Hy Lạp có thủ tướng mới: Chính sách kinh tế là đòn bẩy đưa ông Mitsotakis trở lại
Hôm qua (26/6), ông Kyriakos Mitsotakis đã chính thức nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp nhiệm kỳ thứ hai chỉ sau chưa đầy 2 tháng kể từ khi rời ghế. Sự trở lại của ông Mitsotakis cho thấy nhiều điều về lựa chọn của người dân Hy Lạp.
Sự trở lại mang theo nhiều kỳ vọng
Kyriakos Mitsotakis hứa sẽ xây dựng lại xếp hạng tín dụng của Hy Lạp, tạo thêm việc làm, tăng lương và tăng doanh thu nhà nước trong lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai sau khi sau khi Đảng Dân Chủ Mới của ông giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội nước này.
Đảng Dân Chủ Mới trung hữu của ông Mitsotakis đã giành được 158 ghế trong quốc hội 300 ghế trong cuộc bầu cử lặp lại vào Chủ nhật, vượt xa con số 48 của đảng cánh tả Syriza, đảng đã điều hành Hy Lạp từ năm 2015-2019 ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài một thập kỷ.
“Tôi đã cam kết rằng trong nhiệm kỳ thứ hai này, chúng ta sẽ nhận ra những thay đổi lớn mà đất nước rất cần”, tân thủ tướng Kyriakos Mitsotakis nói với Tổng thống Hy Lạp, bà Katerina Sakellaropoulou sau khi nhận nhiệm vụ chính thức thành lập chính phủ.
Ông Mitsotakis, cựu chủ ngân hàng 55 tuổi và xuất thân từ một gia đình chính trị quyền lực, từng nhận chức thủ tướng Hy Lạp từ năm 2019 cho đến khi từ chức để nhường chỗ cho một thủ tướng tạm quyền sau cuộc bỏ phiếu bất phân thắng bại vào ngày 21/5 vừa qua.
Trong cuộc bầu cử này, Đảng Dân Chủ Mới đã giành chiến thắng với 20% - mức chênh lệch lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại chính trường Hy Lạp. Nhưng đảng trung hữu này vẫn thiếu số phiếu cần thiết để chiếm đa số tuyệt đối trong Nghị viện.
Do vậy, Hy Lạp phải tổ chức một cuộc bầu cử thứ 2 và kết quả là chiến thắng nghiêng hẳn về Đảng Dân Chủ Mới, qua đó đưa ông Mitsotakis trở lại chiếc ghế thủ tướng chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi từ chức.
Phó chủ tịch cấp cao Steffen Dyck của tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cho biết chiến thắng của đảng Dân Chủ Mới là tín nhiệm tích cực. Ông Steffen Dyck tin rằng hiệm kỳ bốn năm thứ hai dưới thời ông Mitsotakis "sẽ đảm bảo tính liên tục trong các chính sách kinh tế và tài khóa của Hy Lạp và đặc biệt là tiếp tục tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh và sức khỏe của ngành ngân hàng".
Phó chủ tịch của Moody's cũng dự báo Hy Lạp "sẽ có một trong những đợt giảm nợ lớn nhất trên toàn cầu", với gánh nặng nợ chung của chính phủ giảm xuống dưới 150% GDP vào năm 2025, từ mức 171,3% vào cuối năm 2022.
Ê-kíp cũ cho mục tiêu mới
Chưa đầy nửa ngày sau khi ông Mitsotakis nhậm chức, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp đã công bố nội các mới. Trong đó, đáng chú ý có việc ông Mitsotakis bổ nhiệm Kostis Hatzidakis làm Bộ trưởng Tài chính của mình.
Hatzidakis, một nhà cải cách 58 tuổi có phong thái của một học giả, là phó chủ tịch của đảng Dân Chủ Mới. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Lao động và Năng lượng trong chính phủ cũ, giám sát việc tái cấu trúc PPC - công ty điện lực lớn nhất của Hy Lạp, vốn đang phải vật lộn với các hóa đơn quá hạn từ di sản của cuộc khủng hoảng nợ.
Nikos Dendias, Bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền trước, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng quốc phòng. Chiếc ghế quyền lực của Bộ Ngoại giao trong chính phủ nhiệm kỳ này thuộc về George Gerapetritis. Sinh năm 1967, ông Gerapetritis là một trợ lý cấp cao của ông Mitsotakis và từng đảm nhận chức Bộ trưởng Nhà nước và đã tiếp quản Bộ Giao thông sau một vụ tai nạn tàu hỏa thảm khốc vào tháng 2 vừa rồi.
