Huýt sáo - di sản độc đáo của Thổ Nhĩ Kỳ

Nếu như chưa từng biết tới Kuş dili, hay ngôn ngữ huýt sáo, hoặc điểu ngữ, khách tham quan lần đầu tới Kuşköy, một ngôi làng ẩn mình trong dãy núi Pontic đẹp như tranh vẽ ở tỉnh Giresun (phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ tưởng rằng nơi này là vùng đất của rất nhiều loài chim. Thật ra, từ nhiều thế kỷ qua, người dân ở đây đã sử dụng tiếng huýt sáo như một phương thức giao tiếp vượt qua khoảng không gian xa và địa hình đồi núi gồ ghề.

Kuş dili có thể truyền đi ở khoảng cách 10km.

Kuş dili có thể truyền đi ở khoảng cách 10km.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Kuş dili hình thành từ cách đây hơn 400 năm, xuất phát từ việc cộng đồng người địa phương, chủ yếu là những người làm nông nghiệp, phần lớn sinh hoạt ở ngoài trời. Do cách trở bởi những ngọn núi dốc, họ phải tìm ra cách liên lạc với nhau ở khoảng cách xa; huýt sáo giúp họ tránh bị khàn giọng trong suốt quá trình làm việc và trao đổi thông tin.

Theo một số nghiên cứu khoa học, tiếng huýt sáo không có độ vang nhiều như khi la hét, có nghĩa là chúng sẽ không bị sai lệch nhiều hoặc làm con mồi hoảng sợ khi đi săn. Nhờ vào độ hẹp, tần số cao của âm thanh, ngôn ngữ huýt sáo thậm chí có thể truyền đi xa hơn tiếng thét rất nhiều lần. Tiếng huýt sáo, trong một vài trường hợp, được mô tả là có thể truyền xa đến 10km, nhờ đó, những thợ săn của làng tiết kiệm được sức lực và hiểu ý của đồng đội ở cách đó rất xa.

Dù có lịch sử hơn 4 thế kỷ song ngày nay, ở Kuşköy chỉ còn khoảng 10.000 cư dân, chủ yếu là những người chăn cừu biết sử dụng Kuş dili. Sức mạnh của công nghệ đã và đang lan rộng đến cả những vùng hẻo lánh nhất. Tin nhắn văn bản, nhất là sự ra đời của điện thoại di động đã khiến ngôn ngữ đặc biệt này đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng”. Thế hệ trẻ hầu hết đều không có hứng thú kế thừa truyền thống, trong khi các bô lão sử dụng thành thạo ngôn ngữ của loài chim ngày càng mai một.

Năm 2017, UNESCO đã công nhận Kuş dili là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và đưa vào danh sách cần được bảo tồn khẩn cấp. Kể từ đó, nhiều dự án giảng dạy tiếng Kuş dili được triển khai nhằm lưu truyền loại hình giao tiếp này cho thế hệ trẻ ngay từ cấp tiểu học.

Ông Mustafa Civelek, một người dân ở làng cho biết, sử dụng Kuş dili là một nét văn hóa truyền thống đặc biệt của làng Kuşköy. “Tôi đã được cha dạy ngôn ngữ này. Và cha tôi, đã mất năm 115 tuổi, cũng là một người thành thạo sử dụng Kuş dili, ngôn ngữ truyền thừa từ tổ tiên. Tôi có thể dùng Kuş dili để nói chuyện với người quen ở trên đỉnh núi. Họ cũng có thể nhờ tôi giúp đỡ từ khoảng cách xa khi cần. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người sử dụng ngôn ngữ này ngày càng ít đi. Để bảo tồn Kuş dili, bên cạnh các lớp học, làng Kuşköy đã lên kế hoạch thường xuyên tổ chức lễ hội văn hóa nghệ thuật liên quan tới tiếng Kuş dili. Tại các lễ hội, dân làng sẽ tập trung để luyện tập và thi đấu. Ai huýt sáo được chính xác và thể hiện được nhiều nội dung như yêu cầu nhất sẽ giành chiến thắng” - ông Civelek chia sẻ.

Hiện tại, bà Muazzez Kocek, 50 tuổi, được coi là một trong những người sử dụng “điểu ngữ” giỏi nhất ở Kuşköy. Tiếng huýt sáo của bà có thể được nghe thấy trên những cánh đồng trà rộng lớn, vang xa hơn âm thanh giọng nói bình thường của con người tới 5 - 6km. Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đến thăm Kuşköy vào năm 2012, bà đã chào đón ông bằng ngôn ngữ Kuş dili đầy tự hào: “Chào mừng đến với ngôi làng của chúng tôi!”.

Những năm qua bà Muazzez Kocek là một người tích cực trong công tác bảo tồn tiếng Kuş dili truyền thống thông qua việc truyền lại những hiểu biết của bà cũng như cách sử dụng ngôn ngữ này cho thế thệ trẻ. “Tôi đã học ngôn ngữ huýt sáo từ năm lên 6 tuổi, khi bắt đầu làm việc trên cánh đồng cùng cha mình. Tôi đã truyền Kuş dili cho 3 con gái của mình. Một trong số bọn chúng, Kader Kocek, 14 tuổi, giờ đã có thể thể hiện quốc ca Thổ Nhĩ Kỳ bằng ngôn ngữ đặc biệt này. Đây là di sản của chúng tôi. Chúng tôi phải bảo vệ nóvà tiếp tục sử dụng nó” - bà Kocek nói.

Ông Organ Civelek, 37 tuổi, người có thể dùng “điểu ngữ” khá thành thạo, chia sẻ: Dân làng rất tự hào về phong tục ngôn ngữ của mình và muốn chia sẻ nó với du khách. Hiện tại, không có khách sạn nào ở ngôi làng hẻo lánh, nhưng người dân địa phương đang cải tạo một ngôi trường cũ thành nhà trọ với hy vọng thu hút nhiều khách du lịch hơn. Theo Organ Civelek, công nghệ là nguyên nhân khiến ngôn ngữ này biến mất, nhưng cũng mang đến một cách thức tuyệt vời để có thể bảo tồn Kuş dili cho các thế hệ sau.

Trẻ em trong làng được học Kuş dili từ tiểu học.

Trẻ em trong làng được học Kuş dili từ tiểu học.

Là một thầy giáo giảng dạy tiếng Kuş dili cho trẻ em trong các lớp học diễn ra vào mùa hè, ông Civelek sử dụng một ứng dụng có tên “Islýk DiliSözlüğü”. Đây là một dạng từ điển âm thanh, giúp lưu lại tiếng huýt sáo và các trích xuất giải thích ý nghĩa bằng văn bản. Islýk Dili Sözlüğü đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của chính quyền và người dân địa phương bởi nó góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Kuş dili. Theo kinh nghiệm của ông Civelek, giai đoạn lý tưởng để bắt đầu học Kuş dili là 9 tuổi. Đây là lúc học sinh có thể tiếp thu dễ dàng cách cuộn lưỡi và kiểm soát hơi thở.

“Bạn có thể làm mất hoặc làm vỡ điện thoại, nhưng miễn là bạn còn thở, bạn có thể huýt sáo. Đó là một phương tiện liên lạc mà bạn có thể mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi mà không sợ thất lạc” - thầy giáo Civelek tự hào nhấn mạnh khi nói về ý nghĩa của việc bảo tồn ngôn ngữ độc đáo ở quê hương mình.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huyt-sao-di-san-doc-dao-cua-tho-nhi-ky-655193.html