HV Tài chính: Mục tiêu thành trung tâm NCKH nhưng nguồn thu từ NCKH chỉ hơn 1%

Thông tư 01 yêu cầu trung bình nguồn thu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đặt ra là 5%, nhưng Học viện Tài chính mới đạt ở mức hơn 1%/năm.

Theo thông tin từ website Học viện Tài chính, với sứ mệnh "cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội", cơ sở giáo dục có mục tiêu chiến lược là "xây dựng, phát triển Học viện Tài chính thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học về Kinh tế - Tài chính - Kế toán hàng đầu Việt Nam, có uy tín trong khu vực”.

Tầm nhìn đến năm 2030, Học viện Tài chính trở thành 1 trong 5 cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam theo định hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, Quản lý – Quản trị, Công nghệ thông tin, Luật kinh tế,… Đến năm 2045, đưa Học viện Tài chính trở thành một trong 100 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Châu Á, một trong 1.000 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới theo chuẩn mực xếp hạng quốc tế.

Hiện, Giám đốc Học viện Tài chính là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng; Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường.

Trụ sở chính của học viện tại Số 58 Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

 Học viện Tài chính (Academy of Finance) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính. Ảnh: Ngân Chi.

Học viện Tài chính (Academy of Finance) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính. Ảnh: Ngân Chi.

Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ hơn 1%/tổng thu

Đối sánh trong báo cáo ba công khai ba năm học gần nhất (2021-2022, 2022-2023, 2023-2024) cho thấy, tổng thu của Học viện Tài chính có tăng trưởng mạnh. Cụ thể:

 Tổng thu của Học viện Tài chính theo báo cáo ba công khai trong ba năm học gần nhất (2021-2022, 2022-2023, 2023-2024).

Tổng thu của Học viện Tài chính theo báo cáo ba công khai trong ba năm học gần nhất (2021-2022, 2022-2023, 2023-2024).

Có thể thấy, tổng nguồn thu của Học viện Tài chính vào năm học 2023-2024 đạt ở mức cao nhất trong ba năm học trở lại đây (599.64 tỷ đồng), tăng 56.93 tỷ đồng so với năm học trước.

Trong năm học 2022-2023, tổng nguồn thu của trường cũng có xu hướng tăng so với năm học trước đó, ở mức 542.71 tỷ đồng, tức là tăng 22.71 tỷ đồng so với năm học 2021-2022 (520.00 tỷ đồng).

Theo số liệu trong báo cáo ba công khai qua các năm học, nguồn thu từ học phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu của Học viện Tài chính.

Thông báo công khai tài chính năm học 2021-2022 cho thấy, tổng thu từ học phí là 364 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 70%). Năm học 2022-2023, tổng nguồn thu từ học phí là 372.42 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 68.6%). Năm học 2023-2024, tổng nguồn thu từ học phí của nhà trường là 479.04 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ hơn 79.8%).

Còn đối với nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, theo thông báo công khai tài chính năm học 2021-2022, nguồn thu này đạt 7 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 1.34%); năm học 2022-2023 là 5.6 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 1.03%); năm học 2023-2024 thu 6.6 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 1,1%).

Con số này cho thấy, tỷ lệ nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Học viện Tài chính (khoảng 1,15%/năm), thấp hơn nhiều so với yêu cầu trung bình 5% của Tiêu chí 6.1, Tiêu chuẩn 6 trong Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Tiêu chí 6.1, Tiêu chuẩn 6, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT yêu cầu, tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%. Thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Lý giải về vấn đề này, trong văn bản trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Học viện Tài chính cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường trong giai đoạn từ năm 2019-2024 đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng và chất lượng. Nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn năm 2021-2024 chủ yếu từ nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, cấp Tỉnh, cấp Bộ và tương đương với nguồn thu gần 20 tỷ đồng.

Các nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đều phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Học viện và phục vụ công tác hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, Ngành, địa phương và được các cấp công nhận. Tuy nhiên, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Học viện Tài chính chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của nhà trường do nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ này còn hạn chế.

Trong thời gian tới, để tăng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, Học viện đề xuất các cơ quan quản lý tăng thêm nguồn kinh phí dành cho khoa học và công nghệ các cấp. Thực hiện tốt chiến lược và kế hoạch phát triển của Học viện về khoa học và công nghệ đến 2030, trong đó thực hiện đào tạo, nghiên cứu đa ngành và đẩy nhanh mảng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

Học viện phấn đấu trở thành trung tâm tư vấn chính sách về tài chính, kế toán cho Chính phủ và địa phương; đẩy mạnh chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa trong nghiên cứu; huy động nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà tài trợ phục vụ cho nghiên cứu khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức cá nhân có uy tín trong và ngoài nước.

