Huyền tích về sự linh thiêng của Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh
Trên lưng chừng núi có đền Linh Sơn Thánh Mẫu, dân chúng tôn gọi là Đức Phật Bà, và đền này được gọi là Điện Bà.
HỘI ĐỀN LINH SƠN THÁNH MẪU - NÚI BÀ ĐEN TÂY NINH
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Nam Việt Nam, cách tỉnh lỵ Tây Ninh 11 cây số. Núi cao vòi vọi, mây lam che phủ trông rất ngoạn mục.
Trên lưng chừng núi có đền Linh Sơn Thánh Mẫu, dân chúng tôn gọi là Đức Phật Bà, và đền này được gọi là Điện Bà. Hàng năm vào dịp xuân, từ mồng 10 tháng Giêng, dân chúng các nơi tới hành hương lễ bái rất đông, nhất là ngày 15 tháng Giêng.
Tây Ninh có sự tích về Phật Bà như sau:
Tương truyền rằng thuở còn là phần đất của Cao Miên, tại vùng núi Tây Ninh, có một viên quan trấn thủ địa phương người Miên sinh hạ được hai con: một trai tuấn tú và một gái hiền thục tục gọi là Nàng Đênh.
Lúc nàng mới độ 13 tuổi có một ông sư người Tàu tên là Trung Văn Danh từ Bến Cát (Thủ Dầu Một - Sông Bé) đến núi Tây Ninh tìm chùa làm nơi để hoằng khai Phật pháp. Khi đến nhà quan trấn, sư ông thăm hỏi việc truyền bá đạo Phật trong vùng và dò la kiếm nơi ẩn trú để hành đạo. Quan trấn thủ mời sư ông tạm nghỉ nhà mình để ông thừa dịp học đạo.
Sư ông vui vẻ nhận lời và từ đó bắt đầu hoằng khai Phật pháp trong gia đình quan trấn thủ và cơ vệ đội.
Tuy trẻ tuổi, nhưng sớm mượn màu thiền, nàng Đênh miệt mài nghe sư ông giảng đạo. Quan trấn là người mộ đạo, nên sau đó đã thiết lập cho sư ông một cảnh chùa nay còn di tích gọi là chùa Ông Tàu nằm về phía Đông chân núi, phía làng Phước Hội lên, chưa được kiến thiết lại.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, nghĩ lại đã mấy năm xa cách thiện nam, tín nữ Bến Cát. Sư ông bèn tạm biệt quan trấn để trở về thăm cảnh cũ người xưa. Từ ngày sư ông vắng bóng, nàng Đênh vẫn một lòng sùng kính Phật đạo, luôn luôn lo việc hương khói cho chùa.
Vốn con nhà trâm anh, lại tuổi đã tới tuần cập kê, nên nhan sắc của nàng càng thêm xinh lịch và được tiếng đồn khắp nơi. Quan trấn địa phương vùng Trảng Bàng, cơ sở tại sông Đua Bờ thành thuộc làng Lộc Hưng nay còn di tích, mới cậy mai mối đến nói với song thân của nàng xin cho nàng sánh duyên cùng trưởng nam của ông. Thân sinh của nàng vui vẻ tán thành, vì trai tài, gái sắc lại môn đương hộ đối nên định cho nàng thành nên giai ngẫu và hứa với đằng trai sẽ cho chọn ngày lành để sánh lễ.
Nhưng khi nói lại cho nàng biết, thì trước lời hứa danh dự của song thân, nàng chưa biết trả lời ra sao, nên xin đình đãi để kịp suy nghĩ.
Qua nhiều đêm trằn trọc, sau những lần cân phân hơn thiệt nàng định tâm lánh mặt đợi ngày nàng có dịp cạn tỏ để song đường biết. Nàng đã phát nguyện xuất gia cầu đạo, không thể có mặt trong nhà mà không tuân lệnh song đường để làm rạng rỡ tông môn, cũng không thể chấp nhận lập gia đình để gây mãi cho con người kiếp luân hồi khổ não.
Một đêm khi cha mẹ ngủ yên, nàng lẻn ra đi tầm đạo.
Hôm sau, cũng tưởng con mình như thường lệ sang chùa lễ Phật nên song thân nàng không để ý đến sự vắng mặt ấy. Mãi đến bữa ăn, song thân bà mới cho người đi gọi, hình bóng nàng đâu không thấy. Ông liền sai quân lính tỏa ra đi kiếm, kẻ băng rừng lội suối, người vượt đá trèo non, mãi đến trưa, quân tìm theo các kẹt đá, về báo đã gặp khúc chân nàng tại một hang đá.
Song thân nàng đến nơi, cảnh hãi hùng hiện ra, máu còn đó và thật chân của nàng, mà người còn đâu? Có lẽ hổ non đã ăn người vắn số?
Sau khi khóc than, song thân nàng cho lịnh quân lính mai táng chân của nàng trên núi và rước thầy giải oan cho nàng. Dân địa phương cho là nàng chết oan như thế phải hiển thánh nên từ đó có việc gì khó khăn đều cầu xin nàng về phù hộ và thường được toại ý.
Rồi việc nàng hiển thánh đồn xa, nhân dân rất sùng kính nàng từ đấy. Vì vậy nên khi có việc oan trái, dân địa phương nhang đèn sẵn trước sân, đúng giờ ngọ hướng về núi cầu nàng phù hộ.