Huyền Trân công chúa và sứ mệnh mở cõi

Huyền Trân công chúa - bậc quốc sắc thiên hương đời nhà Trần, đảm đương sứ mệnh mở cõi vì lợi ích quốc gia đã đi vào lịch sử, trở thành huyền thoại trong dân gian và văn hóa Việt Nam đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho không ít tác giả.

Nhà văn Viết Linh có tiểu thuyết "Huyền Trân công chúa" (NXB Hội Nhà văn, 2003); nhà thơ Bùi Mạnh Hảo, bút danh Tâm Minh - có tập thơ tình sử "Huyền Trân công chúa" (3.400 câu) - NXB Thanh niên, 2013; Tiến sĩ Bùi Hữu Dược có kịch bản cải lương "Ni sư Hương Tràng" diễn tại rạp Đại Nam và nhiều nơi (năm 2017)…

Nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Riêng tôi lại có ấn tượng sâu sắc với bộ tiểu thuyết lịch sử "Bão táp triều Trần" (6 tập) của nhà văn Hoàng Quốc Hải, cây bút tiểu thuyết lịch sử hàng đầu của văn học Việt Nam đương đại. Trong đó, tôi thích nhất tập 5 viết về "Huyền Trân công chúa". Ấn phẩm gồm 280 trang khổ 15,5 x 23,2cm với 28 chương, tái hiện cuộc đời của công chúa Huyền Trân với tấm lòng trân quý và cảm phục.

Huyền Trân công chúa hội tụ nữ dung, nữ trí, nữ công và đức hạnh

Huyền Trân công chúa (1287 - 1340) là con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Quyên Thanh, trưởng nữ của Trần Hưng Đạo. Năm lên sáu tuổi mồ côi mẹ, Huyền Trân được dì ruột là Tuyên Từ nuôi dạy chu đáo. Từ nhỏ nàng đã xinh xắn, lớn lên vẻ đẹp lại càng gia tăng.

Người ta truyền rằng: Công chúa có làn da trắng mịn, dáng người mềm mại, mái tóc dài đen óng. Nổi bật là cặp mắt buồn, đen, sâu thẳm trên khuôn mặt màu hoa đào: "Đôi má nàng ửng hồng lên như một trái đào khoe mã, khẽ nhếch cặp môi chín mọng như tô son, để lộ ra hai hàm răng nhỏ, trắng muốt như những hạt ngô nếp" (tr 8).

Không chỉ đẹp về ngoại hình, công chúa còn có trí tuệ tinh anh, kiến thức sâu rộng nhờ ham học hỏi. Những trang đầu tiểu thuyết là cảnh Huyền Trân mải mê đọc sách - cuốn "Ly tao" của Khuất Nguyên, đêm đã quá khuya khiến nhũ mẫu, người nhận sự ủy thác của Thượng hoàng, kiên quyết nhắc nàng đi nghỉ, công chúa bất đắc dĩ phải vâng lời (trang 13). Thích đọc sách, say mê với đạo lý Thánh hiền, nàng từng thức trắng đêm để nghiền ngẫm cuốn "Vạn Kiếp tông bí truyền thư" của ông ngoại Trần Hưng Đạo và thấu hiểu được tư tưởng lấy dân làm gốc.

Đáng trân trọng hơn nữa, khi biết mình sẽ làm dâu đất nước láng giềng, Huyền Trân nghe lời Thái sư Trần Nhật Duật căn dặn: "Cháu về Chiêm là mang theo cả quốc hồn, quốc túy và cả quốc thể nữa" (tr 162). Nàng đã không ngại khó, ngại khổ học tiếng nói, chữ viết và tìm hiểu, nghiên cứu nền văn hóa và các phong tục Champa. Được bà vũ nữ người Chiêm - vốn là vũ nữ cung đình trước đây - truyền dạy nhiều vũ điệu, sự kiên trì và khéo léo khiến nàng có thể đội đèn múa rất tự tin. Nàng học và biết làm nhiều loại bánh của người Việt: bánh chưng, bánh dầy, bánh chè lam… Nàng cũng biết làm những món ăn và một số loại bánh truyền thống của người Chăm.

Ngay trong những ngày hôn lễ, đến với xứ sở Champa, nàng đã khiến vua Chế Mân và triều thần cùng dân chúng vô cùng bất ngờ, thích thú, cảm phục và yêu quý bởi vẻ đẹp ngoại hình tươi trẻ, dịu dàng, trí tuệ thông minh và tâm hồn trong sáng. Vẻ đẹp toàn bích và tình cảm chân thành của nàng đã khiến vua Chế Mân vô cùng yêu quý, sủng ái, luôn gọi nàng bằng danh xưng "Đóa bạch trà kiều diễm của ta". Nàng quả là tấm gương sáng về sự dấn thân vì nước, vì dân Đại Việt.

Sứ mệnh mở mang bờ cõi

Thượng hoàng Trần Nhân Tông là người có tầm nhìn xa rộng, ngài muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ láng giềng Đại Việt - Chiêm Thành, một quan hệ có vai trò trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh chống họa xâm lăng của đế quốc Nguyên - Mông. Vì thế, trong chuyến đi du hành Champa truyền đạo Phật, được vua Chế Mân đón tiếp trọng thị và chu đáo, Thượng hoàng có ý sắp xếp cuộc hôn nhân cho công chúa Huyền Trân với nhà vua, bắc nhịp cầu của tình hòa bình và hữu nghị giữa hai nước.

