HVN 'cất cánh' trở lại, một mã công nghệ nối gót FPT liên tục phá đỉnh
VN-Index chững lại ở vùng kháng cự 1.250 điểm, tuy nhiên một số cổ phiếu vẫn thu hút dòng tiền, điển hình là CMG và FRT vươn lên mức đỉnh mới.
Phiên 9/5, VN-Index mở cửa trong sắc xanh nhưng không duy trì được sự tích cực đến hết phiên. Đóng cửa, chỉ số giảm gần 2 điểm so với phiên hôm qua, lùi về mốc 1.248,64 điểm. HNX-Index và UPCoM tăng nhẹ.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 20.500 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 4.500 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.700 tỷ đồng trên sàn HoSE. Giống như phiên hôm qua, giá trị bán ròng của khối ngoại lớn chủ yếu do lệnh bán thỏa thuận VHM. Phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã sang tay gần 1.250 tỷ đồng giá trị cổ phiếu này, còn phiên hôm qua bán ròng hơn 900 tỷ đồng.
Các mã bị bán ròng đáng kể khác là DGC 137 tỷ đồng, VHC 101 tỷ đồng, TCB 67 tỷ đồng, HDB 64 tỷ đồng, VCI 62 tỷ đồng, DIG 39 tỷ đồng; DBC, VND, VIX 30 tỷ đồng; GVR, GMD, HSG, CTG, STB, BID, VRE, VPB, MSN trên 20 tỷ đồng...
Chiều ngược lại, cổ phiếu hàng không HVN hút dòng tiền ngoại nhất, được mua ròng 216 tỷ đồng. MWG và HPG tiếp tục được mua ròng mạnh với giá trị lần lượt hơn 110 tỷ đồng và gần 87 tỷ đồng. Danh sách còn có PVT 43 tỷ đồng, TCH 33 tỷ đồng, NLG 22 tỷ đồng, KDH 18 tỷ đồng, VTP 16 tỷ đồng, PLX 16 tỷ đồng, HAH 15 tỷ đồng...
VN30 giảm 3,4 điểm khi phần lớn các mã ở chiều giảm. SAB giảm mạnh nhất 2,2%, kế đến là VNM -1,9%, HDB -1,7%, GAS -1,7%, VRE -1,5%, SSI -1,3%, SHB -1,3%, MSN -1,3%. HPG, MWG, STB, VCB... giảm dưới 1%. Chiều tăng có BCM tích cực nhất với tỷ lệ +6,4%. TPB cũng tăng đáng kể 2,3%. Còn lại các mã chỉ tăng nhẹ như ACB, CTG, GVR, MBB, PLX...
Với diễn biến giằng co và thanh khoản chưa có sự đột biến, các nhóm cổ phiếu hầu như biến động ít. Vượt trội có nhóm vận tải kho bãi. Sau một phiên chững lại, HVN của Vietnam Airlines lại “cất cánh”, tăng 5,6% lên vùng giá 20.800 đồng/cp. Trong nhóm này còn có VOS tăng trần, ACV +2,9%, PVT +3%, VTP +3,3%, DVP +3,6%, SGP +7,3%... VJC và HAH tăng nhẹ. Ngược lại, GMD và VSC giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may cũng khá tích cực nhờ sự hỗ trợ của thông tin Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Tại nhóm thủy sản, VHC +2,1%, ANV +1,3%, ASM +2,6%, FMC +3,5%, IDI +1,7%, CMX +2,4%, ACL +4,1%... Nhóm dệt may ghi nhận VGT tăng 5,5% lên giá 15.300 đồng/cp, tăng 36% so với giữa tháng 4/2024. TCM cũng tăng hơn 2%.
Tại các nhóm trụ cột của thị trường, dòng tiền vào các cổ phiếu phân hóa với ưu tiên vào các mã nhỏ. Nhóm ngân hàng có hai mã tăng đột biến là BVB +7,9%, VAB +8,6%. Với mức tăng này, VAB đã về lại mệnh giá. Thời gian qua, cổ phiếu của VietABank diễn biến tích cực, sau thông tin về kế hoạch chuyển niêm yết lên sàn HoSE. Chỉ từ đầu tháng 4 đến nay, mã đã tăng 25% giá trị.
Các mã ngân hàng lớn chủ yếu dao động tăng, giảm trong biên độ quanh 1%.
Nhóm chứng khoán đa phần kết phiên trong sắc đỏ. VND, SSI, SHS, VIX, VCI đồng loạt giảm hơn 1%. Giảm mạnh nhất là TCI -4,9%, APG -4%. Ngược lại, vẫn có một số mã tích cực, gồm APS tăng trần, BMS tăng hơn 5%, CSI tăng hơn 3%.
Nhóm bất động sản và xây dựng cũng phần lớn ở chiều giảm, tuy nhiên không có mã nào bị bán mạnh. DIG, AGG, PDR, VRE, CEO, DXG, CII, BCG, HDG, HDC... giảm 1-2%. VIC, KDH, HHV, VPI, KHG, HTN đứng tham chiếu. Chiều tăng ngoài BCM có VHM, HUT, KOS, DPG, FCN, SJS, NHA... NVL sau phiên giảm sàn hôm qua đã được mua ròng trở lại, tăng 1,1%. Một số mã nhỏ tăng vượt trội như AAV, IDJ, API tăng trần. BCR tăng hơn 9% lên giá 6.000 đồng/cp.
Các mã tăng đáng chú ý ở các nhóm ngành khác là CMG của nhóm công nghệ thông tin, tăng trần lên giá 55.400 đồng/cp, cao nhất trong lịch sử niêm yết. Chỉ từ giữa tháng 4 đến nay, mã này đã tăng 34%.
FRT của FPT Retail cũng lập đỉnh mới khi tăng 2,7% lên vùng giá 166.900 đồng/cp.