Huyền thoại phố phường: Chấm xanh trong lòng bàn tay
Hồi xưa, chỉ cách nay mới hơn nửa thế kỷ thôi, nhiều người sống gần với thế giới tâm linh một cách tự nhiên, ngay tại thành phố đông đúc này.
Nhớ hồi còn nhỏ, con nít chỉ học một buổi. Buổi còn lại tha hồ lang thang chơi đá banh, đánh trổng, trèo cây hái trộm trái chín hay xanh. Đứa nào cũng bị cha mẹ nhắc không được trèo cây buổi trưa. Lý do là tàng cây là nơi ông bà khuất mày khuất mặt về đó núp nắng chính Ngọ, lên đó ông bà quở. Lớn lên, mới nghĩ chắc là người lớn sợ con nít té nên hù dọa vậy thôi.
Đi mua hàng chạp phô vào buổi tối, nếu mua kim, chỉ và giấy vấn thuốc hút thì chủ tiệm nhất định không bán, dù mua nhiều cũng vậy, bảo khách sáng mai ra mua.
Sách xưa kể những chuyện kiêng cữ ở miền Nam rất lạ. Dân lao động kiếm miếng ăn cực nhọc lắm nên chỉ mong mọi chuyện suôn sẻ sau cả ngày đổ mồ hôi. Họ sợ những chuyện xui xẻo khi làm ăn khi chúng đến từ những yếu tố bất ngờ hay tréo ngoe.
Ông thợ rèn không thích người lạ đến thử cái ống thụt, ai đến mồi thuốc lửa lò rèn cũng không được. Cũng không cho phép làm chao chậu nước để trui đồ rèn. Ở lò đúc lưỡi cày thì không được đứng trước chảo nấu gang và nói những tiếng “cứng, đặc, tròn, méo”. Dân lò gạch không cho đứng trước miệng lò mà dòm vào. Lò bánh mì kỵ nhất là khách đến hỏi mua bánh “dầu chao quẩy”.
Những người chèo ghe chở khách không thích khách đi ghe ngồi ngay trước mũi, nhìn thẳng vô cửa mui ghe. Những người đi câu, đốn củi, gài bẫy, săn thú rừng tránh gặp phụ nữ có mang hoặc gặp người đi đường đón hỏi địa điểm và hỏi đi làm gì. Khi mời người khác ăn thịt rừng vừa săn được, chỉ mời một lần một mà thôi, không mời tiếp tiếng thứ hai.
Thời đó người ta kỵ sơn xe hơi màu đỏ (Phải chăng giống xe tang kiểu xưa?), người đánh xe bò kỵ bước ngang qua hoặc ngồi lên đầu cây ách. Xe khách kiêng chở mèo và rùa. Xe xích lô đạp kiêng chở sắt hoặc phụ nữ mang thai vào buổi sáng.
Khách đến nhà, gia chủ không thích họ tự tiện ngồi vào ghế trường kỷ hoặc trên bộ ván để giữa nhà. Chủ nhà mời, khách nên vào luôn, không dừng chân đứng nhìn sững vô trong. Không dựng đồ mang theo ngay trước cửa cái. Người ta cũng kiêng phụ nữ soi mặt hoặc đứng chàng hảng trên miệng giếng. Khi uống nước lu phải máng gáo lại trên cây cọc, không để úp trên nắp và vành miệng lu. Khi trồng hành thì kiêng nói “Gà ăn!”. Khi gieo hột kiêng nói “Kiến ăn”. Nhà có trồng trầu, nếu hái ban đêm, phải đập lá, gọi lá thức rồi mới hái.
Anh Thành tài xế, bạn từ hồi nhỏ của tôi có lần xòe hai bàn tay cho tôi xem, chỉ hai chấm màu xanh trong lòng bàn tay, hỏi: “Ông biết là gì không?” “Vết chấm bút bi?”
Thành cười bí ẩn. Anh kể hồi trước năm 1968, nhà của anh trong Chợ Lớn. Nội trong xóm nhỏ của Thành ở khu đó đã có hai ông thầy, một ông thầy pháp, một ông thầy bùa. Ngoài bến Trương Tấn Bửu (đường Lê Quang Sung) cũng có nhiều thầy bùa, thầy cúng, thầy pháp… mà ai cũng thấy là điều bình thường. Có cầu thì có cung.
