Thu ngân sách đến 15-6 đạt 55,6% dự toán

Lũy kế đến ngày 15-6, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 946,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán (ngân sách trung ương thu đạt 59,02%; địa phương thu đạt 52,2%), tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý II-2024, diễn ra chiều 18-6.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: H.T

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: H.T

Trong đó, thu nội địa đạt 54,9% dự toán, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; thu từ dầu thô đạt 58,2% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ (giá thanh toán bình quân đạt khoảng 87,8 USD/thùng, tăng 17,8 USD/thùng so với giá dự toán, sản lượng 3,68 triệu tấn); thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 61,9% dự toán, tăng 8,1%.

Thu ngân sách nhà nước nói chung và thu nội địa nói riêng đạt khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ tác động phục hồi tích cực của nền kinh tế. Các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh (3 khu vực kinh tế) đạt 55,5% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Thu tiền sử dụng đất tiếp tục được cải thiện (mặc dù chỉ đạt 36,1% dự toán, song vẫn tăng 94,3% so cùng kỳ).

Bên cạnh đó, phát sinh một số khoản tăng thu đột biến như thu chênh lệch thu - chi của Ngân hàng Nhà nước đã nộp ngân sách 31,84 nghìn tỷ đồng, bằng 175% dự toán. Yếu tố nữa là, năm 2023, thực hiện chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất làm giảm thu trong thời gian gia hạn khoảng 45,8 nghìn tỷ đồng song 6 tháng đầu năm 2024, chưa phát sinh số thuế được gia hạn.

Về chi ngân sách nhà nước, cũng tính đến thời điểm trên, chi ngân sách nhà nước đạt 719,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 23,4% dự toán (tỷ lệ giải ngân ước đạt 23,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chi trả nợ lãi ước đạt 46,9% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 40,4% dự toán. Chi ngân sách đáp ứng các nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản trả nợ đến hạn, bảo đảm chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng năm 2024 là 7,2 nghìn tỷ đồng để bổ sung kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống; kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người sử dụng lao động.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan cải cách tiền lương từ ngày 1-7, giải pháp quản lý giá cả để tránh trường hợp lương chưa tăng, hàng hóa đã tăng giá, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể. Tại cuộc họp vừa qua, Ban chỉ đạo cũng đã phân tích các kịch bản để triển khai trong các tháng còn lại của năm 2024.

Cụ thể, tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Giải pháp khác là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu đề ra, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm 2024 ở mức 4-4,5%; tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu kết hợp với kịch bản điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước định giá, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, xây dựng và cập nhật các kịch bản lạm phát để làm cơ sở kiến nghị, tham mưu các biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thu-ngan-sach-den-15-6-dat-55-6-du-toan-669612.html