Huyền thoại xe đạp thồ trong cuộc chiến 10 nghìn ngày
Những chiếc xe đạp bé nhỏ đã sống sót trước đủ loại vũ khí hiện đại nhất trong kho vũ khí của quân đội Mỹ...
Trong công cuộc giải phóng thống nhất đất nước, những chiếc xe đạp bé nhỏ đã sống sót trước đủ loại vũ khí hiện đại nhất trong kho vũ khí của quân đội Mỹ góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng.
Công nghệ chiến tranh Mỹ cũng đành chịu thua
Theo thống kê, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 2 vạn chiếc xe đạp đã được sử dụng để vận chuyển lương thực. Không một người Pháp nào khi đó có thể ngờ tới một chiếc xe đạp nhỏ bé được gia cố lại vành, săm, lốp, nan hoa tới tay cầm đã trở thành loại phương tiện có sức chở ghê gớm đến vậy. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, hơn một vạn chiếc xe đạp huyền thoại lại tiếp tục sứ mệnh của mình.
“
Trong thời chống Mỹ có nhiều loại xe đạp được sử dụng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí… nhưng chủ yếu là hàng vạn chiếc xe Vĩnh Cửu của Trung Quốc viện trợ. Các xe này được sử dụng chủ yếu từ Nam Quân khu 4 (tính từ Nghệ An - Hà Tĩnh trở vào) cho đến tận miền Đông Nam bộ. Có thể nói đó là một loại xe đặc thù dùng trong các căn cứ, thậm chí suối đá dăm có thể dễ dàng vọt qua để đi. Khi thồ, người thồ giỏi, khỏe, cân bằng tốt mà có đường mòn tốt có thể chở tới trọng lượng tối đa là 2 tạ.
Thiếu tướng - AHLLVTND
Lê Mã Lương
”
Chuyên trang lịch sử Historynet của Mỹ gần đây tiết lộ, biết rõ sức mạnh của loại phương tiện này, năm 1965, một nghiên về việc sử dụng xe đạp trong chiến tranh đã được người Mỹ thực hiện để tìm ra cách thức đối phó tốt nhất. “Lợi ích từ việc sử dụng xe đạp lại đang nổi lên, nơi mà mạng lưới đường bộ không đủ đáp ứng việc vận tải cơ giới. Các con đường nhỏ và các con đê ở đây phù hợp cho việc đi lại bằng xe đạp”, nghiên cứu này đã từng đưa ra cảnh báo như vậy nhưng cũng không thể giúp người Mỹ hóa giải được sức mạnh của những chiếc xe thô sơ ấy.
Và quả thật cũng giống với người Pháp, người Mỹ đã phải chịu thất bại ở Việt Nam, trong đó có sự đóng góp không nhỏ vào chiến thắng nhờ những chiếc xe đạp thồ thô sơ. Theo trang Historynet, để đương đầu với Mỹ về quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quay trở lại chiến lược đã từng được sử dụng để đối phó với quân Pháp, đó là phát động một cuộc chiến tranh trường kỳ. Trong kế hoạch giành chiến thắng, quân đội Việt Nam sẽ vô hiệu hóa tính cơ động và hiện đại của hỏa lực Mỹ bằng cách di chuyển và tấn công về đêm. Những chiếc xe đạp thồ trung bình di chuyển mỗi ngày 40km để cung cấp lương thực và vũ khí cho các chiến sĩ của mình.
Việc vận chuyển bằng xe đạp tỏ ra rất hiệu quả trên những cung đường mòn nhỏ hẹp khúc khuỷu hiếm khi thẳng liên tục quá 3,6m và thường đầy những gốc cây, cành cây gãy đâm ngang. Đầu và thân của những người điều khiển xe đạp thồ thường xuyên va vào những cây tre và cây leo rủ xuống người họ. Họ còn phải vượt qua những cây cầu bé nhỏ, đung đưa được treo bằng những cây leo rừng vắt qua hàng trăm con suối hoặc sông. Xe đạp tỏ ra bền bỉ, linh hoạt và đáng tin cậy trong các điều kiện như thế này. Không những vậy, xe đạp còn có lợi thế yên lặng. Những người lái xe đạp có thể kịp thời nghe thấy tiếng máy bay Mỹ và chui vào các bụi cây để ẩn nấp.
Trở về sau cuộc chiến, khi đọc được những thông tin về xe đạp thồ, Arnold Blumberg, người từng là quân nhân trong lục quân Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam đã phải thừa nhận: “Thực tế, tiềm lực và trình độ công nghệ của quân đội Mỹ lớn hơn quân đội Pháp rất nhiều. Thế nhưng, xe đạp thồ vẫn phát huy tác dụng. Và trên thực tế chiếc xe đạp bé nhỏ đã sống sót trước đủ loại vũ khí hiện đại nhất trong kho vũ khí của quân đội Mỹ...”.
Kỷ niệm khó quên của những chiến binh già
Từng là chiến sĩ tham gia mặt trận miền Nam, Trung tá Lê Mạnh Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm hậu cần Lữ đoàn 26 (Quân chủng Phòng không - Không quân) cho biết, tuy có cấu tạo gần giống với những chiếc xe đạp từng sử dụng trong kháng chiến chống Pháp nhưng xe đạp thồ trong kháng chiến chống Mỹ chắc chắn hơn. “Hồi bấy giờ toàn đường nhỏ, không có ô tô mà nếu có cũng không đi được nên xe đạp được sử dụng như phương tiện chính vận chuyển lương thực, vũ khí và thương binh. Nếu dùng võng chở thương binh rất tốn sức và lại không hiệu quả nên xe đạp cũng là phương tiện hữu hiệu nhất”, ông Hùng chia sẻ.
