Hy vọng của lao động tự do từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
Cùng với nhiều đối tượng được hưởng hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là NQ68 và QĐ23) như: Giáo viên, hướng dẫn viên du lịch, nghệ sỹ…, người lao động tự do là đối tượng được quan tâm đặc biệt hơn cả. Với mức hưởng không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc 50 nghìn đồng/người/ngày..., Hà Nam đang đẩy nhanh tiến độ triển khai NQ68 và QĐ23. Người chờ đợi hưởng thụ hỗ trợ này nhiều hơn cả chính là lao động tự do.
Cùng với nhiều đối tượng được hưởng hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là NQ68 và QĐ23) như: Giáo viên, hướng dẫn viên du lịch, nghệ sỹ…, người lao động tự do là đối tượng được quan tâm đặc biệt hơn cả. Với mức hưởng không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc 50 nghìn đồng/người/ngày..., Hà Nam đang đẩy nhanh tiến độ triển khai NQ68 và QĐ23. Người chờ đợi hưởng thụ hỗ trợ này nhiều hơn cả chính là lao động tự do.
Ở tuổi 50, anh Chu Văn Tới, xã Bối Cầu (Bình Lục) thời gian qua phải nghỉ việc ở nhà do nhà hàng anh làm thuê phải đóng cửa kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ tư. Công việc của anh là trông xe cho nhà hàng hoặc làm một số công việc vặt do chủ yêu cầu khi cần thiết. Nhà hàng đóng cửa đồng nghĩa với việc anh nghỉ việc chờ hoặc đi tìm việc mới. Nhưng ở tuổi này, tìm việc mới đối với anh không hề dễ dàng.
Anh nói: Cả nhà có 4 người, tôi và đứa con gái làm nghề tự do. Công việc của tôi thì vậy, con gái tôi cũng làm phục vụ cho một nhà hàng ăn ở Hà Nội. Công việc thất thường từ đầu năm đến nay. Kinh tế gia đình trông chờ vào tiền lương công nhân ít ỏi của vợ.
Lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao, là những người gặp nhiều khó khăn về việc làm và
thu nhập trong đại dịch Covid-19.
Cùng cảnh ngộ ấy, chị Nguyễn Thị Huyên, một lao động phục vụ trong doanh nghiệp du lịch, nhưng chỉ làm thời vụ. Công việc chính của chị là chở đò khu vực Bái Đính – Ninh Bình. Thỉnh thoảng Khu du lịch Tam Chúc (Kim Bảng) có việc, các chị được trưng tập lên đó phục vụ. Thế nhưng, cứ mỗi lần bùng phát dịch, các khu du lịch phải tạm đóng cửa, những lao động như chị không có việc làm. Chị nói: Khi chưa có dịch, mỗi tháng tôi chở được 20 chuyến, nhưng khi có dịch, cả tháng may ra được vài chuyến. Để duy trì cuộc sống, tôi vẫn phải giữ ruộng ở quê để cấy. Công ty họ giao khoán phương tiện cho mình, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu chứ chả có ký hợp đồng lao động gì hết, khi gặp khó khăn thế này, mình phải chấp nhận thôi…
Tại thành phố Phủ Lý, hàng trăm lao động tự do làm nghề cắt tóc, gội đầu, kinh doanh karaoke, bán hàng ăn, hàng nước vỉa hè… cũng phải dừng hoạt động khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát. Lý Nhân là địa phương dịch diễn biến phức tạp, tỉnh đã thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch ngay từ đầu. Công điện đầu tiên sau ngày 27/4 yêu cầu đóng cửa các hàng quán vỉa hè, các dịch vụ massage, karaoke, làm đẹp… Đến nay đã gần 3 tháng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam diễn biến dịch quá phức tạp. Nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh đối với Hà Nam còn tiềm ẩn khi người dân từ các vùng dịch về quê ngày một đông. Do đó, hoạt động của các dịch vụ này tiếp tục bị hạn chế, tác động không nhỏ tới đời sống của người lao động.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 250.000 người trong độ tuổi lao động làm việc ở khu vực phi chính thức. 70% số này sống ở nông thôn. Ngành nghề chính của họ chủ yếu là xây dựng, mộc, kinh doanh dịch vụ, hoạt động trong các làng nghề… Kể từ 27/4 đến nay, hàng nghìn lao động ở các vùng dân cư có dịch phải thực hiện phong tỏa, nghỉ việc làm do thực hiện cách ly hoặc giãn cách tại chỗ như: Lý Nhân, Kim Bảng, thành phố Phủ Lý. Không ít lao động Hà Nam đi làm ăn xa ở vùng dịch bùng phát như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… cũng mất việc, về quê chờ hết dịch đi làm tiếp. Khó khăn đeo bám người lao động tự do khi thu nhập không đủ trang trải những nhu cầu cuộc sống. Nhiều gia đình có người mắc bệnh nan y, thiếu tiền chữa trị hoặc phải tạm ngừng điều trị do một số bệnh viện bị phong tỏa bởi có liên quan đến Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Khuyến, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Duy Tiên cho rằng: Nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt dịch lần thứ tư này chính là lao động khu vực phi chính thức – lao động tự do. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương thực hiện hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 thông qua gói 26.000 tỷ đồng với tinh thần giản lược tối đa thủ tục để đối tượng thụ hưởng sớm được nhận tiền. Riêng với lao động tự do, các địa phương được giao chủ động rà soát, xác nhận và chi trả trên nguyên tắc bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Trong cuộc họp báo chiều 7/7 công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Chậm nhất 7-10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, các cơ quan, địa phương liên quan phải chi trả hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: "Người dân ngóng từng ngày, nếu cơ quan, địa phương, đơn vị nào làm chậm là có lỗi với dân, nếu làm sai thì có tội với dân".
Điểm đáng lưu ý trong quy định của NQ68 và QĐ23 được người lao động quan tâm: Người lao động phải ngừng việc vì cách ly y tế, hoặc ở trong khu vực bị phong tỏa thì được hỗ trợ 1 lần là 1 triệu đồng/người. Nếu người lao động mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc bố. Riêng trẻ em trong thời gian điều trị Covid-19 được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Người phải cách ly y tế được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày. Người thuộc diện F1 được hỗ trợ tiền ăn không quá 21 ngày, diện F0 được hỗ trợ tiền ăn không quá 45 ngày.
Triển khai gói hỗ trợ này, nhiều địa phương có dịch đang làm rất tốt, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… Người lao động tự do ở Hà Nam đang hy vọng được nhận hỗ trợ sớm từ gói 26.000 tỷ đồng này. Năm ngoái, triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, dù là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, nhưng nhiều người không đủ điều kiện theo quy định thủ tục nên không được hưởng. Lần này, với những tiêu chí rõ ràng, quy định đơn giản hơn về thủ tục, người lao động tự do có nhiều hy vọng được hưởng hỗ trợ hơn để giảm bớt khó khăn cho cuộc sống giữa đại dịch diễn biến phức tạp hiện nay.