Ia Ly: Đất ấm tình người
Cách đây gần 30 năm, hàng ngàn kỹ sư, công nhân từ nhiều vùng miền trên cả nước đã về Ia Ly (huyện Chư Pah, Gia Lai) chung tay xẻ núi, chặn dòng, chinh phục dòng Sê San hùng vĩ để xây dựng công trình thủy điện Ia Ly. Sau khi công trình hoàn thành, rất nhiều người trong số họ đã ở lại, tiếp tục đem sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương Ia Ly ngày càng giàu đẹp.
Ngược miền ký ức
Ông Đoàn Xuân Bính (SN 1959, quê Thái Bình), nguyên Quản đốc Phân xưởng nghiền sàng Xí nghiệp 403 (Công ty Sông Đà 4) là một trong những người có mặt sớm nhất ở công trường xây dựng thủy điện Ia Ly. Nhớ lại những ngày gian khó nhưng đầy sôi nổi của tuổi trẻ, ông Bính kể: “Năm 1989, tôi cùng một số anh em lên tàu từ Bắc vào tỉnh Bình Định rồi đi xe đò, xe thồ để đến Ia Ly nghiền đá phục vụ xây dựng công trường. Lúc ấy, nơi đây còn là một vùng núi rừng hoang vu, heo hút. Không ngại khó khăn, chúng tôi bắt tay vào làm không ngơi nghỉ, chạy đua với thời gian để công trường sớm hoàn thành phục vụ khởi công xây dựng nhà máy. Giữa những con thác gầm thét, những công nhân nhỏ bé trông như một đàn kiến miệt mài làm việc. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con, nhớ người yêu đều bị công việc cuốn đi, chỉ có những khẩu hiệu, những lời động viên là hiện hữu hàng giờ, hàng ngày... Nhiều người trong chúng tôi dính với khói bụi công trình cả năm chưa một lần bước ra khỏi rừng. Nhưng với ý chí mạnh mẽ và sức trai trẻ, chúng tôi đã vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Năm 1993, công trình thủy điện Ia Ly chính thức khởi công. Cuối năm 1995, sau khi chặn dòng Sê San, cả công trường bước vào chiến dịch 540 ngày đêm vì mục tiêu phát điện tổ máy số 1. Thời điểm ấy, trên công trường có đến hơn 9.000 công nhân làm việc. Khung cảnh lúc nào cũng mịt mù khói bụi và ầm ầm tiếng máy nổ. Ai cũng nỗ lực hết mình để công trình sớm hoàn thành, thắp sáng dòng điện cho Tổ quốc.
Ông Bùi Văn Nam-nguyên công nhân Công ty Sông Đà 9-là người có nhiệm vụ đào hầm, lắp vòm dẫn nước công trình. Nhắc đến những ngày tháng cách đây gần 30 năm, ông hào hứng kể, bố mẹ ông đều là cán bộ, công nhân Công ty Thủy điện Hòa Bình. Những lần theo bố vào thủy điện Hòa Bình, ông không khỏi ngưỡng mộ tài năng của những con người đã chinh phục dòng sông Đà hung dữ để biến thành dòng điện cho quê hương. Vì vậy, hơn 20 tuổi, ông quyết định vào Ia Ly với tất cả nhiệt huyết cống hiến lẫn một chút liều lĩnh của tuổi trẻ. “Khi vào các chiến dịch đẩy nhanh tiến độ như ngăn sông Sê San đợt 1, thông hầm dẫn dòng thi công, đắp đập vượt lũ, có những lúc chúng tôi 3 ngày liền không ra khỏi cửa hầm, phải ngâm mình trong nước bẩn. Hầm đào xong, chưa có bê tông đổ lên, ai cũng sợ lở đá gây tai nạn. Biết bao nguy hiểm rình rập nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng vì dòng điện, vì cuộc sống phía trước. Tình người ấm áp đã trở thành động lực để chúng tôi đoàn kết, cùng nhau vượt mọi khó khăn. Cuối năm 2001, 4 tổ máy của Thủy điện Ia Ly đã hòa lưới điện quốc gia trong sự hân hoan của tất cả cán bộ, công nhân viên. Đây là một dấu ấn không thể quên trong cuộc đời chúng tôi”-ông Nam bồi hồi nhớ lại.
Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, cuộc sống của công nhân trên công trường thủy điện Ia Ly cũng dần đầy đủ hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông Đặng Khắc Bộ-nguyên Giám đốc Nhà Văn hóa Thủy điện Ia Ly-nhớ lại: “Năm 1995, tôi vào Ia Ly đảm nhận nhiệm vụ thông tin tuyên truyền phục vụ tinh thần cán bộ, công nhân viên trên công trường. Tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ tại Nhà Văn hóa. Lúc ấy, chúng tôi có thợ quay phim, chụp ảnh, có trạm phát sóng truyền hình riêng… Nhờ vậy, đời sống tinh thần cán bộ, công nhân viên ở công trường luôn sôi động, cập nhật thông tin đầy đủ, giúp mọi người quên đi mệt nhọc và nỗi nhớ quê nhà”.
Diện mạo mới ở Ia Ly
Sau khi công trình thủy điện Ia Ly hoàn thành, rất nhiều cán bộ, công nhân như ông Bính, ông Nam, ông Bộ... đã ở lại để lập nghiệp trên mảnh đất Ia Ly. Ông Bính giờ làm chủ một cửa hàng kinh doanh phân bón, thu mua cà phê; ông Nam có 1,3 ha rẫy cà phê và một đại lý bán gạo… thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng. Một số cán bộ, công nhân giờ đã nghỉ hưu, con cái trưởng thành, có người nối nghề cha đi xây dựng thủy điện, có người chọn kinh doanh. Mỗi người mỗi công việc, hoàn cảnh nhưng đều nỗ lực cống hiến sức mình để phát triển kinh tế-xã hội trên mảnh đất mà họ chọn làm quê hương thứ hai. “Sau khi nghỉ hưu, tôi được bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn. Tôi luôn tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh”-ông Nam cho hay.
Theo ông Phạm Quang Long-Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly: “Năm 2002, xã Ia Ly được thành lập sau khi chia tách từ xã Ia Mơ Nông. Đến năm 2013, xã trở thành thị trấn. Hiện nay, thị trấn có gần 1.800 hộ dân, trong đó khoảng 250 hộ từng là công nhân xây dựng thủy điện ở lại. Thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt gần 35 triệu đồng/năm. Những người đi xây dựng thủy điện năm xưa giờ đây còn góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự”.
Mảnh đất Ia Ly giờ đang từng ngày thay da đổi thịt. Đặc biệt, ngoài phát triển kinh tế nông nghiệp với hàng ngàn héc ta cà phê, cao su và cây ăn quả, thị trấn Ia Ly còn nỗ lực phát huy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của dòng Sê San, Nhà máy Thủy điện Ia Ly, khu lòng hồ thủy điện để làm du lịch. Trong đó, Nhà máy Thủy điện Ia Ly đã trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Ông Bộ cho biết: “Tôi vẫn thường kết nối với các tour du lịch, dẫn đoàn đi tham quan thủy điện, lòng hồ Sê San. Qua đó, giới thiệu tiềm năng du lịch của Nhà máy Thủy điện Ia Ly, thị trấn Ia Ly nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung với khách tham quan trong và ngoài nước”.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1624/202001/ia-ly-dat-am-tinh-nguoi-5663615/