Huyện Tĩnh Gia: Loay hoay giải bài toán rác thải nông thôn

Hòa chung với nhịp phát triển kinh tế của tỉnh, nhiều năm qua, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Tĩnh Gia đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, song song với tốc độ phát triển nhanh chóng đó, vấn nạn rác thải nông thôn cũng đã, đang đặt ra nhiều thách thức và trở thành một bài toán nan giải của huyện.

Ở xã Nguyên Bình luôn tồn tại hàng chục bãi rác tự phát gây ô nhiễm.

Một thách thức lớn...

Có dịp đi qua các vùng quê trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, điều dễ nhận thấy đó là rác thải nông thôn vẫn còn xuất hiện rất nhiều trên các vệ đường, trước cổng làng, chân cầu, mương nước, ao hồ và các bãi đất trống trong khu dân cư, hầu hết lượng rác thải không được phân loại và xử lý, chất đống nhiều ngày, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân.

Đặt chân tới xã Nguyên Bình, dễ dàng bắt gặp các bãi rác lộ thiên, nằm ngổn ngang ven đường, hoặc bất kỳ bãi đất trống nào gần các khu dân cư. Thậm chí, ở những thôn như Tào Trung, Xuân Nguyên, Cao Thắng, mỗi thôn có tới 3 - 4 bãi rác. Trời mưa, nước từ bãi rác rỉ ra màu đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Còn trời nắng, những người trong tổ thu gom lại tiến hành đốt. Rác thải không được phân loại ứ đọng lâu ngày cháy âm ỉ cả ngày lẫn đêm, phát tán khói, mùi khó chịu vào không khí. Chưa kể những ngày nồm trời thì “giặc ruồi” từng đàn bay vào trong các gia đình.

Chị Lê Thị Phương, thôn Cao Thắng, cho biết: Mỗi ngày, người dân trong xã thải ra một lượng rác sinh hoạt khá lớn. Mặc dù đất rộng nhưng thực tế là chính quyền xã chưa quy hoạch được các bãi rác tập trung, chưa có bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác do vậy mỗi hộ gia đình phải tự xử lý rác thải của nhà mình. Và cách xử lý được áp dụng nhiều và được coi là thuận lợi nhất với người dân đó là... vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể vứt được. Người này thấy người kia đổ được thì mình cũng tham gia và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp xã.

Được biết, lượng rác thải trung bình mỗi ngày mà người dân xã Nguyên Bình thải ra môi trường vào khoảng 6 tấn, trong khi khả năng thu gom, xử lý tập trung của xã chỉ đạt khoảng 1,5 tấn. Chia sẻ về những bất cập trong công tác xử lý rác thải của địa phương, ông Phạm Xuân Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Bình, thẳng thắn thừa nhận: “Hiện trạng rác thải bị vứt tràn lan ra nhiều trục đường liên thôn, liên xã, chân cầu... trên địa bàn là có. Vấn đề này đã tồn tại và kéo dài trong nhiều năm. Xã đã giao cho công an xã lập kế hoạch, phân đội tuần tra để phát hiện xử lý kịp thời những trường hợp cố tình ném rác thải ra công cộng. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự vẫn chưa cao”.

Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Tĩnh Gia, hiện nay, trên địa bàn 7 xã, thị trấn thuộc Khu đô thị thị trấn Tĩnh Gia mở rộng (không bao gồm 12 xã trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn) phát sinh mỗi năm khoảng 12.991,2 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó rác thải trên địa bàn các xã Hải Thanh, Hải Hòa và thị trấn Tĩnh Gia phát sinh khoảng 6.684 tấn/năm đã cơ bản được thu gom, xử lý; các xã còn lại như: Nguyên Bình, Hải Nhân, Bình Minh, Ninh Hải phát sinh 6.307 tấn rác thải/năm mới được thu gom một phần, cụ thể: Tại xã Bình Minh mới triển khai thu gom tại trục đường chính của 1/10 thôn với khối lượng khoảng 130 tấn/năm; xã Hải Nhân mới thu gom rác được 1/10 thôn với khối lượng khoảng 206 tấn/năm; xã Nguyên Bình cũng chỉ thu gom rác được 1/16 thôn với khối lượng khoảng 182 tấn/năm; xã Ninh Hải chưa thực hiện thu gom. Như vậy, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn 7 xã, thị trấn khoảng 7.202 tấn/năm, đạt tỷ lệ 55,4%, phần lớn rác thải sinh hoạt còn lại chưa được thu gom và xử lý tập trung. Thêm một vấn đề phát sinh khi đến thời điểm hiện tại, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại núi Còng, xã Hải Nhân đã không còn đáp ứng được việc xử lý hợp vệ sinh. Các công trình phục vụ xử lý và xử lý môi trường chưa đầy đủ (điện chiếu sáng, phục vụ xử lý nước thải), quá trình xử lý không theo thiết kế, phương án đã được phê duyệt, do vậy đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ tại bãi chôn lấp.

Loay hoay trong công tác xử lý

Thực hiện Quyết định số 3311/QĐ-UBND ngày 5-9-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc duyệt dự toán kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn 7 xã, thị trấn thuộc khu đô thị thị trấn Tĩnh Gia mở rộng, giai đoạn 2018-2020; UBND huyện Tĩnh Gia đã xây dựng kế hoạch triển khai thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn 6 xã: Ninh Hải, Hải Nhân, Hải Hòa, Nguyên Bình, Bình Minh và Hải Thanh và thị trấn Tĩnh Gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kế hoạch đã có nhiều vấn đề phát sinh. Theo đó, kinh phí chi trả cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ nhân dân đóng góp với mức từ 10.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND các xã thì nguồn kinh phí này mới chỉ đảm bảo chi trả cho việc thu gom rác thải từ các hộ dân và vận chuyển đến các điểm tập kết của xã, không đủ cho việc vận chuyển và xử lý. Ngoài ra, các hộ dân chưa tự giác trong việc đóng khoản kinh phí này, các hộ tham gia thu gom, đóng phí dịch vụ vệ sinh môi trường còn thấp. Do đó, đến nay hầu như các xã chưa chủ động đầu tư xây dựng bãi rác hoặc bãi trung chuyển theo quy hoạch nông thôn mới để thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải tại địa phương. Phần lớn rác thải được thải bỏ ra các khu vực công cộng, bờ biển, bờ mương, kênh, các trục đường và khu nghĩa địa; số còn lại được xử lý bằng chôn lấp tại các bãi rác hở của xã, công nghệ lạc hậu, thiếu sự đầu tư, chưa có sự quản lý chặt chẽ dẫn đến xử lý chưa triệt để, vẫn còn gây ô nhiễm môi trường tại một số nơi công cộng và tại vị trí xử lý.

Những khó khăn trong công tác thu phí rác thải nông thôn trên địa bàn huyện Tĩnh Gia cũng là khó khăn chung của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương. Công tác quy hoạch, lựa chọn điểm chôn lấp rác chưa hợp lý, gây tốn kém quỹ đất; công nghệ lò đốt chưa phù hợp; kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Nhận thức của người dân tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường chưa cao, nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, xả rác thải không đúng nơi quy định và chưa tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường tại khu vực mình sinh sống... Rõ ràng, hiện tại, bài toán rác thải nông thôn vẫn chưa có lời giải hữu hiệu.

Nguyễn Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doc-gia/huyen-tinh-gia-loay-hoay-giai-bai-toan-rac-thai-nong-thon/99037.htm