Huyện Ý Yên phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025

Ngày 24/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận huyện Ý Yên đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2018, về đích sớm 02 năm. Từ những tiền đề để toàn huyện tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới 2020-2025 với kết quả cao hơn. Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Song, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên về vấn đề này.

Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật huyện Ý Yên nhiệm kỳ 2015-2020?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, phát huy những lợi thế và tiềm năng sẵn có của địa phương, 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã có những chuyển biến khá rõ nét trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ nhất: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới thực hiện có hiệu quả, đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra: Kết thúc năm 2018, đã có 32/32 xã, thị trấn của huyện đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. So với chỉ tiêu Đại hội huyện về đích sớm 02 năm. Năm 2019, UBND huyện tập trung chỉ đạo 5 xã phấn đấu xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao và các thôn, xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến nay 4 xã: Yên Lương, Yên Cường, Yên Khang, Yên Phong đang hoàn thiện hồ sơ và thực địa để tỉnh kiểm tra, công nhận.

Thứ hai: Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết thúc năm 2019, cơ cấu kinh tế của huyện theo các lĩnh vực: Nông, lâm, thủy sản còn 18,2%; Công nghiệp - TTCN, xây dựng; thương mại, dịch vụ: 81,8%. So với năm 2015, tỷ trọng giá trị ngành Nông, lâm, thủy sản giảm 12,6%.

Tập quán sản xuất đã có sự thay đổi căn bản từ việc chú trọng về số lượng sang nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Thứ ba: Nhiều dự án, công trình quan trọng được triển khai xây dựng trên địa bàn như các công trình phục vụ xây dựng Nông thôn mới được đầu tư nâng cấp ở tất cả các xã, thị trấn với tổng số vốn đầu tư trên 3.757 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động đóng góp từ nhân dân trên 443 tỷ đồng, chiếm 11,8%;

Thứ tư: Thu ngân sách trên địa bàn có rất nhiều tiến bộ. Năm 2018, tổng thu ngân sách trên địa bàn đã vượt mốc 400 tỷ đồng. Năm 2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn trên 312 tỷ đồng, đạt 122% dự toán năm (năm 2015, thu ngân sách trên địa bàn đạt 173 tỷ đồng).

Thứ năm: Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đặc biệt ngành giáo dục - đào tạo của huyện vẫn tiếp tục giữ vững thành tích là đơn vị xuất sắc của ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Nam Định…

Đâu sẽ là điểm đột phá để huyện hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và mục tiêu phấn đấu của huyện đến năm 2025, thưa đồng chí?

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đến năm 2025, toàn huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, ưu tiên một số lĩnh vực sau:

Công tác quy hoạch, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ý Yên tiếp tục chỉ đạo xây dựng các quy hoạch chuyên ngành và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn (2021-2025), giai đoạn (2026-2030) và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Một góc huyện Ý Yên (Nam Định).

Một góc huyện Ý Yên (Nam Định).

Cụ thể, huyện tập trung xây dựng quy hoạch phân khu dọc theo các tuyến đường: Đường trục phát triển của tỉnh; đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường kết nối Quốc lộ 38B với Quốc lộ 10 từ Ngã ba Vàng đi Yên Ninh; Tuyến đường từ đê Tả Đáy xã Yên Bằng đến đường 57B, xã Yên Tiến;…vv nhằm phát huy lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội khi các tuyến đường hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

Thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM theo bộ tiêu chí nâng cao. Năm 2019, huyện chỉ đạo 5 xã: Yên Cường, Yên Lương, Yên Nhân, Yên Phong, Yên Khang tập trung hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. UBND huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ cho các địa phương trong xây dựng NTM từ nay đến năm 2025.

Mục tiêu đến năm 2025 có 100% các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 30% số thôn, xóm trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Theo đồng chí, huyện Ý Yên làm gì để tiếp tục cải cách hành chính, thu hút đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp?

Trước hết phải thực hiện cải cách hành chính quyết liệt và có hiệu quả, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch mới có thể thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có uy tín và có năng lực đầu tư vào địa bàn.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thông thoáng, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của huyện trong công tác GPMB, thu hồi đất để sớm có mặt bằng sạch thì mới có thể thu hút và tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư.

Rút ngắn thời gian trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư có sử dụng thu hồi đất để tạo điều kiện cho các bước tiếp theo.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp địa phương đủ tầm, đủ lực để có thể cạnh tranh song phẳng với các doanh nghiệp trong nước và trên thế giới. Tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn đồng chí!

Thăng Long

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/huyen-y-yen-phan-dau-100-xa-dat-chuan-ntm-nang-cao-vao-nam-2025-73365.htm