Huyền thoại từ bùn, máu và hoa

'Ngôi Đền được xây dựng từ lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau, từ ký ức chiến tranh vẫn còn khắc ghi trong tâm trí, từ vết thương trên thân thể người cựu chiến binh, từ những vết sẹo vẫn in hằn trên đất mẹ, từ Bùn, Máu và Hoa'. Những dòng chữ khắc trên bia đá ngay lối vào Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ trên đồi F, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ vừa mới hoàn thành đã để lại ấn tượng đặc biệt với chúng tôi- những người làm báo Đảng nơi Đất Tổ trong hành trình tri ân các Anh hùng liệt sĩ nơi chiến trường xưa. Gần bảy thập niên đã trôi qua, thời gian đã xóa nhòa, xoa dịu nhiều tàn tích, mất mát đau thương của chiến tranh nhưng huyền thoại từ Bùn, Máu và Hoa của đất và người vùng Tây Bắc Tổ quốc vẫn ngời sáng, bất tử trong lòng dân tộc…

Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ trên đồi F với 56 cây đèn tạo hình ngôi sao vàng năm cánh.

“Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Trước năm 1953, ngay cả người Việt cũng không phải ai cũng nghe danh chứ chưa nói đến việc đặt chân lên vùng đất biên cương hoang vu mang tên Điện Biên. Thế rồi Thực dân Pháp với sự giúp sức của Đế quốc Mỹ đã xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với tổng số hơn 16.000 quân. Quyết tâm đập tan ảo mộng xâm lăng của bè lũ thực dân đế quốc, Trung ương Đảng đã quyết định huy động toàn lực mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu, với ba đợt tiến công, các lực lượng vũ trang ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Tướng Đờ Caxtơri và Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị quân ta bắt sống. Chiến công này không những giáng đòn chí mạng, lật ngược cục diện, có vai trò quan trọng mang tính chất quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của quân và dân ta kết thúc thắng lợi mà còn gây tiếng vang “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, sự kiện quan trọng báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Lãnh đạo Báo Phú Thọ cùng nhân dân thắp hương tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1.

Chiến tranh luôn gắn liền với những mất mát đau thương. Cái giá phải trả cho độc lập-tự do không bao giờ đơn giản. Để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, biết bao chiến sỹ, dân công hỏa tuyến và người dân khắp các vùng quê đã anh dũng ngã xuống, xương thịt hòa cùng đất mẹ nơi lòng chảo biên cương Tây Bắc, biết bao người đã để lại một phần cơ thể, cả đời bị vết thương dày vò nhức nhối.

Tại tỉnh Điện Biên hiện có tám nghĩa trang liệt sĩ với hơn 6.600 phần mộ liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến, trong đó 705 phần mộ có đầy đủ thông tin, 653 phần mộ có một phần thông tin và 5.285 phần mộ không có thông tin. A1, Độc Lập, Him Lam và Tông Khao là những nghĩa trang liệt sĩ có quy mô lớn, trong đó A1, Him Lam và Độc Lập là nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, nơi an nghỉ của các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; Tông Khao là nghĩa trang cấp tỉnh, nơi an nghỉ của quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế chiến đấu và hy sinh trên nước bạn Lào. Đây chỉ là một phần nhỏ những mộ phần được an táng, quy tập, còn rất nhiều Anh hùng liệt sĩ vẫn còn nằm lại dưới tán phượng vĩ, báng súng, thông, ban… xanh um, mướt mát trên đồi A1, Độc Lập, Him Lam, sân bay Mường Thanh…

Chiến trường khốc liệt lòng chảo Điện Biên Phủ năm xưa giờ cũng là ngôi mộ chung, nghĩa trang liệt sĩ vĩ đại của những người chiến sĩ kiên trung, quả cảm. Vậy nên tỉnh Điện Biên đã quyết định đầu tư xây dựng công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ nằm trên đồi F- một trong 45 điểm di tích thành phần của Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ nằm liền kề với Di tích Đồi A1. Được xây dựng trong khuôn viên 50.000m2, Đền thờ có kiến trúc vừa truyền thống, vừa hiện đại của công trình du lịch văn hóa, tâm linh.

