Hydro xanh trong hành trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam

Đầu tháng 10 vừa qua, Tổ hợp các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Năng lượng Enterprize Energy (Vương quốc Anh – Singapore) và các nhà đầu tư từ châu Âu đã đề xuất Chính phủ Việt Nam lập dự án đầu tư Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất Hydro từ điện phân nước biển phục vụ mục tiêu xuất khẩu (sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore) tại khu vực dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (ngoài khơi vùng biển Bình Thuận).

Theo đề xuất, dự án có quy mô 2.000 MW, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, thời gian triển khai dự kiến bắt đầu từ năm 2022 đến 2030. Đây là dự án sản xuất hydro từ điện phân nước biển đầu tiên của Việt Nam, mang tính đột phá, khai thác tối đa tiềm năng gió ngoài khơi và có thể đặt nền móng cho phát triển nền kinh tế hydro xanh cho Việt Nam trong tương lai gần vì vị trí địa lý lý tưởng của mình (nằm trong tuyến hàng hai giao thương quốc tế, khoảng cách ngắn đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore).

Ngoài ra, trong quá trình triển khai xây dựng dự án, TLW2 sẽ tận dụng triệt để năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu dầu khí trong nước như Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro để gia công chế tạo các công trình biển cho dự án.

Phát biểu ý kiến trực tuyến tại Tuần lễ Năng lượng Nga lần thứ IV, diễn ra tại LB Nga từ ngày 13 đến 15/10 vừa qua với chủ đề “Năng lượng toàn cầu: Chuyển đổi để phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo và đang trong quá trình xây dựng lộ trình hài hòa, hợp lý để chuyển đổi nguồn năng lượng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải cácbon, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả,…

Lộ trình này hoàn toàn tuân thủ tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về nghiên cứu, xây dựng và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp xu hướng chung của thế giới. Để thực hiện quyết liệt lộ trình này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của Bộ Công thương về nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển nhiên liệu khí hydro gắn với điện gió ngoài khơi.

Đề xuất đầu tư dự án TLW2 tại ngoài khơi vùng biển tỉnh Bình Thuận của Tổ hợp nhà đầu tư Enterprize Energy và các nhà đầu tư châu Âu do Enterpize Energy làm đại diện tại thời điểm này hoàn toàn phù hợp xu thế phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh của thế giới cũng như của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, khi Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ được tổ chức tại Scotland vào tháng 11 tới đây đang đến gần.

Trước đó, vào tháng 6/2019, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã phát hành báo cáo “Tương lai của khí Hydro” theo đề nghị của Chính phủ Nhật Bản, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh các nước phát triển G20, tổ chức tại Osaka vào tháng 6/2019. Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh là: Phát triển bền vững, Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng. Việt Nam cũng tham dự Hội nghị này với tư cách khách mời.

Tại thời điểm Hội nghị, chỉ có 3 quốc gia gồm Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc công bố Chiến lược cụ thể về chương trình phát triển và sử dụng hydro như một nguồn nhiên liệu sạch. Cho đến nay, đã có thêm 17 nước công bố Chiến lược và hơn 20 nước khác tuyên bố đang làm việc nghiêm túc để đưa ra Chiến lược trong thời gian sớm nhất. Cùng thời điểm, các công ty năng lượng lớn trên thế giới cũng đồng loạt bày tỏ mối quan tâm đến các cơ hội kinh doanh hydro.

Theo IEA, tiềm năng của hydro đóng vai trò quan trọng tương lai năng lượng sạch, an toàn và bền vững. Hiện nay, nhu cầu hydro rất lớn, đạt khoảng 90 triệu tấn vào năm 2020, chủ yếu dùng cho lĩnh vực lọc dầu và sản xuất phân đạm. Tuy nhiên, phần lớn lượng hydro trên thế giới được sản xuất từ khí tự nhiên và than đá. Do việc sản xuất hydro từ hai nguồn này, đã phát thải khí C02 hằng năm lến đến 900 triệu tấn.

Để cắt giảm tối đa lượng phát thải khí C02 gây hiệu ứng nhà kính từ sản xuất hydro theo công nghệ nói trên cũng như từ các nguồn khác, các quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu các công nghệ sản xuất hydro phát thải các bon thấp. Một trong những công nghệ sản xuất hydro các bon thấp được quan tâm nhất hiện nay là điện phân, khí hóa sinh khối và phân tách khí tự nhiên.

Hydro xanh được tạo ra thông qua quá trình điện phân nước, ở đó điện được sử dụng để tách nước thành hydro và oxy. Hydro tạo ra từ điện phân có nhiều ưu điểm do chúng có thể được lưu trữ dưới dạng khí lỏng, thích hợp để sử dụng trong nhiều lĩnh vực và dễ dàng vận chuyển.

Vào năm 2030, khi tổng sản lượng hydro đạt hơn 200 triệu tấn, mục tiêu được đưa ra là 70% trong số này cần phải được sản xuất bằng các công nghệ các bon thấp (điện phân hoặc nhiên liệu hóa thạch). Sản xuất hydro sau đó đạt hơn 500 triệu tấn vào năm 2050, toàn bộ phải dựa vào công nghệ cácbon thấp. Đạt được mục tiêu này, đòi hỏi công suất điện phân đặt từ 0.3GW của ngày nay lên gần 850 GW vào năm 2030 và 3600 GW vào năm 2050.

(Nguồn: Global Hydrogen Review, IEA 2021).

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thong-tin-doanh-nghiep/hydro-xanh-trong-hanh-trinh-chuyen-doi-nang-luong-cua-viet-nam-671501/