''Ði săn'' mặt trời...
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, không có biển rộng bao la, núi non trùng điệp như nhiều địa phương khác nhưng ở Đồng Nai cũng có không ít địa điểm lý tưởng cho việc 'săn' bình minh, ngắm hoàng hôn.
Bài viết này điểm qua những điểm “săn” mặt trời đẹp ở Đồng Nai, kinh nghiệm để có những chuyến trải nghiệm tuyệt vời từ những người nhiều trải nghiệm.
* “Đón” hoàng hôn trên sông
Ít có nơi nào trên dải đất miền Nam này có dòng sông dài và đẹp như Đồng Nai. Sông Đồng Nai từ miền núi Tân Phú, Định Quán xuống đến Long Thành, Nhơn Trạch là món quà vô giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất “gian lao mà anh dũng”. Từ lâu, người dân đã quần tụ bên dải phù sa để sinh sống và phát triển kinh tế. Dọc dòng Đồng Nai thơ mộng có nhiều điểm cho du khách ngắm ánh mặt trời lúc sáng sớm, khi chiều tà, nhưng thú vị nhất là làng chài dưới chân cầu La Ngà (H.Định Quán). Đến làng chài, du khách có thể đứng trên cầu đón bình minh, ngồi trên thuyền ngắm hoàng hôn, cũng có thể trải nghiệm cuộc sống thường nhật của hàng trăm hộ dân làng bè.
Theo chia sẻ của những người từng trải nghiệm, đến làng bè La Ngà, du khách có thể mướn người dân bản địa chèo thuyền dọc sông hoặc đến các cù lao để ngắm hoàng hôn. Khác với hoàng hôn ở bờ biển, hoàng hôn trên sông thanh bình và tĩnh lặng như cuộc sống của người dân làng bè. Chiều tà, ánh mặt trời hắt xuống mặt sông gợn sóng tạo thành dải như một tấm khăn lụa đầy màu sắc. Mùa hè, sau 17 giờ là thời điểm lý tưởng để những người đi ngắm mặt trời lặn bắt đầu cuộc hành trình. Người ta có thể ngồi hằng giờ trên thuyền để thưởng cảnh mặt trời khuất dần sau dãy núi.
Nếu không thích rong ruổi trên lòng sông, du khách có thể đến các hồ như: Trị An (H.Vĩnh Cửu), Suối Vọng (H.Cẩm Mỹ), Núi Le (H.Xuân Lộc), Đa Tôn (H.Tân Phú) để ngắm hoàng hôn. Trong đó, hồ Trị An được ví như hồ Tuyền Lâm của Đà Lạt bởi cảnh đẹp hoang sơ và khí hậu mát mẻ nơi đây. Bao bọc hồ là những cánh rừng nguyên sinh và rừng trồng, những làng quê thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất và Trảng Bom. Người ta có thể chèo thuyền ra lòng hồ vừa đón bình minh, vừa thăm thú các thuyền đánh cá trở về sau một đêm nhọc nhằn mưu sinh, cũng có thể chạy bộ hoặc đạp xe trên con đường nhỏ ven hồ dưới ánh nắng sớm, nhưng sẽ thú vị hơn khi đón hoàng hôn trên hồ. Chiều tàn, đi trên bờ đê, một bên là hồ nước mênh mông, một bên là triền dốc với vạt cỏ tranh trổ bông trắng muốt, nghiêng theo làn gió làm cho chuyến đi “săn” mặt trời tại hồ nhân tạo lớn nhất Đồng Nai trở thành trải nghiệm khó quên.
Hiện tại, quanh hồ Trị An có khá nhiều homestay từ bình dân đến cao cấp được mở ra phục vụ du khách. Nhiều người đến hồ Trị An nhận xét, hoàng hôn trên hồ Trị An bình yên và huyền ảo đến lạ. Từ trên bờ đê, những đồi tràm, vườn cam xanh mướt xen ánh đèn vàng của những con đường nông thôn mới, những ngôi nhà cao thấp làm người ta liên tưởng đến một làng quê ở châu Âu. Chiều cuối tuần, nhiều “cần thủ” trong và ngoài tỉnh tranh thủ đến hồ sớm vừa câu cá và thưởng cảnh. Cá hoàng đế được mệnh danh là “vua” của các loài cá ở hồ Trị An.