Cùng với 56 cây đèn tạo hình ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay trước sân Đền thờ còn sừng sững những vòng tròn đồng tâm như vành hoa bất tử trong tứ thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng…”. Không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ mà còn là điểm nhấn về văn hóa, kết nối với mạng lưới các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng, phục vụ du khách tham quan, tưởng niệm, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Điện Biên ngày càng phát triển, từng bước xác lập vị trí là trung tâm kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc. Và như thế, ngay cả khi đã nằm xuống, các Anh hùng liệt sĩ vẫn đang chung tay góp sức để Điện Biên mãi thanh bình, giàu đẹp…

Ân tình đất biên cương

Trong hành trình tri ân nơi chiến trường xưa, chúng tôi tình cờ gặp người quản trang rất đặc biệt, hơn 20 năm gắn bó, chăm sóc 2.432 mộ phần liệt sĩ ở Nghĩa trang Độc Lập, trong khi bà xã cũng theo nghề chồng đảm nhận việc quản trang tại Nghĩa trang Him Lam. Sinh năm 1967, quê gốc ở Hưng Yên, anh Vương Xuân Thấm cùng cha mẹ di cư lên Điện Biên từ khi mới lẫm chẫm biết đi và sinh sống cho đến nay. Từ trước những năm 1990, anh Thấm là Trưởng ban Văn hóa xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên và được cắm đất, dựng nhà gần khu vực nghĩa trang Độc Lập. Thời điểm bấy giờ, đời sống khó khăn, nơi an nghỉ của các Anh hùng liệt sĩ vẫn còn hoang vu, cỏ dại mọc lấn lối đi, thi thoảng mới có người đến khói hương thăm viếng.

Day dứt trong lòng, cứ lúc nào rảnh rỗi anh Thấm lại lụi cụi sang cắt cỏ, chăm sóc cho từng ngôi mộ. Ngày lễ, Tết, đặc biệt là Ngày Thương binh, Liệt sĩ hàng năm, hai vợ chồng anh lại sắp mâm cỗ như cúng tổ tiên ông bà để mang sang thắp hương cho các liệt sĩ. Thấy anh cần mẫn, chỉn chu, có tâm đức, khi nâng cấp đầu tư Nghĩa trang Độc Lập thành một điểm thuộc quần thể Khu Di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh đã đề nghị anh chuyển biên chế vào làm việc ở Ban quản lý Nghĩa trang, chính thức thực hiện công việc chăm sóc nghĩa trang một cách thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn. Kể từ đó, phần lớn thời gian anh ở lại Nghĩa trang, bầu bạn, chăm sóc các mộ phần liệt sĩ như với người thân của mình.

Hơn hai thập niên gắn bó với công việc, anh Thấm có niềm tin đặc biệt vào tâm linh với những trải nghiệm kỳ bí mà không mấy người có được. Theo lời anh thì dường như đây là cái duyên, các Anh hùng liệt sĩ đã lựa chọn, giao công việc này cho anh. Chẳng thế mà từ ngày nhận việc, lúc nào anh cũng cảm thấy tâm thanh thản, nhẹ nhõm. Đến chiếc xe máy vợ chồng anh dành dụm tiền mua sắm được hơn chục năm trước, khi đi đăng ký biển kiểm soát, chẳng hiểu ngẫu nhiên thế nào lại được dãy số 2432, đúng số mộ phần liệt sĩ tại nghĩa trang. Anh quyết định giữ gìn chiếc xe để đi lại, không đổi, bán. Hồi anh mới nhận việc, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy đã bước sang tuổi 94 có chuyến về thăm Điện Biên. Tuổi cao sức yếu, chuyến đi lại gấp gáp nên Đại tướng chỉ dành đến thăm một vài nơi và không có lịch trình dâng hương ở Nghĩa trang Độc Lập. Cả ngày hôm đấy, anh Thấm ngồi nhìn các mộ phần trong nghĩa trang hiu hắt, trong lòng cháy bỏng mong ước được gặp vị Đại tướng lừng danh một lần.