Nói về cách gia cố chiếc xe đạp để có thể thồ được nhiều hàng, người chiến binh già cho biết, xe được nối một đoạn tre nhỏ và chắc, dài khoảng 1m vào ghi-đông để dễ điều khiển khi chở hàng cồng kềnh. Bên cạnh đó, một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50cm được buộc vào trục yên xe để cầm, có tác dụng vừa giữ thăng bằng vừa đẩy xe đi và hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ vào khung xe, tạo sự chắc chắn. “Do phải di chuyển ở những điều kiện đường khắc nghiệt, lốp xe cũng được quấn thêm vải, quần áo cũ, săm cũ…nhằm tăng độ bền”.
Những năm 1969 - 1970 và các năm sau trong lực lượng vận tải xe thồ thuộc Cục Hậu cần Miền đã xuất hiện một nhãn hiệu khác hẳn với các loại xe đạp trước đó, được gọi một cách thân thương “Con nai nằm”. Loại xe này đã nâng năng suất tải trọng của một chuyến thồ hàng từ 50kg/chuyến lên 300, 400kg/chuyến… thậm chí có thể thồ tới 1.050kg/ chuyến, tùy địa hình và người cầm lái. Người thiết kế chiếc xe có một không hai này là Vương Minh Vạng, cán bộ Đoàn 17, Cục Hậu cần Miền đóng trên địa bàn Phnôm Pênh (Campuchia).
Trong cuốn truyện ký “Năm tháng không quên” của ban liên lạc truyền thống Cục Hậu cần Miền (B2), ông Vương Đức Thanh, cựu quân nhân Cục Hậu cần Miền cũng là con trai ông Vương Minh Vạng kể: “Ba tôi được thủ trưởng Đoàn 17 giao nhiệm nâng cấp chiếc xe đạp thồ. Khi nhận nhiệm vụ, ba tôi đã gặp những người bạn, người quen tìm hiểu về cách thức làm khung xe sao cho chắc nhất, mua phụ tùng loại nào để đảm bảo đạt tải trọng cao. Bên cạnh đó là tìm người tin cậy đứng tên sản xuất xe đạp. Những chiếc xe đạp đầu tiên ra đời với tên gọi Titoni (theo tên một thương hiệu đồng hồ của Thụy Sỹ).
Nguyên vật liệu để sản xuất khung xe là ống thép nhập từ Nhật Bản, gồm phi 26, 28, 34. Cây đòn ngang thì dùng ống phi 26 lồng vào ống phi 28 nhằm tăng sức chịu đựng của khung xe. Khung xe đạp cổ điển có 4 cái rắc co, là khớp nối các ống thép với nhau để hình thành khung xe... Nhằm rút ngắn thời gian lắp ráp hoàn chỉnh xe thồ ở chiến trường, một số phụ tùng được lắp ráp trước ở Phnôm Pênh. Ở chiến trường, người lắp ráp chỉ cần lắp bộ chén cổ, ghi đông, đùi, đĩa, pê-đan, vỏ, ruột… rồi cất vào kho, chờ ngày cấp phát cho các đơn vị thồ. Các đơn vị thồ nhận xe về thì gia cố thêm rồi đưa vào sử dụng. Hiện, Tổng cục Hậu cần đã phục chế xe đạp thồ này, trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần ở Hà Nội.
Giờ đây khi nhắc tới chiếc xe đạp thồ trong chiến tranh, Thiếu tướng Lê Mã Lương vẫn không thể quên ký ức của chính bản thân mình đối với “ân nhân” đặc biệt này. “Tháng 3/1968, trong trận đánh với thủy quân lục chiến Mỹ tại Khe Sanh (Quảng Trị), tôi bị trúng lựu đạn của Mỹ, bị thương ở mắt, mặt và nhiều chỗ khác trên cơ thể. Sau khi được đồng đội kéo ra phía sau và băng bó, do vết thương nặng và nhiều nên nếu cõng đi bệnh viện tiền phương sẽ rất đau nên phương tiện vận chuyển tốt nhất được sử dụng là xe đạp. Lúc đó, tôi nằm trên chiếc võng, mắc giữa 2 chiếc xe đạp để đi bệnh viện tiền phương. Xe đạp thồ như một ân nhân và là kỷ niệm không bao giờ quên, gắn với cuộc đời người chiến binh như tôi”.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam cũng cho biết, những chiếc xe thồ giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ. Tuy những năm 1974 – 1975 loại xe này đã bắt đầu bị hạn chế vào công việc vận tải nhưng ở các căn cứ như Bộ Tư lệnh của các quân đoàn, Quân khu, Bộ Tư lệnh nhà Miền (Bộ Tư lệnh Quân giải phóng) thì xe đạp thồ vẫn phát huy tác dụng cho đến khi bộ đội ta rời các căn cứ đi xuống giải phóng các tỉnh đồng bằng. Kết thúc năm 1975, xe đạp thồ mới không còn được sử dụng, khép lại vai trò lịch sử vẻ vang của nó.