Hy Lạp thông qua dự luật Lao động mới gây tranh cãi
Hàng nghìn nhân viên khu vực công của Hy Lạp, với sự kêu gọi của giới công đoàn, đã tuần hành để bày tỏ sự phản đối sau khi cơ quan lập pháp nước này do đảng Dân chủ mới kiểm soát vừa thúc đẩy thông qua đạo Dự luật Lao động mới, cho phép người dân có thể làm việc tới 78 giờ/tuần.
Cho phép làm việc 78 giờ/tuần
Dự luật vừa được Quốc hội Hy Lạp thông qua với 158 phiếu ủng hộ trên tổng số 300 ghế tại cơ quan lập pháp. Tất cả những phiếu ủng hộ đều từ đảng Dân chủ Mới cầm quyền. Những người còn lại đã bỏ phiếu chống lại cải cách pháp lý.
Chính phủ nước này tuyên bố rằng Dự luật mới nhằm nội luật hóa các chỉ thị của EU, và là một cách để chống lại tình trạng làm việc chui, mang lại sự linh hoạt cho những đối tượng muốn tăng cường lao động và thúc đẩy việc làm nói chung.
Dự luật mới cho phép người lao động toàn thời gian có thể làm thêm một công việc thứ hai bán thời gian và làm việc lên đến 13 giờ một ngày. Cụ thể người lao động có thể đảm nhận công việc thứ hai với một chủ lao động khác tối đa 5 giờ một ngày ngoài 8 giờ làm việc thông thường. Nói cách khác, người lao động hoàn toàn có thể làm 65 giờ một tuần (năm ngày trong tuần) hoặc 78 giờ (sáu ngày trong tuần).
Dự luật mới cũng quy định, người sử dụng lao động có thể cung cấp cho người lao động mới thời gian thử việc lên đến 6 tháng và được phép sa thải người lao động trong năm đầu tiên mà không cần bồi thường hoặc thông báo, trừ khi có thỏa thuận khác.
Dự luật Lao động mới cũng áp dụng biện pháp xử phạt những ai ngăn cản người lao động làm việc. Ngoài ra, những người ngăn cản người lao động đi làm trong các cuộc đình công sẽ bị phạt tiền, một điều khoản được cho là nhằm vào giới công đoàn.
Dự luật cũng cho phép việc áp dụng “hợp đồng lao động không thời hạn”, nghĩa là cho phép người sử dụng lao động có thể gọi cho nhân viên trước hai mươi bốn giờ để yêu cầu họ xuất hiện để làm việc.
Phản ứng của công đoàn
Các đảng đối lập và công đoàn nói rằng luật mới sẽ khiến cho tình trạng lao động quá tải trở thành một thực tế phổ biến vì thanh tra lao động "thực tế không tồn tại" ở Hy Lạp. Ngoài ra, họ cho rằng, dự luật đang tạo ra cái gọi là hợp đồng “theo yêu cầu” (hợp đồng 0 giờ), trong đó thời gian làm việc không được quy định rõ ràng trong các điều khoản của hợp đồng, một điểm mà theo quy định trước đây, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thông báo cho người lao động của họ.
Các công đoàn cũng chỉ trích việc thông qua luật mới của chính phủ nằm trong nỗ lực xóa bỏ chính sách ngày làm việc 8 tiếng và tuần 5 ngày mà EU và nhiều nước tiến bộ trên thế giới đang thúc đẩy.
"Dự thảo luật mới cho phép làm việc tới 13 tiếng mỗi ngày tương đương 78 tiếng làm việc mỗi tuần", Merchant Marine Union cho biết. "Quy định đó đang cướp đi giờ nghỉ tại nơi làm việc và ngày nghỉ cuối tuần của người lao động.
Tổ chức bảo trợ của các công đoàn khu vực công, Liên đoàn Công chức (ADEDY), cũng lo ngại việc hình sự hóa các hoạt động của công đoàn vì luật mới áp đặt mức phạt lên tới 5.349 USD, thậm chí bỏ tù đối với những đối tượng kêu gọi đình công, ngăn cản người lao động đi làm.
Các công đoàn cho rằng việc thông qua luật mới sẽ làm suy yếu quyền và điều kiện của người lao động. Tuần trước, các công đoàn Hy Lạp đã kêu gọi một cuộc đình công kéo dài 24 giờ. Cuộc đình công được hỗ trợ bởi các công đoàn lớn, bao gồm PAME, ADEDY, Liên đoàn Giáo viên Trung học (OLME), Liên đoàn Công nhân Hàng hải (PENEN) và Liên đoàn Nhân viên Bệnh viện công. Trong các cuộc tuần hành họ giương cao biểu ngữ có nội dung: "Chúng ta sẽ không trở thành những nô lệ hiện đại"...