'Huyết chiến' chỉ vì mâu thuẫn bột phát
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra nhiều vụ án giết người, cố ý gây thương tích từ mâu thuẫn nhất thời trong sinh hoạt, va chạm giao thông, xích mích trong lời ăn tiếng nói, mâu thuẫn trong lúc uống rượu bia… Người bị thiệt mạng, mang cố tật suốt đời; kẻ phải rơi vào vòng tù tội, bỏ lại cha mẹ già, con cái bơ vơ …
Ngày 17/8, Nguyễn Hữu Phát (20 tuổi, ngụ TX Bến Cát, Bình Dương) điều khiển xe mô tô phân khối lớn, nẹt pô inh ỏi khi lưu thông trên đường thì xảy ra mâu thuẫn cãi nhau với Lê Trí Nhân, SN 2004, ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Do có quen biết nhau trước qua mạng xã hội nên sau đó Phát và Nhân nhắn tin thách thức, hẹn địa điểm để… chém nhau.
Để chuẩn bị cho cuộc “huyết chiến”, Nhân huy động 18 “chiến hữu”, mang theo dao tự chế, mã tấu, kiếm Nhật, rựa... đến điểm hẹn. Tuy nhiên khi đến nơi thì không thấy nhóm của Phát đâu nên nhóm của Nhân chạy xe thành đoàn đi tìm. Khi đi đến giao lộ Bùi Quốc Khánh-30/4 thuộc phường Chánh Nghĩa thì gặp nhóm của Phát với khoảng 10 người, nhóm của Nhân lập tức rượt đuổi và dùng hung khí chém Phát nhiều nhát gây thương tích, đứt 2 ngón tay… rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Phát bị thương tích nặng được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Qua truy xét, đến 20h ngày 19/8, Đội CSHS Công an TP Thủ Dầu Một phối hợp cùng Công an phường Chánh Nghĩa đưa 19 đối tượng về trụ sở làm việc và các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm.
Cũng tại TP Thủ Dầu Một, Đỗ Nhật Huy (SN 2005, quê tỉnh Bến Tre) có mâu thuẫn về tiền bạc với một người tên Thắng và hẹn nhau gặp để giải quyết mâu thuẫn. Gặp nhau, Huy tát Thắng một cái. Lúc này, Lê Minh Vương (SN 1994, quê tỉnh Sóc Trăng) cùng 6 người khác từ trong hẻm đợi sẵn bước ra đánh Huy. Bực tức, Huy về phòng trọ rủ Nguyễn Tuấn Anh (SN 2005, quê tỉnh Bình Dương) và Minh (chưa rõ lai lịch) mang theo hung khí đi tìm nhóm của Vương để trả thù. Khi nhìn thấy nhóm của Vương thì Huy và đồng bọn truy đuổi, đối tượng Minh dùng dao chém đứt lìa bàn tay trái của Vương. Sau khi gây án xong, nhóm của Huy, Tuấn Anh và Minh nhanh chóng rời khỏi hiện trường về phòng trọ gom đồ bỏ trốn…
Khoảng 11h ngày 3/7/2022, Nguyễn Tấn Đạt (SN 1988), Huỳnh Văn Trường (SN 1999, cùng quê tỉnh Bạc Liêu), Huỳnh Minh Hùng (SN 1975), Nguyễn Ngọc Lợi (SN 1985, cùng quê Cà Mau) đến uống rượu tại quán thịt cầy Rượu Bắc (khu phố Phú Hòa, phường Hòa Lợi, TX Bến Cát). Trong lúc tính tiền ra về, Đạt làm bể ly uống nước dẫn đến mâu thuẫn cãi nhau với Hoàng Văn Giang là chủ quán nhậu. Nhóm của Đạt, Trường ném đá vào bên trong quán. Bực tức, Giang cầm dao đi ra đâm trúng người Đạt và Trường. Đạt và Trường được đưa đến bệnh viện cấp cứu, tuy nhiên do vết thương nặng, Đạt đã tử vong, Trường bị trọng thương…
Theo Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương, đa số những người phạm tội giết người, cố ý gây thương tích từ mâu thuẫn nhỏ hầu hết là các đối tượng có lối sống buông thả, thích thể hiện, dễ bị kích động dẫn đến hành vi bạo lực, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Ngoài ra, theo Thượng tá Hà Tấn Phú, Trưởng Công an TX Tân Uyên (Bình Dương), do Bình Dương thu hút khá đông đảo người từ các tỉnh, thành khắp nơi trong cả nước về sinh sống, làm việc mà văn hóa vùng miền khác nhau nên trong lời ăn tiếng nói rất dễ phát sinh mâu thuẫn do không hiểu nhau.