* “Săn nữ thần mặt trời” trên núi
Nếu đã mãn nhãn với những kiệt tác nơi sông hồ, du khách ưa chinh phục độ cao có thể đến với hành trình “săn” mặt trời nơi đỉnh núi. Nhiều người nhận xét, đỉnh núi Chứa Chan là điểm săn mặt trời kỳ vỹ và độc đáo nhất ở Đồng Nai. Một chuyến dã ngoại lúc rạng sáng hoặc một buổi đêm cắm trại trên đỉnh núi là cách để những người thích “săn” bình minh trên núi lựa chọn. Khung giờ để khách lữ hành “săn” ánh vàng trên đỉnh núi là từ 5-6h sáng.
Anh Lê Cao Thăng (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh), người có sở thích đón ánh mặt trời trên cao chia sẻ, buổi sáng trên đỉnh núi, tiếng chim hót, tiếng khỉ, tiếng voọc chà vá gọi bầy, tiếng xào xạc của lá rừng như một bản hòa tấu rộn ràng nhiều âm sắc. Bình minh trên núi Chứa Chan đẹp đến say lòng, mặt trời như một quả cầu lửa, đỏ rực những tia nắng len lỏi qua khe lá, những vệt mây trắng xóa quanh núi như lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Có những ngày, anh Thăng cùng với những người bạn lên đỉnh núi từ chiều hôm trước, họ ngủ lại qua đêm chờ bình minh lên và ra về với những trải nghiệm tuyệt vời.
Mới đây, anh Thăng đã đầu tư một ngọn đồi rộng 10ha, cao gần 300m so với mặt nước biển ở TP.Long Khánh để những người thân và bạn bè được thỏa đam mê ngắm bình minh, hoàng hôn trên cao.
Ngoài các điểm “săn” mặt trời, hoàng hôn lý tưởng trên đây, ở Đồng Nai cũng có nhiều địa điểm lý tưởng cho du khách đón ánh mặt trời, như: hồ Núi Le (H.Xuân Lộc), cánh đồng lúa Bàu Trâm (TP.Long Khánh), các cây cầu ở TP.Biên Hòa... Kinh nghiệm cho những người đi “săn” bình minh là phải tìm hiểu dự báo thời tiết từ ngày trước, thức dậy thật sớm, chọn địa điểm đi phù hợp với quỹ thời gian. Nếu thích không gian tĩnh lặng, du khách có thể tìm đến các dòng sông, hồ nước. Còn nếu thích khung cảnh “đưa tay chạm mặt trời” thì tìm đến các dãy núi cao. Mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30 là thời gian “săn” ảnh bình minh đẹp nhất. Bên cạnh những người đi “săn” mặt trời chuyên nghiệp, nhiều người kết hợp các buổi luyện tập sức khỏe, nghỉ dưỡng với ngắm bình minh, hoàng hôn những nơi không khí trong lành, mát mẻ.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (TP.Long Khánh) cho rằng, bình minh trên đỉnh núi, trên biển rộng, sông dài; từ nông thôn cho tới thành phố ở đâu cũng đẹp. Thế nên, mới có người đi tìm “nữ thần” thiên thai từ tháng này qua năm khác không biết chán. Theo anh Hoàng, “săn” mặt trời ở biển thì dễ, vì đứng ở vị trí nào cũng dễ dàng quan sát mặt trời mọc, nhưng “săn” mặt trời trên núi gian nan hơn nhiều. Khoảnh khắc “nữ thần” xuất hiện và rực rỡ kiêu sa chỉ khoảng hơn chục phút ngắn ngủi nên nếu không nhanh chân thì bỏ lỡ mất cơ hội. Cái khó của hành trình ngắm bình minh trên cao là không xác định được mặt trời sẽ rực rỡ nhất ở góc nào giữa mênh mông cỏ cây, mây mù. Để vượt quãng rừng hàng trăm mét lên đỉnh, đôi khi phải chạy đua với thời gian. Thế nên, người ta mới ví von, đi “săn” mặt trời trên núi đúng nghĩa là một “cuộc săn” gian nan nhưng thú vị.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202005/i-san-mat-troi-3002693/