Huyện Yên Thủy đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động
Theo kết quả rà soát gần đây của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thủy, trên địa bàn hiện có gần 44.400 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động có việc làm chiếm trên 90%. Trong đó, lao động qua đào tạo chiếm 65,6%; 24,69% lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên.
Những năm qua, thực hiện chương trình khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và nắm bắt thông tin thị trường lao động, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo, tập trung mở các lớp học nghề đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Đồng chí Trương Đức Chinh, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện cho biết: Nhu cầu đào tạo nghề phi nông nghiệp tại địa phương khá lớn. Người lao động quan tâm đến một số nghề ngắn hạn, như may công nghiệp, hàn, điện để học xong có thể đi làm ngay. Dựa theo thế mạnh của từng xã, bà con cũng có nguyện vọng học các lớp nghề nông nghiệp, cụ thể là các xã Lạc Lương, Lạc Sỹ muốn học nghề chăn nuôi dê; các xã Đoàn Kết, Bảo Hiệu muốn học nghề nuôi gà thả vườn, trồng bí xanh an toàn... Trên địa bàn có một số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu biểu là Công ty CP Xi măng X18, Công ty CP Cơ khí đúc Hồng Hà ở xã Ngọc Lương; Công ty CP S Life ở xã Yên Trị; Công ty TNHH MDF Vinafor ở xã Lạc Thịnh. Ngoài ra còn có một số cơ sở may, tổ may gia đình thu hút lao động địa phương vào làm việc.
Trong công tác đào tạo nghề, huyện chú trọng dạy thực hành các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp giúp trang bị cho lao động nông thôn đầy đủ kỹ năng và tay nghề. Năm 2022, từ nguồn ngân sách địa phương, Trung tâm GDNN-GDTX huyện mở được 12 lớp nghề với 240 học viên. Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã mở 4 lớp với 114 học viên. 8 tháng qua, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nguồn ngân sách địa phương đã hoàn thành 8 lớp, với 247 học viên. Những tháng cuối năm, Trung tâm GDNN-GDTX tập trung triển khai đào tạo nghề trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững với kế hoạch mở 16 lớp dạy nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng), tổng số 492 học viên.
Đáng mừng là qua điều tra, khảo sát sau đào tạo, trên 90% học viên đã vận dụng nghề nông nghiệp vào thực tiễn, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất của gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu; khoảng 80% học viên tham gia thị trường lao động, việc làm sau học nghề phi nông nghiệp. Tại Trung tâm GDNN-GDTX còn tuyển sinh chương trình học văn hóa kết hợp với học nghề dành cho học sinh. Các ngành nghề được tổ chức giảng dạy phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hiện nay, như: chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, may thời trang.
Cũng theo đồng chí Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Thủy, mục tiêu mà đơn vị hướng tới là đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, chú trọng đào tạo theo nhu cầu sử dụng của xã hội và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đồng thời tạo sự gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động nhằm tạo sự chuyển biến tích cực. Trung tâm cũng quan tâm đến quy mô, cơ cấu, trình độ ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu tăng lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp, chứng chỉ, bằng cấp để người lao động hoàn thành chương trình đào tạo sẽ tham gia tốt vào thị trường lao động, có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nghề nghiệp tập trung vào lĩnh vực đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.