Một khảo sát của Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đối với 500 đối tượng phạm tội giết người và 500 đối tượng phạm tội “có ý gây thương tích” cho thấy: Nam giới chiếm 92,3%, độ tuổi phạm tội chủ yếu từ 18-30 tuổi; sống ở thành thị chiếm 73%, sống ở nông thôn chiếm 18%, còn lại không nơi cư trú cố định. Đối tượng phạm tội có trình độ văn hóa từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở chiếm 59,7%. Có đến 46% số người phạm tội xuất thân từ gia đình thuộc thành phần phức tạp; 18% có hoàn cảnh gia đình cha mẹ đã ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; 14% sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp; 7% xuất phát từ gia đình giàu có nhưng có lối sống buông thả, ích kỷ, sĩ diện hão hoặc nuông chiều nhau thái quá; 11% có hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn và 4% xuất phát từ gia đình bình thường. Động cơ gây án do mâu thuẫn từ trước chiếm 49%; mâu thuẫn tức thời chiếm 48,8% và không nguyên cớ chiếm 3,2%.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xuất phát từ việc chúng ta chưa xây dựng được nền tảng vững chắc về đạo đức, pháp luật trong kinh doanh dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu đạo đức và chưa phù hợp pháp luật. Kế đến là bị ảnh hưởng bởi văn hóa phẩm độc hại khiến cho giới trẻ bị cuốn vào vòng xoáy chủ nghĩa cá nhân. Họ ngộ nhận về bản thân mình, xem thường người khác và các giá trị truyền thống dẫn đến những hành vi vượt ngưỡng cho phép.
Ngoài ra, việc có quá nhiều vụ việc bạo lực được đăng tải, chia sẻ… trên mạng internet mà thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng đã tác động tiêu cực vào nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ vốn là những người đang trong quá trình hoàn thiện nhân thức, bản lĩnh cá nhân, còn thiếu kiềm chế, dễ bị kích động. Đây chính là lý do vì sao phần nhiều các vụ việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xuất hiện chủ yếu ở giới trẻ.
Một bộ phận người dân hiện nay đã có sự thay đổi là đề cao lợi ích cá nhân hơn lợi ích cộng đồng. Khi lợi ích cá nhân bị xâm phạm thì rất dễ nổi nóng và sẵn sàng “giành lại công bằng” cho mình bằng mọi giá, trong đó “nắm đấm” được “ưu tiên” hàng đầu. Nguyên nhân sâu xa trong trường hợp này là do khi còn ngồi ở ghế nhà trường đến khi va chạm ngoài xã hội người ta ít được người đi trước truyền đạt về kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống mâu thuẫn…
Chính vì gây án từ mâu thuẫn nhất thời, bột phát nên hầu hết các đối tượng khi bị bắt giữ đều thể hiện sự ăn năn, hối cãi, có người còn không nói nên lời chỉ biết khóc vì hành động nông nổi không những tự hại mình mà còn gây biết bao đau khổ cho người thân, gia đình. Cho nên, cơ quan Công an khuyến cáo bản thân mỗi người phải biết kiềm chế nóng giận, kiểm soát cảm xúc khi gặp mâu thuẫn, xích mích để không phải hối hận thì đã muộn…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/huyet-chien-chi-vi-mau-thuan-bot-phat-i666261/