Huyện Yên Định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Xác định đào tạo nghề (ĐTN) gắn với giải quyết việc làm góp phần hiệu quả vào chính sách an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế, những năm qua, huyện Yên Định luôn ưu tiên công tác ĐTN, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện lên 75,5% năm 2020.

Một lớp học nghề may công nghiệp ở xã Quý Lộc (tháng 12-2020).

Thực hiện kế hoạch của tỉnh về công tác ĐTN cho lao động nông thôn, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với hội nông dân, hội phụ nữ, huyện đoàn và các xã, thị trấn khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động. Dựa trên cơ sở khảo sát, các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo. Đồng thời, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để lựa chọn các nghề truyền thống, các nghề phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, có khả năng thu hút nhiều lao động ở nhiều nơi làm việc. Thông qua hệ thống trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân lựa chọn nghề. Chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo quản lý, tổ chức tốt các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh THCS và THPT; đẩy mạnh việc thực hiện phân luồng học sinh sau THCS theo Đề án 522 của Chính phủ nhằm tăng tỷ lệ học sinh tham gia học nghề, tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm...

Là đơn vị chủ lực trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và dạy văn hóa, dạy nghề cho học sinh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Yên Định không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ông Lưu Duy Hưng, giám đốc trung tâm, cho biết: Với mô hình vừa dạy văn hóa, vừa kết hợp với liên kết ĐTN, hiện nay, trung tâm có hơn 500 học sinh đang theo học, hằng năm cung cấp từ 150 - 200 học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề chính quy vào thị trường việc làm. Để dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho học sinh sau đào tạo, cũng như cung cấp cho thị trường nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, trung tâm đã liên kết với Trường Cao đẳng Công nghệ kinh tế và chế biến lâm sản để ĐTN gia công, thiết kế các sản phẩm mộc, kỹ thuật điêu khắc gỗ, quản trị mạng máy tính... Riêng với nghề mộc, điêu khắc gỗ đơn vị sẽ bảo đảm đầu ra và thu nhập cho 100% học sinh sau khi ra trường.

Nhận thấy nghề điện công nghiệp, may công nghiệp, thiết kế thời trang rất thiết thực, bảo đảm đầu ra cho học sinh, bởi trên địa bàn huyện có tới 3 doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH May TANHSU thuộc Tổng Công ty may Tiên Sơn, Công ty TNHH Giày Alena Việt Nam, Công ty TNHH Dệt kim Jasan Thanh Hóa có nhu cầu số lượng lớn lao động; trung tâm đã phối hợp với Trường Cao đẳng Bách khoa Việt Nam dạy nghề may công nghiệp và điện công nghiệp. Ngoài ra, trung tâm còn liên kết với Trường Trung cấp Công nghệ và Y dược Miền Trung dạy tiếng Nhật và công nghệ thông tin cho người học. Hiện 2 nghề này thu hút gần 100 học sinh, hứa hẹn sẽ cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người sử dụng lao động.

Việc liên kết đào tạo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên đã góp phần hiệu quả vào giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, công tác ĐTN cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 cũng được huyện chú trọng. Theo bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, qua khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và căn cứ tình hình thực tế, huyện đã lựa chọn các ngành nghề thiết thực để đào tạo. Trong thời gian 3 tháng học nghề, người lao động sẽ vừa học, vừa thực hành, sau khi học xong được hỗ trợ tạo việc làm và được chính các doanh nghiệp tại địa phương như doanh nghiệp tư nhân Vĩ Thủy (xã Định Tường), doanh nghiệp tư nhân Duẩn Thủy (xã Định Bình), Công ty TNHH MTV Dân Thắng (xã Định Tường) tuyển dụng hoặc nhận bao tiêu sản phẩm. Với các lớp chuyển giao khoa học – kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi thú y... sau khi học nghề, nhiều lao động đã đứng ra thành lập tổ sản xuất: trồng ớt xuất khẩu, sản xuất lúa giống, sản xuất lúa chất lượng, nuôi cá, nuôi lợn, gà, vịt... Những đơn vị tham gia chương trình ĐTN cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Cùng với ĐTN tại trung tâm và tổ chức các lớp tập trung ĐTN cho lao động nông thôn, huyện Yên Định còn khuyến khích người dân tham gia các hình thức đào tạo khác như truyền nghề, đào tạo lại, đào tạo bổ sung thêm kiến thức hoặc tay nghề. Từ đó giúp người lao động có việc làm ổn định, thích ứng với công việc, yêu cầu, điều kiện, môi trường làm việc trong thời đại công nghiệp 4.0.

Bài và ảnh: Vân Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/huyen-yen-dinh-dao-tao-nghe-gan-voi-giai-quyet-viec-lam/133456.htm