Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư phổi: Thuốc mới an toàn, hiệu quả với mức chi phí thử nghiệm lâm sàng hợp lý

Theo tờ SCMP, các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ đang dẫn đầu trong việc thử nghiệm loại thuốc mới an toàn và và hiệu quả hơn liệu pháp tiêu chuẩn.

Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư phổi: Thuốc mới an toàn, hiệu quả với mức chi phí thử nghiệm lâm sàng hợp lý

Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư phổi: Thuốc mới an toàn, hiệu quả với mức chi phí thử nghiệm lâm sàng hợp lý

Những phát hiện này đã được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM) ngày 28/4 và được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ tại Chicago cùng ngày.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thuốc uống zongertinib có hiệu quả vượt trội hơn phương pháp điều trị tiêu chuẩn khi điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) đột biến HER2. Thuốc hoạt động bằng cách nhắm vào protein HER2 và ngăn chặn hoạt động của tyrosine kinase của protein, chịu trách nhiệm truyền tín hiệu tăng trưởng tế bào.

Loại ung thư phổi này đặc biệt khó điều trị. Không giống như các biến thể NSCLC khác, đến nay mới chỉ có một phương án điều trị được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận: liệu pháp liên hợp kháng thể-thuốc tiêm tĩnh mạch (ADC). Và các loại thuốc thuộc nhóm ADC có nguy cơ gây ra tác dụng phụ, bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban trên da.

Theo Giáo sư Wang Xin của Bệnh viện Ung thư thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc, zongertinib có "tiềm năng thiết lập chuẩn mực mới cho liệu pháp nhắm mục tiêu trong điều trị NSCLC đột biến HER2".

Nghiên cứu đa nhóm được tiến hành tại 82 địa điểm trên toàn thế giới, bao gồm 18 cơ sở tại Mỹ, 17 cơ sở tại Trung Quốc và ba cơ sở tại Nhật Bản. Phân tích do NEJM công bố bao gồm 188 bệnh nhân NSCLC, trong đó dân số châu Á chiếm đa số.

Trong thử nghiệm, phương pháp điều trị bằng zongertinib, do Boehringer Ingelheim và Sino Biopharmaceutical Limited cùng phát triển, đã mang lại kết quả lâm sàng tốt hơn trên nhiều tiêu chí so với liệu pháp ADC tiêu chuẩn.

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới. Năm ngoái, ước tính có 2,5 triệu ca mới trên toàn cầu, với 1,8 triệu ca tử vong liên quan.

Trong số những bệnh nhân được điều trị bằng zongertinib, 71% có khối u co lại đến kích thước mục tiêu, so với chỉ 49% ở những bệnh nhân được điều trị bằng ADC.

Một thước đo quan trọng khác về hiệu quả của thuốc điều trị ung thư là thời gian sống không tiến triển, tức là thời gian mà phương pháp điều trị có thể ngăn chặn ung thư phát triển. Zongertinib ngăn chặn ung thư phổi phát triển trung bình 12,4 tháng, trong khi các loại thuốc cùng loại ADC ngăn chặn sự phát triển của khối u trung bình 9,9 tháng.

Cuối cùng, những bệnh nhân ung thư phổi được điều trị bằng zongertinib gặp ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nhiều so với những người đang trải qua liệu pháp ADC. Trong số những bệnh nhân được dùng thuốc nhóm ADC, từ 17% đến 26% bị tiêu chảy nghiêm trọng, trong khi chỉ có 1% những người dùng zongertinib gặp phải tác dụng phụ này.

Do thiếu nhóm đối chứng trong thử nghiệm thuốc giai đoạn 1, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đang diễn ra sẽ xác nhận thêm tính hiệu quả và độ an toàn của zongertinib trong điều trị bước đầu cho bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) có đột biến HER2.

Tổng cộng có 169 bệnh viện tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, bao gồm 18 bệnh viện ở Hoa Kỳ, 5 bệnh viện ở Nhật Bản và 25 bệnh viện ở Trung Quốc.

Theo tờ SCMP, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành trung tâm toàn cầu về thử nghiệm lâm sàng thuốc mới.

Li Jin, Giám đốc khoa ung thư tại Bệnh viện Đông trực thuộc Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, lưu ý chi phí trung bình cho mỗi đối tượng để hoàn thành một thử nghiệm lâm sàng có thể lên tới 500.000 USD, trong khi ở Trung Quốc chỉ khoảng 41.000 USD mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Tuệ Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hy-vong-moi-cho-benh-nhan-ung-thu-phoi-thuoc-moi-an-toan-hieu-qua-voi-muc-chi-phi-thu-nghiem-lam-sang-hop-ly-313983.html