Tướng quân Lê Đăng Tiệm, nhân vật lịch sử thời Lê Trung Hưng

Sinh ra và lớn lên tại làng Phong Hậu, nay là thôn 4, xã Quảng Nhân (Quảng Xương), tướng quân Lê Đăng Tiệm là nhân vật lịch sử thời kỳ Lê Trung Hưng. Ông được nhắc nhiều trong lịch sử truyền thống và văn hóa của vùng đất này.

Đền thờ tướng quân Lê Đăng Tiệm (thôn 4, xã Quảng Nhân, Quảng Xương) đã xuống cấp.

Đền thờ tướng quân Lê Đăng Tiệm (thôn 4, xã Quảng Nhân, Quảng Xương) đã xuống cấp.

Làng Phong Hậu xưa là một vùng đồng chiêm trũng, quanh năm ngập nước, dân cư thưa thớt, người dân chỉ sống dựa vào một vụ lúa nước trong năm. Dưới triều Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng, cụ Lê Thiên Hậu là người gốc Hà Nội được nhà vua điều về vùng đất này để khai cơ lập ấp, xây dựng làng.

Như bao làng quê khác, trước đây làng Phong Hậu cũng có đình, có nghè thờ tự, tế lễ những người đã có công lập và xây dựng làng, đánh giặc giữ nước. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, cùng với những năm tháng chiến tranh chống giặc ngoại xâm, làng Phong Hậu về cơ bản đã thay đổi. Từ thế đất, hình làng đến những phong tục, tập quán, nếp sống văn hóa, các công trình văn hóa tâm linh đều theo thời gian bị lãng quên. Nghè làng nơi sinh hoạt văn hóa chung cũng được tháo dỡ để xây dựng trường học và công sở xã. Duy chỉ còn lại đền thờ tướng quân Lê Đăng Tiệm.

Theo tài liệu lịch sử địa phương và lý lịch di tích chép: Tướng quân Lê Đăng Tiệm là cháu của ngài khởi tổ Lê Thiên Hậu, sinh ra đã mang phẩm chất và vóc dáng của một vị tướng.

Trong 46 năm ở ngôi (1740-1786), vua Lê Hiển Tông đã cho phát hành tới 16 loại tiền, trở thành vị vua phát hành nhiều loại tiền nhất trong số các vua chúa; cho mở 16 khoa thi, lấy đỗ 131 tiến sĩ; ban hành Quốc triều khám tụng điều lệ (1777) quy định thẩm quyền các cấp xét xử, thời hạn xét xử, trình tự bắt người, điều tra, khám xét... Ông cũng là vị vua được lòng chúa Trịnh. Bởi ông vốn an phận, “tuy là ở ngôi nhưng thực thì chỉ rủ áo khoanh tay và nghĩ cách mua vui chứ chẳng có việc gì phải lo” (Hoàng Lê nhất thống chí).

Dưới thời Lê Hiển Tông trị vì, tướng quân Lê Đăng Tiệm nhiều lần được vua tin tưởng cử cầm quân. Do có nhiều công lao với dân với nước, tướng quân Lê Đăng Tiệm được nhà vua ban cho 3 sắc phong. Đó là sắc phong năm 1778, 1782, và 1783.

Là con cháu dòng họ, ông Lê Xuân Hạnh cho biết: “Hiện những tài liệu về cụ Lê Đăng Tiệm còn lại rất ít ỏi. Căn cứ vào 3 đạo sắc phong được lưu giữ, chúng tôi phần nào hiểu và thấy vai trò của tướng quân Lê Đăng Tiệm trong mối quan hệ giữa vua Lê và chúa Trịnh”. Trong khi nhà Chúa “bao sân”, vua Lê Hiển Tông chỉ lo giữ ngôi và hưởng niềm vui thì những vị tướng như Lê Đăng Tiệm càng phải gánh trách nhiệm nặng nề. Để tỏ lòng thành kính bậc anh minh, con cháu dòng tộc họ Lê và Nhân dân thôn 4 đã góp tiền, góp sức tôn tạo lại ngôi đền trên nền đất cũ có diện tích 2.250m2 nằm ngay giữa làng. Đền được xây dựng gồm 1 chính tẩm thờ tướng quân, tiền đường, tất cả đều lợp ngói, phía trước đền là sân, xung quanh xây tường rào.

Ba bức sắc phong là hiện vật quan trọng thể hiện vai trò và công trạng của tướng quân Lê Đăng Tiệm.

Ba bức sắc phong là hiện vật quan trọng thể hiện vai trò và công trạng của tướng quân Lê Đăng Tiệm.

Hằng năm, vào 15 tháng giêng, ngày giỗ tướng quân Lê Đăng Tiệm, cháu con quy tụ về đây trong không khí thành kính, trang trọng. Ông Lê Xuân Hạnh cho biết thêm: Mỗi lần nghe văn khấn trong giỗ cụ: “Tiên linh ta cần kiệm gây cơ nghiệp, trung hậu giữ gia phong qua biển dâu dầm mưa dãi gió vững tay chèo lái vượt thác ghềnh, đời càng vững cây bền gốc, ngày thêm thắm lá tươi cành, con cháu ngày càng tiến bộ, tổ tiên muôn thuở hiển vinh”, tôi không khỏi xúc động. Con cháu dòng họ Lê trên đất Quảng Nhân ngày nay tuy không được hiển vinh như tiên tổ nhưng phải nói là ngày càng tiến bộ.

Về thôn 4, xã Quảng Nhân (Quảng Xương), ông Đặng Ngọc Tuấn, trưởng thôn cho biết: Thôn hiện có 255 hộ/1250 khẩu. Ở đây có câu “nhất Lê, nhì Nguyễn”, họ Lê không chỉ là khởi tổ của làng mà còn chiếm phần lớn dân số, bởi thế những đóng góp của dòng họ đã tạo điều kiện để thôn 4 nói riêng, xã Quảng Nhân nói chung phát triển, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đền thờ Lê Đăng Tiệm và dòng họ tôn thất nhà Lê đã được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 1994. Trong khuôn viên 2.250m2, ngôi đền nằm lọt thỏm, xập xệ và xuống cấp. Một số hiện vật vẫn được dòng họ lưu giữ ở đền như: ngai, bát hương, bài vị, bảng đọc chúc văn, kiệu, hòm đựng sắc, kiếm...; ba bức sắc phong (bản in lại) được treo trang trọng. Tuy vậy, nhìn tổng thể, cả 4 bức tường đều bị bong tróc, thậm chí đứt gãy. Trước thực trạng ấy, bà con dòng tộc họ Lê đã đóng góp nhiều lần tu bổ, sửa chữa gian chính tẩm để đáp ứng nhu cầu tâm linh, thờ phụng.

Ông Dương Đức Cảnh, công chức Văn hóa – Xã hội xã Quảng Nhân cho biết: “Chúng tôi mong rằng, trong thời gian sớm nhất, với nguồn hỗ trợ của tỉnh, xã và huy động từ hội đồng gia tộc họ Lê, đền thờ Lê Đăng Tiệm thôn 4, xã Quảng Nhân sẽ được trùng tu, tôn tạo khang trang hơn, xứng đáng với di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”.

Bài và ảnh: Bảo Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tuong-quan-le-dang-tiem-nbsp-nhan-vat-lich-su-thoi-le-trung-hung-31707.htm