Huyện vùng cao nỗ lực thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân
Nhờ vào xây dựng nông thôn mới, nhiều xã thuộc địa bàn miền núi, vùng khó khăn của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đang 'thay da đổi thịt', đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Có xã đã về đích nông thôn mới nâng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của huyện.
Xã nghèo từng bước thoát nghèo
Tìm về xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình – địa bàn vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn của cả nước một chiều cuối năm, chúng tôi sớm cảm nhận được những dấu ấn thay đổi rõ nét tại xã vùng Tây Bắc, nơi từng gắn với những cái tên như “rốn nghèo”, xã ba không”...
Đây cũng là nơi mà người dân thường quay quắt trong mùa giáp hạt, thì nay, cuộc sống nơi đây đã bước sang trang mới, với dấu ấn của nông thôn mới ảnh hưởng đến từng nếp nhà, đến suy nghĩ thoát nghèo của người dân.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, xã Bắc Phong đã có nhiều đổi thay và là một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hòa Bình, khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, và về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Chủ tịch UBND xã Bắc Phong Khương Xuân Lịch cho biết, xã Bắc Phong có 10 xóm, tổng số dân hơn 5.100 người. Trong đó, chủ yếu là dân tộc Mường chiếm 55%, Kinh 25%, Dao 15%. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi.
Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và người dân là người được thụ hưởng, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động dưới mọi hình thức để nhân dân hiểu rõ mục đích của chương trình và chủ động tham gia.
Xã tổ chức thực hiện từ tiêu chí dễ đến khó. Các tiêu chí không cần nhiều vốn thực hiện trước. Đồng thời nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và lấy người dân làm chủ thể thực hiện.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, phong trào hiến đất, ngày công làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi, các công trình phúc lợi được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Đến nay, xã Bắc Phong cơ bản đã hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các thôn, xóm, bản.
Xã cũng quan tâm hỗ trợ vốn, cung ứng giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác; từng bước hình thành những mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Trong chăn nuôi, địa phương khuyến khích bà con đầu tư mở rộng chuồng trại, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đối với trồng cây có múi, vận động bà con đầu tư trồng theo tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam).
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tại đây vì thế được nâng lên rõ rệt. Diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày.
Câu chuyện của xã Bắc Phong đã cho thấy những nỗ lực đổi mới trên mảnh đất vùng cao huyện Cao Phong trong thời gian qua để từng bước thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Cao Phong tăng tốc thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới
Hướng đến mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025, huyện Cao Phong đang tăng tốc thực hiện các tiêu chí chưa đạt, gồm: Y tế - văn hóa - giáo dục; kinh tế; môi trường; chất lượng môi trường sống. Đến nay, huyện đã đạt 5/9 tiêu chí, gồm: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi; điện; hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công. Bên cạnh đó, huyện chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng thị trấn Cao Phong thành đô thị văn minh.
Song mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới- theo lãnh đạo huyện Cao Phong - là đảm bảo hỗ trợ tốt cho người dân trong lao động, sản xuất, chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Có thể nói, những thành tựu kinh tế - xã hội của huyện những năm gần đây đã cho thấy hướng đi đúng đắn trên hành trình phát triển. Nổi bật là trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng mía hàng hóa, cam và một số cây ăn quả khác.
Toàn huyện có diện tích cây ăn quả có múi trên 1,7 nghìn ha. Trong đó, diện tích cây cam trên 1,3 nghìn ha; có 179 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn hiệu lực, sản lượng niên vụ 2023 - 2024 đạt trên 20.000 tấn. Bên cạnh đó, các lợi thế về cảnh quan, môi trường, sản phẩm nông nghiệp phát huy hiệu quả rõ nét.
Tuyến đường tỉnh 435 lên hồ Hòa Bình đi qua xã Bình Thanh, Thung Nai hoàn thành cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác đã mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch vùng hồ. Kết cấu hạ tầng nội huyện, các đường trục dọc, trục ngang khu vực trung tâm huyện được quy hoạch, đầu tư mang lại diện mạo mới cho đô thị. Hệ thống đường liên xã kết nối từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ liên hoàn thúc đẩy giao thương, cải thiện dân sinh...
Đến nay, huyện có 7/9 xã về đích nông thôn mới, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời quyết liệt chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một bộ phận người dân trên địa bàn huyện vẫn chưa thể thoát nghèo bền vững.
Đơn cử như tại xã Bắc Phong, dù có nhiều chuyển biến, kinh tế và đời sống của người dân có khởi sắc hơn song nhìn chung, điều kiện sống của người dân vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước, số hộ nghèo, cận nghèo còn cao.
Trước đó, thăm, tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại huyện Cao Phong, Tổng Kiểm toán nhà nước và Đoàn công tác đã trao tặng 100 suất quà và tiền mặt cho hộ nghèo tại xã Bắc Phong mỗi suất trị giá 1,3 triệu đồng.
Đoàn công tác cũng đã trao tặng các em học sinh nghèo vượt khó của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Cao Phong, 50 suất quà và tiền mặt.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Cao Phong trong thời gian qua, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo sinh kế bền vững cho người dân, không để người dân nào bị thiếu ăn, từng bước hỗ trợ người dân thoát nghèo./.