Hy vọng khơi thông ranh giới trên vịnh

Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới hôm 16/9.

Danh hiệu này đang tạo ra niềm hy vọng giúp các thủ tục hành chính giữa Quảng Ninh và Hải Phòng được khơi thông, tạo động lực phát triển cho du lịch của Việt Nam.

Nguồn khách quốc tế cho Cát Bà

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhận định Hạ Long - Cát Bà được công nhận di sản thiên nhiên là “sự kiện mang ý nghĩa to lớn”. Sau 8 năm,

Việt Nam mới lại có một di sản thế giới được UNESCO công nhận (năm 2015, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai).

Theo Cục Di sản Văn hóa, quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận bởi chứa đựng nhiều khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên, bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với những đặc điểm karst (phong hóa) liên quan như mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với vách dựng đứng nhô lên trên biển cũng là một phần lý do.

Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam nói sự kiện lần này “là niềm vinh dự lớn”, giúp tên tuổi của Quần đảo Cát Bà “nâng tầm thế giới”, thu hút thêm nhiều khách quốc tế trong tương lai. Cát Bà vốn là một điểm đến hút khách.

Vào các dịp nghỉ lễ dài như 30/4 hay 2/9, ở đây thường có tình trạng tắc đường, kín phòng do khách đổ về quá đông. 4 ngày nghỉ dịp Quốc khánh vừa qua Hải Phòng ước đón 185.000 lượt khách, trong đó khách chủ yếu đổ về Đồ Sơn và Cát Bà, theo Cổng tin tức TP Hải Phòng. Năm 2022, Cát Bà đón 2,3 triệu lượt khách trên tổng số 7 triệu lượt của toàn TP Hải Phòng. Tuy nhiên, phần lớn là khách nội địa.

“Khách quốc tế rất thích Vịnh Hạ Long. Sau khi Cát Bà trở thành điểm đến di sản thế giới, chắc chắn khách quốc tế đến Hạ Long sẽ ghé tiếp Cát Bà” - ông Lê Khắc Nam bày tỏ về lợi ích trong tương lai của ngành du lịch Hải Phòng.

Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính nhận định sự kiện Hạ Long - Cát Bà trở thành tài sản chung của thế giới đóng góp, bồi đắp “rất lớn” cho hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.

Theo ông Chính, giờ đây mỗi khi nhắc tới tên các di sản hàng đầu trong nước, chúng ta có Hạ Long - Cát Bà, thương hiệu điểm đến mới. Trong khảo sát tháng 12/2021 của TAB về nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời Covid-19, nghỉ dưỡng biển vẫn là nhu cầu lớn lớn nhất của 64% số người được hỏi. Xu hướng khám phá thiên nhiên (56%) tăng nhiều so với lần khảo sát trước đó. Như vậy, Hạ Long - Cát Bà đáp ứng được cả hai mong đợi của khách là nghỉ dưỡng biển và khám phá thiên nhiên.

Đối với những người làm du lịch, đây là cơ hội đa dạng hóa sản phẩm, tăng doanh thu. Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group, DN kinh doanh du thuyền trên Vịnh Lan Hạ nói du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hơn, trọn vẹn hơn khi hai điểm đến trở thành di sản kép.

“Sắp tới có nhiều triển lãm, hội chợ du lịch ở nước ngoài, UNESCO công nhận Hạ Long- Cát Bà lần này cùng việc nới rộng visa là hai điều chúng tôi sẽ đề cập khi quảng bá du lịch Việt Nam, trong lúc mùa cao điểm khách nước ngoài đang bắt đầu”, ông Phạm Hà nói thêm.

Trên thực tế, dù nối liền nhau, để đi từ Vịnh Hạ Long sang Vịnh Lan Hạ, tàu du lịch phải tốn thêm nửa ngày vì không có sự liên thông ranh giới trên vịnh. Các tàu chạy tuyến Vịnh Lan Hạ phải neo đậu ở bến Gia Luận, thuộc Hải Phòng, bến nhỏ, thường xuyên quá tải và đi lại tương đối bất tiện. Để ra bến Gia Luận, khách phải di chuyển bằng phà Gót, nơi vào mùa Hè cũng thường xuyên bị quá tải, phải chờ vài tiếng.