Ba của Thành tuy là con nhà võ nhưng rất tin vào các thầy phong thủy. Nhà Thành ngay ngã ba, đường hẻm đâm thẳng vào. Đi coi thầy, ông bảo sửa cửa vào để tránh. Sửa cửa không được, thầy bảo trộn miếng hồ xi măng, đắp cái cột ở ngay cửa. Trên cái cột xi măng đó dán một tấm hình giấy đỏ hình con cọp để trấn. Ba Thành về làm ngay, xong mới yên tâm.
Người lớn phải chịu nhiều lo lắng nên tin, chứ đám con nít chả quan tâm. Thấy mấy “bà bóng” lên đồng ở nhà thầy pháp, mặt đầy son phấn, các ông chú đố họ là đàn ông hay đàn bà. Đám con nít rình trộm xem họ đứng hay ngồi tiểu. Mấy ông đứng bên trong phát hiện, chửi như tắt bếp.
Câu chuyện của Thành có liên quan đến chuyện tâm linh, mà anh không giải thích được.
Ba má Thành lấy nhau, mong có con như các cặp vợ chồng. Ba Thành là người Tiều, nên không chỉ riêng ông mà cả nhà bên nội đều mong ông có đứa con, nhất là đứa con trai nối dõi tông đường.
Người con đầu tiên của ông bà, đến ngày sinh thì ra ngược đầu, bà mụ không đỡ được nên mất ngay. Lúc đó ở Cây Gõ, bà nào chuyển dạ là mang ra cô Tư Mụ. Cô Tư Mụ đỡ thằng nhỏ, biết là nó nằm ngược rồi, cái chân ra trước. Với trình độ của cô, không thể nào giúp hai mẹ con được. Đứa bé bị ngộp thở mà chết.
Một năm sau, má có bầu tiếp đứa thứ hai, cũng mất.
Lúc đó, bà cố và bà nội của Thành đều lo sợ. Đã sanh nhiều lần mà nuôi không được chắc nó là “con lộn”. Nghi là tà thần Phạm Nhan khuấy phá, sinh ra là mất, nếu có quay trở lại vẫn mất. Mấy bà gọi là “quỷ đầu thai”. Kiếp số của nó là phải làm con của gia đình đó, bằng giá nào cũng phải lộn trở lại. Lúc đó, các bà không biết trong trường hợp này, dân một số vùng có cách là cầu Đức thánh Trần Hưng Đạo diệt trừ, bằng những phù phép không cho lộn kiếp đầu thay lên nữa.
Lúc đứa bé thứ hai đã ra ngoài rồi mất, bà cố - gọi là cố nhưng là dì của bà nội - mới khuyên: bây giờ nên đánh dấu đứa bé này xem nó có quay lại nữa không! Ba Thành lúng túng vớ lấy cục phấn thì bà cô ngăn lại, bảo nếu đánh dấu bằng cục phấn thì sau này đứa bé kế tiếp sinh ra sẽ bị cái bớt màu đỏ hay màu xanh trên mặt, tội nghiệp nó (!). Bà khuyên nên làm dấu chỗ nào trên người không lộ ra. Ba Thành chụp lấy cây bút bi đưa ra, ông cố cầm lấy chấm vào hai lòng bàn tay của đứa bé, mỗi bên một chấm.
Sau chuyện đó, ba má Thành cảm thấy bất an. Ông bà thèm đứa con lắm nhưng sinh ra đứa nào lại chết đứa đó thì thật là đau lòng. Đã vậy, tính mạng người mẹ gặp nguy hiểm ở những lần sinh khó như vậy. Ba của Thành quyết định để cho vợ đi cai đẻ. Đó là năm 1960.
Việc cai đẻ thì cô mụ vườn không làm được nên cô ta khuyên nên đến nhà thương Hùng Vương khám và giải quyết. Đến đó, sau khi nghe trình bày mọi chuyện, ông bác sĩ người Pháp mỉm cười phúc hậu, nói: “Nếu bà cai thì sau này không có con, ông bà sẽ buồn lắm!”. Bà nội của Thành nói nếu có bầu lần thứ ba, e rằng người mẹ dễ gặp nguy hiểm, lại khó giữ được con. Ông bác sĩ khẳng định đã tới nhà thương là không sao. Ông dặn cứ về nhà, đừng lo gì cả, khi nào mang bầu phải đến đây để ông giúp. Lúc đó, ba Thành là quân nhân nên được quan tâm. Ông còn dặn là nếu có bầu, cứ mỗi tháng phải đến nhà thương cho ông khám.
