Hy hữu bệnh nhân bị đứt lìa cổ chân được phẫu thuật kịp thời
Ngày 14/10, bệnh nhân ở Bến Tre bị máy cắt cỏ cắt đứt lìa cổ chân, được bác sĩ phẫu thuật kịp thời.
Bệnh nhân Nguyễn Hữu K. (SN 1985, ngụ tỉnh Bến Tre). Bệnh nhân khai, vào lúc 8h30' ngày 4/10, bệnh nhân khai bị lưỡi cưa của máy cắt cỏ cắt vào cổ chân hai bên tại Ba Tri, Bến Tre.
Sau tai nạn, bệnh nhân được sơ cứu cầm máu, khâu vết thương cổ chân hai bên, nẹp bột đùi bàn chân tạm hai bên tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ba Tri (Bến Tre), sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) điều trị giảm đau và dịch truyền. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tiếp đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Tp.HCM ngày 4/10.
Chia sẻ với PV, thạc sĩ, bác sĩ Võ Hòa Khánh, Trưởng khoa Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Tp.HCM cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc được, da niêm nhợt nhạt, mạch 84 lần/phút, Huyết áp: 90/60 mmHg, nhịp thở 20 lần/phút.
Vết thương cổ chân trái đã khâu còn nguyên vẹn vạt da mặt trước cổ chân trái khác 5-6cm, bàn chân trái và các ngón chân trái hồng, mặt lòng bàn chân trái và đầu búp ngón của các ngón chân trái còn căng phồng, nhấp nháy móng dưới 2 giây.
Vết thương cổ chân phải đã khâu còn dính cầu da bên ngoài cổ chân phải khoảng 3cm, bàn chân phải và các ngón chân phải sờ lạnh và tím tái, mặt lòng bàn chân phải và đầu búp các ngón chân phải xẹp, tím (thời gian mổ 3 tiếng).
Bệnh nhân được hồi sức trước và trong lúc mổ bao gồm truyền máu (hồng cầu lắng) tại khoa Cấp cứu. Trong quá trình mổ, ê kíp gây mê đã truyền các chế phẩm máu cho bệnh nhân (hồng cầu lắng, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu).
Bác sĩ Trần Phan Vinh Hiển, Khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Tp.HCM cho biết, trong quá trình phẫu thuật, vết thương đứt gần lìa cổ chân nên ê kíp phải cắt lọc, xuyên đinh cố định khớp cổ chân phải, nối vi phẫu động mạch chày sau và 2 tĩnh mạch tùy hành, nối động mạch chày trước và 2 tĩnh mạch tùy hành, 3 tĩnh mạch mặt lưng cổ chân phải, khâu vết thương, nẹp bột cẳng bàn chân phải.
Đối với vết thương 3/4 chu vi cổ chân trái, ê kíp mổ phải cắt lọc, xuyên đinh cố định khớp cổ chân trái, khâu nối bó mạch thần kinh chày sau, khâu vết thương, nẹp bột cẳng bàn chân trái. Hiện tại, sau 10 ngày tình trạng cả 2 cổ chân đều sống tốt.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Hòa Khánh nhận định, tai nạn do máy cắt cỏ không nhiều, một năm khoảng 7-8 ca đến bệnh viện cấp cứu. Tuy vậy, tai nạn này thường để lại di chứng nặng nề.
Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, máy cắt cỏ gây ra đứt lìa cổ chân, vết thương cổ chân, tổn thương mạch máu thần kinh đều có, nhưng đa số là bị 1 cổ chân, trường hợp này hy hữu bị 2 cổ chân, trong đó cổ chân phải đứt gần lìa, chỉ còn cầu da nên nguy cơ hoại tử cổ chân cao, cổ chân trái là vết thương gãy xương, đứt bó mạch thần kinh chày là bó mạch thần kinh quan trọng của chân.
Bác sĩ Võ Hòa Khánh khuyến cáo, người dân phải kiểm tra phương tiện máy cắt cỏ trước khi sử dụng như lưỡi máy cắt cỏ có bị gãy, nứt, lỏng ốc không…
Người dân khi sử dụng máy cắt cỏ phải mang bảo hộ lao động như nón, kính bảo vệ mắt, găng tay và đặc biệt là giày bảo hộ, có trường hợp lưỡi cưa bị gãy văng ra, với tốc độ của vòng xoay thì nguy cơ tổn thương luôn luôn hiện hữu ở bất cứ phần nào của cơ thể.