Hỷ Sắc Lạc Hồng - trang phục cưới thổ cẩm tỏa sáng nơi cao nguyên đá Hà Giang
Giữa không gian thiên nhiên của cao nguyên đá Hà Giang, show diễn Hỷ Sắc Lạc Hồng của thương hiệu thời trang Bigally đã mang đến những trang phục cưới thổ cẩm rực rỡ được cách điệu tinh tế, đầy mới mẻ.
Theo đại diện thương hiệu Bigally, show diễn Hỷ Sắc Lạc Hồng được tổ chức với mục đích tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc tái hiện đám cưới truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Ngoài ra, show diễn mang đến góc nhìn mới mẻ, sáng tạo khi kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa xưa và hơi thở thời trang hiện đại. Đồng thời, Bigally mong muốn khơi dậy niềm tự hào dân tộc và truyền cảm hứng cho các thế hệ, đặc biệt là những mẫu nhí, giúp các em hiểu hơn về văn hóa truyền thống.
Sau lần đầu tổ chức thành công tại Sa Pa, chương trình “đặt chân’’ đến Hà Giang - nơi địa đầu của Tổ Quốc. Hỷ Sắc Lạc Hồng - Hà Giang đã diễn ra ngày 22/2 tại khu du lịch H’mong Village, huyện Quản Bạ, giới thiệu trang phục cưới truyền thống của 19 dân tộc.
Chương trình quy tụ dàn hoa hậu, nam vương, người mẫu, diễn viên, nhà sáng tạo nội dung tham gia trình diễn, như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 Bùi Thị Xuân Hạnh, Hoa hậu Liên lục địa 2022 Lê Nguyễn Bảo Ngọc, Siêu mẫu, Á hậu, Top 20 Miss Universe 2019 Hoàng Thùy, Nam vương Thần tượng Việt Nam 2024 Trần Tiến, diễn viên Huỳnh Anh, tiktoker Nàng Mơ...

Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc diện váy cưới thổ cẩm của dân tộc Dao Đỏ. Ảnh: Bigally
Theo đại diện thương hiệu, Hỷ Sắc Lạc Hồng - Hà Giang không chỉ tái hiện văn hóa cưới hỏi mà còn được xây dựng dựa trên mục tiêu tôn vinh những nét đẹp trong trang phục thổ cẩm.
Trong quá trình thực hiện bộ sưu tập, chị Trần Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Bigally, đã dành nhiều thời gian đến Hà Giang, ghé thăm trực tiếp bản làng nơi các đồng bào sinh sống, ăn, ngủ cùng người dân để hiểu sâu hơn về văn hóa, nghiên cứu những loại vải thổ cẩm. Chị chọn những tấm vải đủ đẹp, bền để có thể may thành các bộ đồ ấn tượng, bền vững. Sau đó, bà con sẽ trực tiếp chế tác, thực hiện các công đoạn như se sợi, dệt, nhuộm vải, vẽ sáp.
Chị Ngọc Bích và đội ngũ thiết kế của Bigally trải qua nhiều ngày lên ý tưởng, phác thảo thiết kế, cùng sự ủng hộ của người dân. Trang phục được các người mẫu, diễn viên, nhà sáng tạo nội dung trình diễn trong chương trình đều hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, mang đến góc nhìn thú vị hơn về phong tục cưới hỏi của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ngoài các thiết kế áo dài, váy thổ cẩm truyền thống, bộ sưu tập còn có những kiểu dáng phá cách như váy dạ hội bồng bềnh, suit cách điệu, jumpsuit hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần văn hóa dân tộc. Không chỉ sử dụng vải thổ cẩm thủ công, các nhà thiết kế đã kết hợp chất liệu ren, lụa, organza nhằm tạo hiệu ứng bay bổng, giúp các bộ đồ thời trang và phù hợp xu hướng hiện đại. Có thể kể đến trang phục cô dâu Lô Lô được thiết kế thắt eo với dáng váy đuôi cá, giúp tôn vóc dáng người mặc. Váy cưới của người H’Mong Trắng cũng được biến tấu với kiểu dáng xòe rộng, nếp gấp mềm mại.

Á hậu Hoàng Thùy và người mẫu Khoai Vũ tái hiện đám cưới của dân tộc Lô Lô. Ảnh: Bigally
Trên các trang phục, hoa văn thổ cẩm truyền thống không chỉ được dệt tay mà còn ứng dụng công nghệ in, thêu 3D, mang đến hiệu ứng thị giác ấn tượng. Một số thiết kế còn được áp dụng kỹ thuật đính kết pha lê, kim sa, tạo sự lộng lẫy nhưng vẫn giữ được hồn cốt văn hóa.
Do địa điểm tổ chức tại Hà Giang, êkíp dựng sân khấu theo những đường nét uốn lượn của các cung đường quanh co dẫn vào bản làng vùng cao hay của dải thổ cẩm truyền thống. Không gian trình diễn được hướng thẳng ra triền núi, bao phủ bởi làn mây mờ ảo, tạo nên khung cảnh hùng vĩ nhưng không kém phần nên thơ, đồng thời nâng tầm giá trị nghệ thuật cho từng bộ trang phục. Sàn diễn mở hai lối đi riêng biệt, nơi cô dâu và chú rể cùng bước vào, tượng trưng cho hai tâm hồn đang dần hòa vào nhau, cùng đồng hành trên chặng đường mới.
Bên cạnh việc tổ chức một show thời trang, Bigally cũng góp phần quảng bá vẻ đẹp vùng cao, góp phần thúc đẩy du lịch cho địa phương. Sau thành công của chương trình, Bigally ngày càng khẳng định sứ mệnh “Chạm đến tinh hoa văn hóa Việt’’, đưa thời trang thổ cẩm vươn xa, định vị thương hiệu không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ thời trang quốc tế. Trong những sự kiện Hỷ Sắc Lạc Hồng tiếp theo, thương hiệu kỳ vọng tiếp tục phát huy giá trị cốt lõi là gìn giữ, tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Việt, đặc biệt là vải thổ cẩm - di sản quý báu của các dân tộc thiểu số.