nhiều lần thăm khám sức khỏe, vượt qua các kỳ thi IELTS để lấy chứng chỉ, cùng vô số chương trình tập huấn về chuyên môn y tế, huấn luyện các kỹ năng sinh tồn, võ thuật, bơi lội, rèn luyện nâng cao thể lực..., 10 nữ quân nhân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đang tự tin thực hiện nhiệm vụ ở Bentiu (Nam Sudan), nơi có “đặc sản” là nắng nóng hoặc mưa như xé trời...

Sinh năm 1985, Đại úy Cao Thùy Dung là nữ quân nhân trẻ nhất trong đội ngũ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2. Như những cán bộ, nhân viên khác của Bệnh viện, chị Dung luôn xác định nhiệm vụ của mình rất nặng nề, quan trọng, song không kém phần tự hào.

Là điều dưỡng trưởng của Bệnh viện, chị Dung cho biết dù trước hay trong quá trình công tác, tất cả cán bộ nhân viên bệnh viện và đặc biệt là các nữ quân nhân đều xác định rõ tư tưởng, luôn mang tâm thế sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ.

Nam Sudan cũng là một địa bàn có rất nhiều “điểm nóng:” Nóng về thời tiết, khi có những nơi nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C; “nóng” về tình hình, bởi đây đồng thời là khu vực đang diễn ra bạo động.

Trong môi trường làm việc ở các nước đang diễn ra xung đột sắc tộc, chính trị, thiếu hụt nguồn lực về y tế, con người... được coi là những thách thức hàng đầu mà đội ngũ quân y gặp phải.

Bảo vệ Tổ quốc từ xa

Hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có những nữ quân nhân như Thiếu tá Nguyễn Thị Hằng Nga, Đại úy Cao Thùy Dung ở Nam Sudan là lộ trình được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam xác định từ lâu.

Những bước đi đó là thông điệp nhiều ý nghĩa của Việt Nam khi hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chính và bối cảnh của thế kỷ 21 đặt ra những nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao hơn, đòi hỏi trách nhiệm, sự cam kết tham gia của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

Dõi theo các hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam nói chung, trong đó có những nữ quân nhân cho thấy, đó là đòi hỏi cần thiết, góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Từ đó tạo thêm điều kiện, môi trường thuận lợi để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước, và đặc biệt là thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa.

Ở vai trò khác, tại một số quốc gia, vấn đề tái thiết sau chiến tranh, xung đột vũ trang đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới dân thường, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.

Sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình còn hạn chế. Nhiều hành động bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái vẫn chưa bị trừng phạt. Cho nên, thực hiện các mục tiêu nhằm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái thời kỳ hậu xung đột, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hòa bình-an ninh là những nội dung luôn được cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, quan tâm mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc.

Hơn nữa, là một quốc gia có kinh nghiệm tái thiết sau chiến tranh, Việt Nam đồng thời ý thức rõ rệt về sự thay đổi và ý nghĩa của việc nâng cao vai trò, quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái - những người bị tác động nặng nề nhất của xung đột.

Năm 2009, trong nhiệm kỳ Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của mình, Việt Nam đã dự thảo và thúc đẩy Hội đồng Bảo an đồng thuận thông qua Nghị quyết 1889 tại Phiên thảo luận mở về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Cùng với các nghị quyết về phụ nữ trước đó đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, đây là sự tiếp nối góp phần đặt nền tảng cho một hệ thống cơ chế vững chắc, đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình.

Góp phần kiến tạo hòa bình, an ninh quốc tế

Trong bài phát biểu trước khi nhận bàn giao cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm Gìn giữ hòa bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AAPTC) năm 2020, nhấn mạnh những nỗ lực và kết quả bước đầu Việt Nam đã đạt được khi tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong 5 năm qua, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ, tuân thủ các tiêu chí của Liên hợp quốc về việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Năm 2018, Việt Nam đã cử một nữ sỹ quan tham mưu đi hoạt động tại địa bàn Nam Sudan. Nhưng đến nay, Việt Nam đã cử 23 nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, trong đó có 3 người ở hình thức cá nhân và 20 người ở hình thức đơn vị - biên chế 10 người thuộc mỗi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan.

Tỷ lệ nữ ở hai bệnh viện này đạt khoảng 16%, cao hơn so với kêu gọi của Liên hợp quốc khoảng 15%, được Liên hợp quốc hết sức ghi nhận. Đồng thời, Việt Nam cũng tiếp tục gửi các nữ sỹ quan tham mưu tham gia hoạt động tại các địa bàn châu Phi.

Thời gian tới, khi đảm bảo được các điều kiện phù hợp, dự kiến Việt Nam sẽ triển khai Đội Công binh gồm 290 người tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có khoảng 15% là nữ.

Việt Nam cũng dự kiến phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo quốc tế chủ đề “Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc," với mong muốn tôn vinh vai trò của phụ nữ trong kiến tạo hòa bình và đóng góp cho an ninh của thế giới.

Đất nước đang trải qua những ngày tháng lịch sử của sự kiện trọng đại kỷ niệm 45 năm non sông một dải (30/4/1975-30/4/2020) và cũng chứng kiến “Đội quân tóc dài” của Việt Nam đang ngày càng vững bước, trưởng thành lớn mạnh sau 60 năm Đồng Khởi-Bến Tre.

Dù vẫn là phụ nữ “chân yếu tay mềm,” song nữ quân nhân của Việt Nam hiện nay đã, đang vững vàng đảm đương sứ mệnh đặc biệt của những sứ giả gìn giữ hòa bình. Và họ đã có những thành công ở ngay tại những địa bàn mà với nam giới cũng không phải dễ dàng.

Những “bông hồng mũ nồi xanh” ấy đang nỗ lực cống hiến từng ngày cho hòa bình, tỏa sáng bản sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, bản sắc của phụ nữ Quân đội với 8 chữ vàng: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”./.

Hiền Hạnh-Hạnh Quỳnh-Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/huyen-thoai-doi-quan-toc-dai-tu-hao-nhung-su-gia-hoa-binh-quoc-te/635460.vnp