Hy vọng sáng cho nhóm thủy sản

Xuất khẩu thủy sản phục hồi khả quan từ đầu năm, mở ra triển vọng sáng cho nhóm cổ phiếu ngành này.

Tính đến cuối tháng 4/2024, giá cá tra fillet xuất khẩu sang Mỹ đạt 3 USD/kg, tăng 20% so với cuối năm 2023

Tính đến cuối tháng 4/2024, giá cá tra fillet xuất khẩu sang Mỹ đạt 3 USD/kg, tăng 20% so với cuối năm 2023

Tín hiệu phục hồi tốt

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 870 triệu USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, trong khi xuất khẩu cá tra, mực, bạch tuộc tăng nhẹ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đi các thị trường đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh nhất ở thị trường Trung Đông, với mức tăng 27%; thị trường Mỹ tăng trưởng 13%; các thị trường khác tăng 19%...

VASEP nhận định, dù chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng nhìn chung, các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục về cả nhu cầu và giá nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đều tăng trưởng dương trong tháng 5, với mức tăng từ 5 - 26%. Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ. Tính tới cuối tháng 5/2024, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, với giá trị xuất khẩu đạt 635 triệu USD trong 5 tháng đầu năm.

Nửa cuối năm 2024, giai đoạn cao điểm của mùa tiêu thụ do đây là dịp diễn ra nhiều lễ hội, Tết, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ có khởi sắc. Tại thị trường Mỹ, tiêu thụ cá tra, tôm cải thiện nhờ nhu cầu ăn uống cải thiện trong năm 2024 khi lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại Mỹ phục hồi. Đặc biệt, cá tra với giá hợp lý đang dần thay thế các loại cá thịt trắng khai thác tự nhiên khác. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho tại các thị trường có sự suy giảm sau khi trải qua mùa lễ hội cuối năm 2023. Ngoài ra, mức thuế chống bán phá giá thấp được tiếp tục duy trì.

Doanh nghiệp thủy sản chuẩn bị cho đà hồi phục

Mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay, nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản đã lên kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ, có doanh nghiệp đặt mục tiêu chuyển từ lỗ (trong năm ngoái) sang có lãi hàng nghìn tỷ đồng trong năm nay. Đơn cử, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC) đặt mục tiêu doanh thu đạt 18.568 tỷ đồng trong năm nay, tăng trưởng 73,8% so với mức thực hiện năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.265 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái thua lỗ hơn 105 tỷ đồng.

Công ty cho biết, năm 2023, ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam gặp nhiều thách thức do thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, sự thay đổi trong xu hướng thị trường và khả năng cạnh tranh thấp do giá thành tôm nguyên liệu cao.

Bước sang năm 2024, dự báo nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều biến động khó lường, MPC đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo công nghệ sinh học MPBiO; đồng thời hoàn thiện, đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm theo công nghệ sinh học MPBiO, phấn đấu đến năm 2035 Minh Phú tự cung cấp được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của mình.

Kết thúc ba tháng đầu năm, công ty mẹ MPC ghi nhận doanh thu 1.316 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 24,8 tỷ đồng giảm 34% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính của lợi nhuận giảm do khoản tiền cổ tức công ty mẹ nhận từ công ty con giảm so với cùng kỳ.

Năm nay, Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán ANV) đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 360 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 12,6% và 462,5% so với mức thực hiện năm ngoái. Dù mục tiêu kinh doanh cả năm tăng trưởng mạnh, nhưng trong quý I vừa qua, Nam Việt ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể doanh thu thuần đạt 1.016 tỷ đồng, giảm 12%; lợi nhuận sau thuế đạt 16,9 tỷ đồng, giảm 81%.

Nam Việt định hướng đi vào chất lượng của chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, đảm bảo môi trường, tìm kiếm thêm các khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện hữu, duy trì năng lực sản xuất và cải thiện kỹ thuật nuôi trồng, chế biến thủy sản để có sản lượng đạt chất lượng tốt, ổn định, giá cả hợp lý.

Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán ASM) cũng đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng cao trong năm nay, với doanh thu 14.222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,7% và 218% so với thực hiện của năm 2023. Quý I, Công ty ghi nhận gần 500 tỷ đồng doanh thu, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 26,3 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra - cũng được kỳ vọng có tăng trưởng tốt trong năm nay. Trong 4 tháng đầu năm 2024, VHC ghi nhận phục hồi tích cực với doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ đạt 3.901 tỷ đồng, thực hiện được 36,5% kế hoạch năm. Cá tra fillet xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của VHC, với doanh thu tăng 15%, lên 1.819 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54%.

Tăng trưởng của VHC được kỳ vọng sẽ dồn vào nửa cuối năm. Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, VHC được hưởng lợi khi xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2024 và 2025 trong bối cảnh Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản chế biến có nguồn gốc từ Nga kể từ tháng 12/2023. Tính đến cuối tháng 4/2024, giá cá tra fillet xuất khẩu sang Mỹ đạt 3 USD/kg, tăng 20% so với cuối năm 2023 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu tiêu thụ dần cải thiện. VHC dự kiến sẽ hưởng lợi lớn khi Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính, với tỷ trọng 29% trên cơ cấu doanh thu trong 4 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, VHC đang có kế hoạch thúc đẩy năng lực phát triển ở mảng collagen và gelatin (C&G) và dòng tạp phẩm (miscellaneous), chiếm tỷ trọng trên cơ cấu doanh thu lần lượt 8% và 17%. VHC đã đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất gelatin, đi vào hoạt động từ tháng 4/2024 và dự kiến nâng công suất mảng C&G thêm 50% trong năm nay.

VHC cũng đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất trái cây đông lạnh và một dây chuyền rau củ đông lạnh cho Công ty Thành Ngọc – thành viên của VHC. Việc tận dụng tốt cơ hội từ các dòng sản phẩm khác như C&G, Sa Giang, sản phẩm rau củ quả, thức ăn chăn nuôi sẽ giúp VHC tạo được dòng tiền tốt trong bối cảnh xuất khẩu cá tra chịu nhiều biến động và phụ thuộc vào nhu cầu tại thị trường xuất khẩu.

Việc nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận quý I giảm so với cùng kỳ có nguyên nhân chủ yếu là giá bán giảm. Bức tranh kinh doanh ngành thủy sản sáng hơn từ quý II cùng triển vọng tích cực về nhu cầu và giá bán. Trong nửa cuối năm, thủy sản “vào mùa” xuất khẩu, mở ra triển vọng tăng trưởng tích cực cho nhóm cổ phiếu ngành này.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/hy-vong-sang-cho-nhom-thuy-san-post346902.html