Vốn thông minh, Huyền Trân ý thức được vai trò của mối quan hệ đó nên thuận tình theo sự xếp đặt của vua cha. Vua Chiêm đã dùng nhiều đồ vàng ngọc quý giá cùng hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm (một phần tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng và phía bắc tỉnh Quảng Nam ngày nay) làm sính lễ. Huyền Trân công chúa đã đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hạnh phúc cá nhân. Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn Hoàng Quốc Hải miêu tả thiên tình sử của công chúa cùng vua Chế Mân lồng trong những nét đặc sắc của nền văn hóa và phong tục hai nước Champa và Đại Việt.

Những chương đầu tác phẩm, tác giả tập trung nói về phương lược ngoại giao khi đất nước hòa bình của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và tầm nhìn xa rộng khi ngài sắp xếp cuộc hôn nhân giữa quốc vương Champa và công chúa Đại Việt bấy giờ. Trong khi nhiều quan lại ở triều đình phản đối cuộc hôn nhân này nhưng công chúa Huyền Trân đã có những suy nghĩ rất chín chắn: "Đây là việc ta tự nguyện gánh lấy chứ phụ vương và vương huynh ta không ép… Ta sẽ quyết vì phụ vương, vì nền hòa bình trường cửu của Đại Việt và Chiêm Thành mà làm tất cả những gì cần thiết" (tr. 192).

Bìa tập 5 “Bão táp triều Trần - Huyền Trân công chúa” của nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Bìa tập 5 “Bão táp triều Trần - Huyền Trân công chúa” của nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Quốc vương nước Champa cũng là một người rất xứng đôi với Huyền Trân cả về tài trí văn võ lẫn ngoại hình. Ngày hôn lễ: "Chế Mân mặc áo bào trắng, quần chẽn cũng màu trắng. Ngoài khoác áo giáp đan bằng sợi vàng. Chân nhà vua đi hia đen thêu chim thần Garuda bằng vàng. Ngang bụng thắt chiếc đai ngọc, bên hông đeo thanh bảo kiếm khắc hình đầu thần Ganesa (đầu voi mình người) dài gần quét đất" (tr 206). Tiệc mừng hôn lễ được tổ chức tưng bừng trong bảy ngày đêm. Huyền Trân Công Chúa được phong ngay là Hoàng hậu Paramecvari, được vua và mọi người yêu quý tại Chiêm Quốc.

Huyền Trân công chúa "sống không phải cho riêng mình nữa"

Sinh ra và lớn lên từ nơi cung vàng điện ngọc, nhưng công chúa Huyền Trân rất gần gũi, chan hòa và thương yêu kẻ nghèo khó, tôi tớ và người hầu hạ. Nàng không chỉ xinh đẹp mà còn làu thông kinh sách. Với tình cảm chân thành, công chúa cùng với vua Chế Mân đã được sống trong ngọt ngào hạnh phúc và cũng đã sinh hạ được hoàng tử Dada. Những tháng ngày ấy, với vốn kiến thức thông tuệ, nhiều khi nàng trò chuyện, góp ý giúp nhà vua phương thức trị quốc tốt hơn chứ không can thiệp việc triều chính.

"Từ một đời sống trong chốn khuê các, chỉ lo tu sửa đức hạnh, trau dồi lễ nghĩa, thi thư, nay vừa bước ra khỏi nhà đã phải cùng một lúc đối phó với hàng trăm việc. Việc gì cũng hệ trọng. Xảy ra một tí không mất mạng cũng mất thể diện. Mà thể diện mình lúc này là thể diện quốc gia. Trần Huyền Trân giật mình lo sợ về trọng trách lớn lao. Và nàng mơ hồ nhận ra mình sống không phải cho riêng mình nữa"

(tr 245). Thật tiếc là những cải cách tiến bộ an dân của vua Chế Mân đã đụng chạm đến quyền lợi của không ít quan lại Champa, nhất là viên tể tướng cậu của hoàng hậu Tapasi. Riêng viên sứ thần nhà Nguyên là Lý Quí đã cùng với tên tể tướng mạt hạng bày mưu kế và thực thi hạ độc Chế Mân quốc vương khi ngài đi săn cùng hai người hầu cận. Nhà vua tử nạn trong niềm đau xót và tiếc thương vô hạn của Huyền Trân công chúa, triều thần và người dân nước Champa. Cuốn tiểu thuyết khép lại là hình ảnh: Hòa thượng Minh Thái biết tin vua Chế Mân bị hạ độc đã cầm cây thiền trượng huơ lên trời viết ba chữ "Thiên vô mục" (Trời không có mắt). Ông nói với hòa thượng Du Già: "Chúng nó giết quốc vương Chế Mân, có nghĩa là nước Chiêm thành tự sát" (tr 279).

Cuộc đời cùng tình duyên của công chúa Huyền Trân là một bài ca đẹp vừa hào hùng lãng mạn vừa chan chứa bi thương. Người phụ nữ cành vàng lá ngọc, khi cần đã biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hạnh phúc cá nhân. Chính sự hy sinh cao thượng của công chúa Huyền Trân đã giúp cho quốc gia mở rộng đất đai, lãnh thổ mà không tốn một mũi tên, một người lính. Công chúa Huyền Trân quả là tấm gương sáng về lòng trung hiếu, để lại bài học vô cùng quý giá cho hậu thế hôm nay và mai sau.

Nguyễn Thị Thiện

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/huyen-tran-cong-chua-va-su-menh-mo-coi-i745383/