Ia Rbol lan tỏa phong trào sản xuất kinh doanh giỏi
Phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững' tại xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần cổ vũ tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu của hội viên nông dân.
Vượt khó làm giàu
Đến buôn Rưng Ma Nin hỏi thăm gia đình ông Ksor Saih thì mọi người đều biết, bởi ông đang sở hữu một trong những ngôi nhà sàn to đẹp nhất vùng. Không chỉ là gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình ông còn nổi tiếng hiếu học được dân làng ngưỡng mộ, noi theo. Ông Saih vui vẻ kể: Những năm trước, dù cả 2 vợ chồng đều chăm chỉ làm việc, cần mẫn canh tác trên 1 ha đất rẫy và 1 ha lúa nước nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Cuộc sống gia đình thiếu trước, hụt sau. Không cam chịu cảnh nghèo khó, ông luôn trăn trở suy nghĩ tìm cách vươn lên. “Muốn làm giàu thì không có cách nào khác là phải dám nghĩ, dám làm, đổi mới cách làm ăn”-ông Saih bày tỏ.
Từ năm 2013, ông bắt đầu đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi heo thịt. Thời gian đầu do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách phòng trừ dịch bệnh nên đàn heo chậm lớn. Không nản chí, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, đồng thời mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để đầu tư mua thức ăn chăn nuôi. Mô hình chăn nuôi heo của gia đình ông bắt đầu phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, ông duy trì đàn heo 25 con, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa. Việc vệ sinh chuồng trại được ông đặc biệt coi trọng để phòng-chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Từ nguồn chất thải chăn nuôi, ông tận dụng cải tạo đất trồng trọt. Thay vì chỉ trồng mì như trước, ông luân canh trồng cây thuốc lá, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm vừa giảm chi phí vừa nâng cao năng suất cây trồng. Ông thay thế giống lúa cũ bằng giống mới cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất ICM, IPM, góp phần tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác. Nhờ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi trên 200 triệu đồng/năm. Ông thường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các hộ khác và động viên họ cùng làm theo. “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Có được thành quả như ngày hôm nay, tôi hiểu được giá trị của kiến thức. Vì vậy, tôi động viên con cháu cố gắng học hành để góp sức xây dựng quê hương. Trong 6 người con của tôi có 4 là công chức, viên chức nhà nước công tác trong ngành Giáo dục và Lâm nghiệp”-ông Saih phấn khởi nói.
Trong khi đó, ông Quách Văn Ba (buôn Sar) trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu nhờ mô hình VAC. Năm 1990, ông từ Hà Giang vào Gia Lai lập nghiệp. Thời gian đầu, gia đình ông Ba chật vật trăm bề. Đã có lúc ông phải đi xin hàng xóm từng chén cơm trắng hoặc chiếc áo ấm cũ cho con. Tuy nhiên, khó khăn bao nhiêu ông lại càng quyết tâm bấy nhiêu. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nắm bắt nhu cầu của thị trường, năm 2000, ông vay mượn tiền đầu tư mua máy xay xát gạo và chăn nuôi heo. Nhờ tận dụng nguồn cám gạo làm thức ăn, đàn heo ngày một phát triển, có thời điểm lên tới hơn 100 con. Kinh phí thu được từ bán heo, ông đầu tư mua thêm đất, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, hình thành mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, ngoài 1 ha mì và 2 sào lúa nước, ông còn nuôi 3.000 con vịt, 9 con bò và ao cá rộng 2 ha. Mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình hơn 300 triệu đồng.
Là hộ có kinh tế khá nhất buôn Sar, ông Ba luôn quan tâm hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những hộ quyết chí làm ăn nhưng khó khăn về vốn, ông cho mượn không tính lãi. Ai khó khăn về con giống, ông cho mượn cho đến khi có điều kiện hoàn trả. Tuy không được đào tạo chuyên ngành thú y nhưng nhờ có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên người dân trong buôn nhà nào có gia súc, gia cầm mắc bệnh cũng đến nhờ ông hướng dẫn, chữa trị. Ông giúp miễn phí và hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc để bà con nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Ông Ba trải lòng: “Xưa mình đói khổ, bà con trong buôn bao bọc nên giờ cuộc sống tốt hơn, tôi giúp lại bà con để tạ ơn. Giúp người cũng là giúp chính mình. Buôn làng khởi sắc, người dân cùng hưởng lợi”.
Anh Rcom Phuen-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Rbol-cho hay: Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, không ngừng học hỏi, nhiều hội viên nông dân đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi còn tích cực hỗ trợ tạo việc làm, cây-con giống, chuyển giao khoa học, hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, “nông dân dạy nông dân”, dẫn dắt các hộ nghèo, cận nghèo thay đổi tập quán chăn nuôi, canh tác lạc hậu, kém hiệu quả sang phương thức chăn nuôi, trồng trọt tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa tổ chức Hội với bà con nông dân.
Quan tâm hỗ trợ nông dân
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Rcom Phuen, thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch công tác hàng năm để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hội tăng cường tuyên truyền giúp hội viên hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa phong trào, quy định tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi để đăng ký, phấn đấu; đồng thời, phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm. Trên cơ sở những mô hình điểm, Hội tổ chức cho hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm; tuyên truyền, vận động những hộ có chung chí hướng thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp.
Mỗi năm, Hội thành lập 1 tổ hội nghề nghiệp để hội viên cùng nhau giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và giúp nhau làm giàu. Tiêu biểu có thể kể đến Tổ hội nghề nghiệp trồng lúa nước thành lập năm 2020 gồm 10 thành viên được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã hỗ trợ triển khai mô hình giống lúa Nếp 97; Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo thành lập năm 2022 gồm 5 thành viên được vay 100 triệu đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã để mở rộng, phát triển chăn nuôi... Từ kết quả mang lại, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn xã không ngừng phát triển. Với 765 hội viên, năm 2022, xã có 350 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Để phong trào đi vào chiều sâu, hàng năm, Hội Nông dân xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên; tín chấp Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân vốn cho hội viên nông dân có nhu cầu để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Hội đang quản lý 5 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ hơn 10,4 tỷ đồng cho 244 hộ vay. Ngoài ra, Hội còn huy động các nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp gắn với triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.
Anh Rchâm Gat (buôn Nin, thành viên Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo) chia sẻ: Sau khi được Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, các hộ chuyển từ nuôi heo thả rông sang nuôi nhốt chuồng. “Gia đình tôi nuôi 2 con heo nái và 14 con heo con. Năm 2022, Hội tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã. Cùng với đó, gia đình vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, tôi tận dụng nguồn rau xanh có sẵn giúp heo tăng sức đề kháng, chất lượng thịt cao hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường”-anh Gat chia sẻ.
Ông Nay Pôl-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rbol-nhìn nhận: Nhờ đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn xã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Cuối năm 2023, qua kết quả rà soát, xã chỉ còn 39 hộ nghèo, chiếm 3,75% và 76 hộ cận nghèo, chiếm 7,31%.
“Để giúp người nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, sâu sát cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tổ chức cho người dân tham quan, học tập kinh nghiệm những mô hình hiệu quả để nhân rộng; đồng thời, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Phó Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.