Huyện Vân Đồn chỉ đạo dọn phao xốp sau phản ánh của báo Tiền Phong
Chính quyền huyện Vân Đồn chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức sắp xếp, vận chuyển toàn bộ số phao xốp nằm tại cảng Cái Rồng tới khu xử lý đảm bảo môi trường, cảnh quan tại cảng cá lớn nhất của huyện.
Ngày 31/3, báo Tiền Phong có bài viết “Phao xốp chất đống gây ô nhiễm tại cảng cá lớn nhất Vân Đồn” phản ánh tình trạng phao xốp thu gom từ quá trình chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thủy sản chất đống tại khu vực cảng cá Cái Rồng, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Số phao xốp tồn đọng từ việc thu hồi vật liệu nuôi trồng thủy sản chất đống trên bãi đất thuộc cảng Cái Rồng. Ảnh: Quốc Nam
Số vật liệu nuôi trồng thủy sản này tồn tại hơn một năm qua nhưng không được đưa đi xử lý, đang có hiện tượng phân hủy vào đất gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan khu vực xung quanh cảng cá lớn nhất huyện Vân Đồn.
Ông Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết tình trạng báo Tiền Phong phản ánh là đúng, đồng thời sau khi tiếp nhận thông tin UBND huyện tổ chức họp bố trí kinh phí và giao 2 đơn vị trực thuộc lên phương án di dời ngay số phao xốp trên.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện, số phao xốp còn lại sẽ được vận chuyển bằng ô tô tải từ cảng về khu xử lý tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long.
“Người dân đã có ý kiến về khu vực này từ lâu. Chúng tôi tiếp thu sau khi báo chí phản ánh và dự kiến chủ nhật tuần này sẽ đồng loạt ra quân chương trình Chủ nhật xanh để thu gom, vận chuyển xử lý toàn bộ số phao xốp còn sót lại trên mặt cảng”, ông Vũ thông tin.
Ông Hoàng Đức Nhượng - Giám đốc kỹ thuật và kinh doanh Công ty CP Vietcycle, đơn vị trước nhận xử lý số phao xốp tại cảng Cái Rồng, cho biết trước đó công ty đã tiếp cận, lên phương án xử lý toàn bộ số phao xốp trên bằng cách ép chảy thành bánh để tái chế lại thành các sản phẩm khác.
Tuy nhiên, qua quá trình làm thực tế, số phao xốp thu hồi lẫn nhiều tạp chất, nhiễm mặn và bị biến đổi do ngâm nước nhiều nên thành phẩm thu về rất ít và chất lượng kém.
"Máy móc thường xuyên hỏng cùng với thành phẩm không đảm bảo nên chúng tôi phải bù lỗ 2-3 tỉ", ông Nhượng chia sẻ.
Ngoài ra, sau khi bão số 3 đổ bộ (tháng 9/2024) làm toàn bộ khu nhà xưởng và máy móc, thiết bị hư hỏng không thể tiếp tục sản xuất nên đơn vị đã rút nhân sự và máy móc về.