Hy hữu: Xương cá chui vào gan gây nhiễm trùng máu nguy hiểm

Nam thanh niên 26 tuổi ở Hà Nội sốt cao liên tục 7 ngày, đi khám được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, áp xe gan. Khi tiến hành mổ nội soi, các bác sĩ bất ngờ phát hiện 'thủ phạm' là xương cá dài 4cm nằm trong ổ áp xe gan.

TS Nguyễn Minh Trọng, Trưởng khoa Ngoại Gan mật – Tiêu hóa và Ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đây là ca bệnh khá hy hữu.

Bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau khi đã điều trị ở một bệnh viện khác do sốt cao liên tục kéo dài 7 ngày, đau bụng âm ỉ và uống thuốc hạ sốt không đỡ.

Được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, sau 3 ngày điều trị kháng sinh mà vẫn sốt, đau bụng hạ sườn phải, anh tự đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để khám.

Tại đây anh được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết - áp xe gan. Do tính chất ổ áp xe phức tạp, anh H được chỉ định mổ nội soi. Trong quá trình mổ, các bác sĩ bất ngờ phát hiện một dị vật nằm gọn bên trong ổ áp xe ở thùy gan trái, kích thước 4 cm nhìn giống xương cá.

Nam thanh niên đã hết sốt, sức khỏe ổn định sau ca mổ nội soi áp xe gan.

Nam thanh niên đã hết sốt, sức khỏe ổn định sau ca mổ nội soi áp xe gan.

TS Nguyễn Minh Trọng cho biết, cả ê kíp mổ rất ngạc nhiên, bởi xương cá hay mắc tại thực quản nhiều hơn, có thể gây thủng thực quản hoặc thủng dạ dày. Trường hợp bệnh nhân này phát hiện xương cá ở trong gan nên dị vật phải đi vào từ đường tiêu hóa.

Để chắc chắn, các bác sĩ nội soi dạ dày trong mổ để tìm điểm thủng thành dạ dày. Nhưng toàn bộ đường tiêu hóa trên (thực quản, bờ cong dạ dày) đều không thấy tổn thương. Vì vậy, các bác sĩ nhận định, xương cá có thể đã chui qua thành dạ dày, gây thủng rồi tự liền sau đó mới đi vào gan.

Theo TS Trọng, thông thường những bệnh nhân có dị vật từ đường miệng đâm xuyên qua dạ dày và đi vào gan gây ổ áp xe tại gan. Ổ áp xe gan có xu hướng sẽ thông với dạ dày và vỡ mủ từng đợt chảy vào dạ dày.

Nhưng trường hợp bệnh nhân này cũng rất lạ là không phát hiện bất cứ tổn thương nào ở hệ tiêu hóa. Hiện bệnh nhân sau khi can thiệp mổ nội soi kết hợp với kháng sinh thích hợp, tình trạng nhiễm trùng đã ổn định hơn và có thể xuất viện sớm.

“Dị vật ở đường tiêu hóa có thể xẩy ra với tất cả mọi người. Khi nghi hóc dị vật không nên tự lấy dị vật, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và lấy dị vật an toàn”, TS Trọng khuyến cáo.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/hy-huu-xuong-ca-chui-vao-gan-gay-nhiem-trung-mau-nguy-hiem--i737163/