Huyện Tràng Định (Lạng Sơn): Không còn địa bàn nào bị cô lập, chia cắt

Là một trong những địa bàn bị ngập úng nghiêm trọng do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra ở Lạng Sơn, nhiều địa bàn của huyện Tràng Định bị cô lập, chia cắt trong mưa lũ. Tuy nhiên đến 18h chiều 10/9, nước lũ bắt đầu rút nhanh và đến nay trên địa bàn huyện Tràng Định đã không còn điểm nào bị cô lập, chia cắt.

Thiệt hại do bão số 3 ước tính khoảng trên 300 tỷ đồng

Ngày 11/9, thông tin nhanh về tình hình ảnh hưởng và thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện Tràng Định (Lạng Sơn), UBND huyện Tràng Định cho biết, tính đến 17h ngày 10/9/2024, do ảnh hưởng của thiên tai, toàn huyện có 2.607 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở. Trong đó, 46 hộ bị sạt lở và 3 hộ bị sập hoàn toàn, 148 hộ bị tốc mái, 2.409 hộ dân bị ngập lụt; 23 nhà có nguy cơ bị sạt lở; có 1 hộ tại xã Quốc Việt bị cây đổ vào nhà. Về cây cối hoa màu, ngập khoảng 650 ha cây cối và hoa màu; thiệt hại cây lâm nghiệp 81,4ha.

Đại tá Triệu Tuấn Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn tại “tâm điểm” úng ngập thị trấn Thất Khê (Tràng Định) đêm 8/9.

Đại tá Triệu Tuấn Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn tại “tâm điểm” úng ngập thị trấn Thất Khê (Tràng Định) đêm 8/9.

Ngoài ra, nhiều công trình khác cũng bị thiệt hại như, gãy đổ 1 cột cáp quang của hệ thống Viễn thông trên tuyến đường từ xã Tân Tiến đi Vĩnh Tiến, gây khó khăn cho việc di chuyển qua lại; gãy đổ 12 cột điện và đè lên đường dây điện tại xã Chi Lăng; cổng trụ sở UBND xã Đào Viên bị gãy đổ; biển tên trụ sở UBND xã Quốc Việt bị hư hỏng nặng. Cây đổ cũng làm bẹp và bị nứt tường bếp trường Mầm non xã Trung Thành.

Về thiệt hại về giao thông, gió lớn làm đổ cây chắn ngang đường: 21 vị trí (tại QL.3B đoạn Km16+280, đoạn xã Tân Yên; đường xã Quốc Việt 1 vị trí; đường xã Đào Viên 12 vị trí; Tân Yên 1 vị trí; 1 đường ĐH06 Vĩnh Tiến; đường xã Chi Lăng 2 vị trí, đường xã Tân Minh 4 vị trí); sạt lở 30 vị trí; ngập nước 13 vị trí; ngập 2 cầu dân sinh tại xã Chi Lăng; mưa lớn gây ngập và chia cắt 35 vị trí giao thông. Theo UBND huyện Tràng Định, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện ước tính khoảng trên 300 tỷ đồng.

Từ ngày 8/9 đến ngày 9/9, mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt 10 đơn vị hành chính. Trong đó, các xã Hùng Sơn, Đội Cấn, Tri Phương, Quốc Khánh bị cô lập hoàn toàn. Một sô thôn, khu khác bị chia cắt cục bộ như: thị trấn Thất Khê (3 khu), xã Đại Đồng (3 thôn), xã Chi Lăng (2 thôn), xã Đề Thám (5 thôn), xã Hùng Việt (4 thôn) và xã Đào Viên là 4 xóm. Đến 18h chiều 10/9, trên địa bàn huyện Tràng Định đã không còn đơn vị nào bị cô lập và chia cắt.

Công an tỉnh Lạng Sơn sử dụng xuồng máy chở nước uống, mì tôm đến cứu trợ người dân trong vùng ngập úng tại thị trấn Thất Khê ( huyện Tràng Định).

Công an tỉnh Lạng Sơn sử dụng xuồng máy chở nước uống, mì tôm đến cứu trợ người dân trong vùng ngập úng tại thị trấn Thất Khê ( huyện Tràng Định).

Trước tình hình đó, UBND huyện Tràng Định chủ động và liên tục cập nhật tình hình thiệt hại từ các xã. Ngay sau khi nhận được các số liệu thiệt hại, UBND huyện đã chỉ đạo khắc phục, yêu cầu các đơn vị, lực lượng thực hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn đối với những trường hợp bị ngập, lụt.

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện di dời các hộ dân theo Phương án số 3798 ngày 10/9 của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện; chỉ đạo UBND các xã có hộ dân bị tốc mái khẩn trương huy động các lực lượng, người dân đến để hỗ trợ lợp lại mái nhà cho các hộ bị tốc mái.