Lần sanh thứ ba, đứa nhỏ, chính là Thành, cũng ra ngược đầu. Bác sĩ mổ lấy ra ngay. Nghe tiếng con nít khóc, bà cố mừng như điên. Được phép bác sĩ, bà ẳm thằng nhỏ ra cho bà nội coi mặt ngay. Bà nội nói nhanh: “Đâu, vạch cái tay nó ra coi”. Cha Thành vạch tay con ra, lạnh người khi thấy có hai chấm nhỏ màu xanh. Bà nội và bà cố tái mặt lẩm bẩm: “Chẳng lẽ có thiệt!”.
Từ khi cháu ra đời, bà nội ăn chay trường. Bà ăn chay rất đơn giản, chỉ với muối tiêu, đậu phộng, rau củ thôi chứ không có bày vẽ gì. Thành bao nhiêu tuổi là bà ăn chay bấy nhiêu năm cho đến khi mất. Bà vô chùa Tây Thiên trong Chợ Lớn (trong hẻm đường Mai Xuân Thưởng), là chùa của người Tiều cho ông thầy cúng, để ma quỷ không hại cháu. Thầy đọc tên, bảo thằng này mai mốt lớn lên là phá lắm, được một cái là khôn, nó có tố chất riêng của nó.
Đến thôi nôi, ba má Thành đưa con lên ông thầy chùa gần xóm, chứ không đưa lên ông thầy gần nhà vì tin là thầy gần nhà không linh. Ông thầy đưa Thành vào trong, chỗ bàn thờ, đeo cho một cái niệc là miếng vải màu vàng xếp lại tam giác, cột sợi dây đỏ để đeo. Ông dặn khi tắm phải tháo ra. Kể từ đó, đến ngày rằm mỗi tháng, Thành phải theo má lên chùa cho ổng yểm bùa vào cái niệc. Đến đó, luôn gặp mấy đứa con nít khó nuôi, hay bệnh mà người ta gọi là “xấu hái”, phải đeo cái bùa đó.
Đến khi nhà dọn ra Phú Nhuận, Thành đeo niệc đi học bị đám bạn cười nên về nhà tháo ra cất. Đến năm 12 tuổi, ba cho vô chùa cúng lần nữa thì ông thầy đã chết, bùa hết linh nên bỏ luôn….
Về hai dấu chấm trong lòng bàn tay. Đến năm sáu, bảy tuổi, có lần Thành hỏi ông chú thì ổng gạt ngay, bảo đó chuyện người lớn, mày là con nít không hiểu đâu, chừng nào lớn rồi biết. Đến năm mười tuổi, Thành hỏi người cô thì bà bảo hồi nhỏ mày bị mắc cam tích nên bụng bự, nhà mới đưa lên ông thầy. Ổng thầy lễ bàn tay lấy ra hai cục đen đen để cho cái bụng mày xẹp xuống.
Đến khi hỏi bà nội thì bà bảo làm sao để mày mắc cam tích được, mày là cục cưng cục vàng của cả dòng họ, chăm chút mày từng chút một mà. Tóm lại không có chuyện mắc cam tích. Bà nội kể hết mọi chuyện. Thành hỏi: “Ủa, vậy con là… quỷ?”. Bà la đừng nói bậy bạ, tại hồi xưa người ta nói vậy nhưng không đúng. Lớn lên, Thành cho là bà nội vì tin chuyện đó mới phải ăn chay trường.
Câu chuyện anh Thành kể như vậy, không thêm không bớt. Anh lớn lên, trải qua bao nhiêu truân chuyên, từng đi bộ đội, thợ tiện, thợ sơn rồi lái xe… và rồi cũng có một gia đình hạnh phúc, có đứa con duy nhất học ở nước ngoài. Anh không tin bói toán, sống coi trọng chuyện làm lành tránh dữ. Thỉnh thoảng, anh nhìn hai chấm xanh trong lòng bàn tay, tự hỏi đó chỉ là tế bào sắc tố hay dấu vết của tiền kiếp, từng xuất hiện ở bến Trương Tấn Bửu xa tít hơn sáu mươi năm trước mà anh không thể lý giải được.
Phạm Công Luận
(Trích cuốn Với ngày như lá tháng như mây, Công ty sách Phương Nam xuất bản)