Thành kính chắp tay cầu xin các Anh hùng liệt sĩ, tối hôm ấy anh Thấm có giấc mơ kỳ lạ khi bỗng nhiên thấy các Anh hùng liệt sĩ trong nghĩa trang sắp hàng ngũ chỉnh tề, nghiêm trang khác thường. Tỉnh giấc hồi lâu mà anh vẫn thấy mông lung, nghi hoặc và rồi nhận tin vui bất ngờ: Đại tướng đã thay đổi lịch trình, dành thời gian tới thăm viếng Nghĩa trang Độc Lập. “Đại tướng còn cầm tay tôi hỏi han chuyện trò, dặn dò tôi phải tiếp nối truyền thống cha anh để làm tốt nhiệm vụ của mình. Việc tuy nhỏ bé nhưng cao cả, phải tâm huyết thì mới hoàn thành tốt… Đây là niềm vui, hạnh phúc, tự hào nhất của đời tôi. Lời căn dặn của Đại tướng hôm đó mãi in sâu trong tâm khảm, nhắc nhớ tôi nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao”- anh Thấm xúc động chia sẻ.

Lán Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở, làm việc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ giờ là di tích lịch sử thu hút đông đảo người dân đến tham quan.

Với người dân Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những là một huyền thoại bất tử, niềm tự hào mà dường như còn gắn bó, thân thuộc như người thân chỉ vừa mới đi xa và nhất định sẽ lại trở về với bà con như bao lần trước, vĩ đại mà giản dị, ân tình. Chẳng thế mà khi đi thăm Khu Di tích Mường Phăng, chúng tôi thực sự bất ngờ khi chứng kiến từ cụ già da mồi tóc bạc đến các cháu học sinh tiểu học đều có thể kể vanh vách những câu chuyện liên quan đến rừng Đại tướng, lán Đại tướng, hầm Đại tướng, từng chi tiết nhỏ mỗi lần Đại tướng về thăm. Biết khách đến từ Đất Tổ, mấy em nhỏ đang chơi trong Khu di tích nhanh nhảu giới thiệu: “Cây bưởi trước cửa hầm Đại tướng là giống bưởi Phú Thọ đặc sản đấy. Đại tướng lúc nào cũng quan tâm, dành những gì tốt đẹp nhất cho Điện Biên…”.

Theo lời giới thiệu, đầu năm 1954, Đại tướng cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ăn Tết Giáp Ngọ trong rừng sâu. Để động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và đoàn dân công tỉnh nhà, tỉnh Phú Thọ đã cử đoàn đại biểu các cơ quan đoàn thể lên mặt trận động viên tặng quà. Đoàn đại biểu đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và biếu Đại tướng ba quả bưởi Đoan Hùng. Đại tướng bổ bưởi cho anh em cùng ăn, ai cũng khen bưởi thơm, ngọt. Đại tướng giao cho đội trưởng cảnh vệ nắm hạt bưởi và bảo: “Đồng chí đem những hạt bưởi này gieo xuống chỗ đất tốt, để các thế hệ sau được ăn quả”. Chẳng bao lâu, trước lán Đại tướng đã có ba cây bưởi con mọc lên.

Tháng 5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Sở chỉ huy rút về chiến khu Việt Bắc, ba cây bưởi đã lên đến đầu gối, lá xanh tốt. Qua thời gian, giờ trước lán Đại tướng chỉ còn lại một cây bưởi cành lá xum xuê, đường kính gốc đến 20cm, cao gần chục mét như minh chứng cho phong cách đôn hậu, nhân văn, ân tình của Đại tướng với người dân cũng như tình cảm của đồng bào các dân tộc mãi trường tồn, bất biến với vị Đại tướng của lòng dân. Đây cũng là cội nguồn sức mạnh, nền tảng vững chắc để dân tộc Việt luôn bất khả chiến bại trước các thế lực xâm lăng, vượt khó vươn lên mạnh mẽ…

Cẩm Ninh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/huyen-thoai-tu-bun-mau-va-hoa/185654.htm