Chỉ đạo UBND xã Đoàn Kết, Khánh Long cử và huy động các lực lượng đến hỗ trợ các hộ dân bị sạt lở; tiến hành rà soát lại các hộ tại các địa bàn có nguy cơ bị sạt lở để khẩn trương có biện pháp di dời; chỉ đạo UBND các xã, các đơn vị quản lý đường bộ huyện xử lý tại các vị trí có cây gây đổ để đảm bảo lưu thông. Cắm biển cảnh báo đối với các vị trí ngập úng, sạt lở, bị chia cắt. Đồng thời, chỉ đạo Điện lực huyện khẩn trương khắc phục sự cố về điện để đảm bảo trong đợt bão.

Để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, huyện đã sử dụng 7 xuồng máy, 50 bè mảng; 25 xe ba bánh, 8 máy múc, 15 ô tô để hỗ trợ khắc phục, dọn dẹp vệ sinh. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp phát thuốc sát trùng, cấp thuốc tiêu độc khử trùng và hướng dẫn người dân phun tiêu độc, khử trùng, tuyên truyền người dân chủ động và khẩn trương vệ sinh nhà ở và khu vực xung quanh nơi ở sau khi nước rút để sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, thiết lập đường dây nóng để duy trì công tác thông tin liên lạc hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo duy trì thông tin thông suốt 24h/24h.

Huy động hơn 2.000 người khắc phục các sự cố, ứng cứu người dân

Chia sẻ về kết quả khắc phục và hỗ trợ, UBND huyện Tràng Định cho hay, huyện đã huy động tất cả các lực lượng trên địa bàn tham gia công tác hỗ trợ khắc phục - tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Huy động được hơn 2.000 người với hơn 4.900 công bao gồm các lực lượng: Bộ Công an, Công an tỉnh, Công an huyện; Quân sự; Biên phòng; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện; UBND các xã, thị trấn tham gia thực hiện vệ sinh môi trường tại các xã, thị trấn bị ngập lụt. Sử dụng 7 xuồng máy, 50 bè mảng và hơn 4.000 phương tiện các loại để tham gia ứng cứu, hỗ trợ nhân dân. Đồng thời, hỗ trợ di dời 2.605 hộ dân (trong đó, có 42 hộ nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở; 2.563 hộ dân có nguy cơ ngập lụt) với khoảng 9.100 nhân khẩu đến nơi an toàn như nhà người thân, nhà họp thôn và các vị trí nhà ở an toàn. Các hộ bị tốc mái đến nay đã được các lực lượng, người dân hỗ trợ để lợp tạm xong mái nhà, tạm thời ổn định.

Công an tỉnh Lạng Sơn sử dụng xuồng máy giải cứu người dân ra khỏi vùng ngập úng đưa đến nơi tránh trú an toàn.

Công an tỉnh Lạng Sơn sử dụng xuồng máy giải cứu người dân ra khỏi vùng ngập úng đưa đến nơi tránh trú an toàn.

Về giao thông, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã nhiều cây gãy đổ ngang đường gây ảnh hưởng giao thông đang được xử lý, kịp thời đảm bảo lưu thông giao thông. Điện lực huyện cũng đã cử cán bộ khắc phục tại các xã có sự cố về điện trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, thực hiện các phương án đề ra, tính đến nay lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tổ chức hỗ trợ, ứng cứu được 500 người. Ngoài ra, chủ động phối hợp, trưng thu, trưng mua và tiếp nhận nhu yếu phẩm: 1.358 thùng mì tôm, 144 túi lương khô, 274 thùng sữa, 448 thùng nước lọc, 22 thùng bánh các loại, 13 thùng xúc xích, 200 xuất cơm, 300 xuất cháo và 9 thùng cháo để hỗ trợ cho bà con thị trấn Thất Khê và các xã bị ngập úng, ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn huyện.

UBND huyện Tràng Định đề xuất xây dựng mới đường giao thông từ Bản Mới - Bình Lâm - Đội Cấn; đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Bắc Khê, huyện Tràng Định với tổng chiều dài tuyến kè dự kiến khoảng 6.400 m (2 bên bờ trái và bờ phải tuyến kè).

Để bảo đảm ổn định lâu dài về đời sống và sản xuất cho người dân, bảo vệ tính bền vững cho các công trình hạ tầng quan trọng và các khu dân cư nhằm tránh xâm thực, sạt lở từ sông, suối, UBND huyện Tràng Định cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai quan tâm, xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Kè chống sạt lở bờ sông Bắc Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Mặt khác, đề nghị xem xét, đầu tư xây dựng Bến Xuồng cho huyện phục vụ công tác phòng, chống lũ lụt, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phục vụ diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho huyện; xây dựng Dự án bố trí ổn định dân cư cho các hộ dân khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở đất; hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả sau khi tổng hợp đầy đủ các thiệt hại để hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng.

Tâm Phạm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/huyen-trang-dinh-lang-son-khong-con-dia-ban-nao-bi-co-lap-chia-cat-i743651/