Ngoài ra, du khách cũng chịu thêm chi phí nếu đem theo phương tiện cá nhân như ô tô qua phà. Trong khi đó, tàu chạy tuyến Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, có thể neo đậu ở ba bến gồm “Cảng tàu khách du lịch quốc tế Tuần Châu”; “Cảng tàu quốc tế Hạ Long”; “Cảng tàu VinaShin Hòn Gai”, có sức chứa lớn hơn Gia Luận.

Ông Nguyễn Hồng Nhật - Tổng Giám đốc APC Group, đơn vị có một du thuyền cao cấp hoạt động trên Vịnh Lan Hạ và hai chiếc trên Vịnh Hạ Long, hy vọng việc UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới sẽ giúp các thủ tục hành chính giữa Quảng Ninh và Hải Phòng được khơi thông, tạo động lực phát triển du lịch.

Phát triển du lịch đừng để bị thu hồi danh hiệu

Việc được UNESCO công nhận đã đưa khu vực này trở thành di sản thế giới liên tỉnh, TP đầu tiên của Việt Nam là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ cũng như phát huy giá trị di sản thế giới.

Nhiều đơn vị du lịch đã nghiên cứu khai thác dịch vụ, sản phẩm du lịch mới mang tính chất khám phá thiên nhiên hoang dã, đi thuyền ngắm cảnh, câu cá. Đây sẽ là những sản phẩm tập trung khai thác nét đặc trưng nhất của khu vực Hạ Long - Cát Bà, từ đó thu hút khách nội địa và khách quốc tế.

Bên cạnh những cơ hội rộng mở về du lịch, ông Phùng Xuân Khánh cho rằng, TP Hải Phòng cần tiếp tục nghiên cứu để giải quyết vấn đề giao thông tới Quần đảo Cát Bà. Việc ách tắc thường xuyên tại đường ra phà luôn là điểm yếu của du lịch Cát Bà.

“Hằng năm, chúng tôi đưa nhiều đoàn khách đến cả Hạ Long và Cát Bà. Du khách chọn Hạ Long nhiều hơn bởi giao thông thuận tiện, trong khi khách đi Cát Bà phải trải qua nhiều lần cầu, phà. Bên cạnh đó, những tuyến đường dẫn lên thuyền, phà hay ách tắc gây không ít khó khăn cho du khách”, ông Phùng Xuân Khánh nêu.

Cát Bà luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Lam Thanh

Cát Bà luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Lam Thanh

PGS.TS Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh nhận định, việc được công nhận là di sản thế giới mang đến cơ hội vàng để hai địa phương phát triển du lịch. Tuy nhiên, ông cảnh báo việc khai thác quá đà di sản, chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế sẽ phá hỏng di sản.

Năm 2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái được gửi tới Trung tâm Di sản thế giới. Sau quá trình thẩm định, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới đã dự thảo Quyết định để Ủy ban Di sản thế giới thông qua tại Kỳ họp lần thứ 38 ở Qatar năm 2014, trong đó khuyến nghị: “Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long, để gộp cả Quần đảo Cát Bà”.

Đầu năm 2021, hồ sơ Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được chỉnh sửa, hoàn thiện theo nội dung khuyến nghị. Đầu năm 2021, Bộ VHTT&DL báo cáo và được Thủ tướng đồng ý để Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ký hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà và giao Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, gửi hồ sơ tới UNESCO theo thời hạn quy định.

“Cần lưu ý để có sự phối hợp giữa hài hòa giữa chính quyền địa phương và cộng đồng, bởi chính quyền bảo vệ về mặt hành chính nhưng cộng đồng mới là người gìn giữ di sản. Nếu di sản không có cộng đồng, đó sẽ là di sản chết. Vì vậy phải hài hòa lợi ích và bảo vệ di sản, không thể chỉ chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt” - PGS.TS Lâm Nhân nêu.

Tuy nhiên, nên sớm tiên lượng chuyện khách đổ xô đến sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng môi trường. Chúng ta cần phát triển nhưng cũng cần giữ gìn di sản, tránh để UNESCO thu hồi danh hiệu. Bài học này đã từng xảy ra với nhiều di sản thế giới của các quốc gia khác.

Hoàng Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hy-vong-khoi-thong-ranh-gioi-tren-vinh.html