Đồng thời, Học viện tiên phong thực hiện các hoạt động về đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng các hội nghị, hội thảo quốc tế, hội thảo quốc gia do Học viện Tài chính tổ chức; tạo lập môi trường làm việc tốt cho các nhà khoa học trong và ngoài Học viện để nghiên cứu và công bố các sản phẩm khoa học, thu hút nguồn tài trợ, chuyển giao công nghệ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Học viện Tài chính.

Tình hình công bố khoa học và công nghệ của nhà trường ra sao?

Tiêu chí 6.2, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT quy định: Số lượng công bố khoa học và công nghệ trung bình trên mỗi giảng viên toàn thời gian không được thấp hơn 0,6 bài/năm (đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ, không phải trường đào tạo ngành đặc thù), trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (với tính trọng số theo lĩnh vực) phải đạt ít nhất 0,3 bài/năm.

Đối với tiêu chuẩn này, theo thông tin của Học viện Tài chính, kết quả tổng hợp công bố bài báo tại Học viện Tài chính trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2024 được thống kê cụ thể như sau:

Để có cái nhìn tổng quan hơn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê bảng biểu về kết quả tổng hợp công bố bài báo của Học viện Tài chính trong giai đoạn năm 2019-2024 (số liệu do nhà trường cung cấp).

Trong giai đoạn năm 2019-2024, số lượng bài báo quốc tế của nhà trường có xu hướng tăng, đặc biệt là vào năm 2024 với 75 bài, cao nhất trong 6 năm qua. Trong đó, số bài đăng trên tạp chí ISI biến động mạnh, tăng từ 0 (năm 2019) đến chạm mức cao nhất vào năm 2023 là 26, rồi giảm còn 3 (năm 2024).

Số bài đăng trên tạp chí Scopus tăng từ 5 bài (năm 2019) lên 12 bài (năm 2020) và đạt 30 bài (năm 2021). Tuy nhiên, sau đó số lượng bài đăng trên tạp chí Scopus giảm xuống còn 16 bài vào năm 2022 và 9 bài trong năm 2023, sau đó tăng lên 33 bài vào năm 2024.

Trong khi đó, nhóm bài đăng trên các tạp chí khác có sự dao động và năm 2024 đạt cao nhất với 39 bài.

Về bài báo trong nước, số lượng công bố cũng có sự gia tăng đáng kể, từ 146 bài trong năm 2019 lên mức cao nhất 265 bài vào năm 2022, sau đó giảm nhẹ vào năm 2023 (232 bài) và tăng lên 241 bài vào năm 2024.

Về chính sách và kế hoạch triển khai, Học viện Tài chính cũng thông tin thêm, Nghị quyết số 03/NQ-HĐTHVTC ngày 16/2/2022 về Ban hành chiến lược phát triển Học viện Tài chính giai đoạn 2021-2023 và tầm nhìn 2045 đã cụ thể ở điểm 2.2.3. Chiến lược phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Hiện, Học viện Tài chính đang rà soát, cập nhật theo Công văn số 72/CV-TCCB ngày 03 tháng 03 năm 2025 nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Quyết định số 1422/QĐ-HVTC ngày 01/11/2024 về việc ban hành quy định quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện Tài chính, gồm "Điều 13. Những quy định chung", "1. Quy định nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh” và “2. Chương trình công bố quốc tế giành cho các nhóm công bố quốc tế”; cũng như tại điểm h, mục 3 về “Nhiệm vụ khoa học và công nghệ có công bố quốc tế".

Quyết định số 282QĐ-HVTC ngày 14/03/2025 về việc giao nhiệm vụ phát triển giảng viên và công bố kết quả nghiên cứu của các đơn vị thuộc Học viện đã giao nhiệm vụ cho trưởng các Khoa, Viện trưởng các Viện thuộc Học viện có trách nhiệm bám sát nhiệm vụ được giao, tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện công bố quốc tế.

Học viện Tài chính đang hoàn thiện và ban hành Quyết định liên quan đến người học (sinh viên, sau đại học) nhằm khuyến khích và tăng cường các công trình khoa học có công bố quốc tế.

Ngoài ra, Học viện cũng đang triển khai tổ chức các hội thảo quốc tế uy tín có công bố quốc tế, phối hợp với các trường, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động hợp tác, trong đó có nội dung công bố quốc tế.

Diệu Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hv-tai-chinh-muc-tieu-thanh-trung-tam-nckh-nhung-nguon-thu-tu-nckh-chi-hon-1-post250301.gd