Nội các mới của Hy Lạp sẽ tuyên thệ nhậm chức vào hôm nay (27/6). Theo các nhà phân tích chính trị, mục tiêu chính của chính quyền ông Mitsotakis sẽ là thúc đẩy các cải cách để xây dựng lại xếp hạng tín dụng sau cuộc khủng hoảng nợ, tăng doanh thu từ ngành du lịch vốn cực kỳ quan trọng với đất nước và tăng lương cơ bản của người lao động Hy Lạp lên gần mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU).
Đấy được xem là những mục tiêu thiết thực nhất với Hy Lạp lúc này. Trong khi đại dịch COVID-19 và vụ tai nạn đường sắt bộc lộ những thiếu sót trong hệ thống y tế và giao thông công cộng, thì giá cả tăng vọt do hệ quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine và biến đổi khí hậu càng khiến kinh tế trở thành mối quan tâm hàng đầu của cử tri.
Kinh tế là yếu tố quyết định
Chiến thắng của ông Mitsotakis và Đảng Dân Chủ Mới cho thấy, cử tri Hy Lạp, những người phải chịu đựng cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài một thập kỷ, ít quan tâm đến các vụ bê bối trên chính trường, hoặc các thảm họa như vụ lật thuyền khiến hàng trăm người di cư chết đuối ngoài khơi Địa Trung Hải mới đây.
Với họ, những cam kết của ông Mitsotakis để giữ đất nước trên con đường ổn định kinh tế và chính trị là điều quan trọng nhất. Và điều đó đồng nghĩa rằng, họ ủng hộ cách tiếp cận của Kyriakos Mitsotakis đối với nền kinh tế, bao gồm cả việc quay lưng lại với xu hướng rời khỏi Liên minh châu Âu (Grexit) mà đảng đối lập Syriza theo đuổi.
Tất nhiên, Hy Lạp vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi sau cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng và suy thoái kinh tế trong những năm 2010. Tổng sản phẩm quốc nội của Hy Lạp vẫn thấp hơn hơn 20% so với đầu năm 2008, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến dòng vốn tháo chạy khỏi đất nước. Nhưng cũng vì thế, với những cử tri Hy Lạp, những chính sách mà ông Mitsotakis đưa ra sẽ hấp dẫn hơn.
Sự trở lại dẫn dắt đất nước của một đảng trung hữu ở Hy Lạp cũng là một dấu hiệu cho thấy các nước Nam Âu đang nghiêng về cánh hữu như thế nào. Một thập kỷ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính của khu vực thúc đẩy sự trỗi dậy của các đảng thiên tả, giờ là lúc cánh hữu với quan điểm bảo thủ trở lại.
Tại Ý, Thủ tướng Giorgia Meloni cũng đã giành được quyền lực khi đứng đầu liên minh cánh hữu vào năm ngoái. Những người bảo thủ Tây Ban Nha đang bỏ phiếu trước những người trung tả đương nhiệm khi cuộc bầu cử quốc hội sắp diễn ra vào cuối tháng 7. Làn sóng ấy giờ đây có thêm cả Hy Lạp, và nó đang đặt ra cho những nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu nhiều bài toán mới, khi mà những chính trị gia cánh hữu vốn có xu hướng bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa và luôn chống lại việc đón nhận người nhập cư.
Với Hy Lạp, chính phủ mới do Thủ tướng Mitsotakis lãnh đạo cũng sẽ sớm cho chúng ta thấy, đất nước Nam Âu này sẽ chuyển mình theo hướng như thế nào bằng những quyết sách sắp ban hành.
Ông Mujtaba Rahman, GDĐH khu vực châu Âu của tổ chức phân tích chính trị Eurasia, nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một quốc hội bảo thủ nhất kể từ khi nền dân chủ tại Hy Lạp được khôi phục vào năm 1974. Sự ủng hộ đáng kể dành cho quan điểm cực hữu, dân tộc chủ nghĩa sẽ giúp ông Mitsotakis nhanh chóng thực hiện những cải cách sâu rộng đối với khu vực công cũng như các lĩnh vực tư pháp, y tế và giáo dục”.