HVG lại chuyển lãi thành lỗ sau kiểm toán, dấu hỏi về khả năng trả nợ
Lợi nhuận sau thuế của HVG đã nhanh chóng bốc hơi, biến từ lãi thành lỗ...
Sau 2 lần bị nhắc nhở về việc chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2019 lần 2, Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) đã công bố báo cáo.
Đáng chú ý, sau soát xét, lợi nhuận sau thuế của HVG đã nhanh chóng bốc hơi, biến từ lãi thành lỗ.
Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần được điều chỉnh tăng thêm 230 tỷ đồng, đạt 2.876 tỷ đồng, nhờ đó lợi nhuận gộp tăng thêm hơn 9 tỷ tuy nhiên các loại chi phí trong kỳ cũng đều được điều chỉnh tăng lên. Chi phí tài chính tăng thêm 15,7 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm tới 118,9 tỷ. Cùng với đó, lỗ từ công ty liên doanh liên kết từ 6,2 tỷ đồng đã tăng lên 42,7 tỷ, lỗ từ hoạt động khác cũng tăng lên 6,4 tỷ đồng.
Do đó, nếu trước soát xét, HVG vẫn lãi 2,6 tỷ đồng sau thuế thì sau soát xét, HVG ghi nhận lỗ hơn 134,2 tỷ đồng, lỗ ròng của công ty mẹ ở mức 111,8 tỷ. Kết quả này dẫn tới lỗ lũy kế của HVG tính tới 31/3/2019 đã lên tới 527,8 tỷ đồng.
Hiện với nợ phải trả hơn 6.619 tỷ, tỷ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu của HVG đã ở mức 3,2 lần, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 6.419 tỷ đồng (tài sản ngắn hạn của HVG đạt 6.823 tỷ).
Phía kiểm toán cho biết, với khoản lỗ lũy kế hiện tại và tập đoàn có các khoản vay đến hạn trả chưa được thanh toán tại các ngân hàng thương mại cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Theo đó, khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh của HVG phụ thuộc vào khả năng tập đoàn sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ vay ngân hàng.
Báo cáo cho biết, Ban Tổng giám đốc đã lập kế hoạch lợi nhuận và dòng tiền kế hoạch trong 12 tháng tiếp theo dự kiến sẽ được tạo ra từ hoạt động kinh doanh và thanh lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn nhằm có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong năm tài chính tiếp theo. Ngoài ra, HVG cũng đang trong quá trình xin sự phê duyệt của ngân hàng cho việc gia hạn thời hạn thanh toán các khoản vay.
Hiện HVG đang vay hơn 3.087 tỷ đồng từ ngân hàng gồm 2.963 tỷ đồng vay ngắn hạn và 124.3 tỷ đồng dài hạn, trong đó hơn 601 tỷ đồng là nợ quá hạn thanh toán. Đây là khoản nợ tại Vietcombank, HVG đã sử dụng quyền sử dụng đất, máy móc và thiết bị tại Khu công nghiệp Tân Tạo của HVC và quyền dử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Cây Trâm, Cà Mai và máy móc thiết bị của TFC để bảo đảm cho khoản vay này.
Tại thời điểm lập báo cáo, HVG đang trong quá trình xin sự phê duyệt của Vietcombank chấp thuận cho việc giãn thời gian thanh toán khoản nợ gốc và lãi vay này trong vòng 8 năm tiếp theo.
Trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, HVG đang có khoản phải thu ngắn hạn tổng công 4.610 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu kỳ, hàng tồn kho chiếm 1.784 tỷ, dự phòng cho 2 hạng mục này đều được điều chỉnh tăng sau soát xét, lần lượt trích dự phòng 797,8 tỷ và 14,7 tỷ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Tiền và các khoản tương đương tiền lại giảm mạnh (-70%) còn 121,5 tỷ đồng.
HVG đang có 638,6 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn vào 6 công ty liên kết, liên doanh và một phần nhỏ vào Công ty cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương, thậm chí có khoản đầu tư vào Thức ăn Thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long còn lỗ hơn 9,2 tỷ đồng. HVG đang lên kế hoạch thanh lý các khoản đầu tư này nhằm cung cấp thêm dòng tiền hoạt động và trả nợ.