IBM: 'AI tạo sinh sẽ đưa nền Kinh tế Số Việt Nam lên một tầm cao mới'
Tại Việt Nam, theo dự báo của IBM, Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) thúc đẩy hiệu suất cho các ngành chủ lực như ngân hàng, sản xuất, bán lẻ và nông nghiệp, tăng trưởng Kinh tế Số.
IBM đã đưa ra 5 xu hướng công nghệ cho năm 2024, trong đó dự báo Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp.
Là một trong những công nghệ mang tính bước ngoặt bậc nhất của thời đại, AI dự kiến sẽ đem lại giá trị ấn tượng, lên đến 16.000 tỷ USD vào năm 2030, góp phần thúc đẩy sự phát triển và giải quyết các thách thức cấp thiết liên quan đến vấn đề sức khỏe, sản xuất, thực phẩm, và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cũng theo IBM, 87% CEO trên thế giới dự kiến rằng AI tạo sinh sẽ sản sinh ra những vị trí công việc mới, thay vì đào thải. Người lao động cần tin tưởng AI như đối tác mới của họ để đạt được thành công.
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh hoặc AI tạo sinh là một loại hệ thống AI có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh hoặc các phương tiện truyền thông khác dựa trên các gợi ý. Theo ước tính của McKinsey, AI tạo sinh có thể đóng góp cho nền kinh tế thế giới 4,4 nghìn tỉ USD. Nghiên cứu được đánh giá dựa trên 60.000 ứng dụng của AI tạo sinh cho các ngành nghề khác nhau.
Thay đổi "cuộc chơi" kinh doanh
Đề cập đến phát triển AI tạo sinh, ông Nguyễn Tuấn Khang - Giám đốc khối phần mềm của IBM Việt Nam cho biết, AI tạo sinh sẽ thay đổi cuộc chơi kinh doanh vào năm 2024.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của AI tạo sinh tại Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Khang chia sẻ Việt Nam dẫn đầu trong mối quan tâm đến AI tạo sinh với 91% thể hiện sự nhiệt tình, cao nhất trong số các thị trường được khảo sát.
Trong đó, đổi mới công nghệ và năng suất ưu việt là hai yếu tố cốt yếu thể hiện sự tiến bộ của nền kinh tế Việt Nam. Khi các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, quốc gia từ đó nâng cao được tính cạnh tranh và trở nên thịnh vượng hơn. Điều này góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Đây là nơi mà các công nghệ tiên tiến như AI tạo sinh đóng một vai trò quan trọng.
“Nếu như trước đây, trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp đối tác, khách hàng của IBM Việt Nam, nhiều người tìm hiểu, hỏi, lắng nghe AI là gì thì các cuộc gặp gần đây, họ chủ động đề xuất, IBM cung cấp giải pháp AI cho doanh nghiệp họ," ông Khang cho biết.
Thêm nữa, Việt Nam có các điều kiện tiếp tục là nền Kinh tế Số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á năm thứ 2 liên tiếp; Việt Nam là quốc gia phát triển nhanh nhất có thanh toán Số tăng trưởng 19% vào năm 2022 và 2023. IBM cũng cho biết, quy mô thị trường AI tạo sinh tại Việt Nam sẽ đạt mốc 100,2 triệu USD trong năm nay. Cùng với đó việc ứng dụng AI tạo sinh sẽ đưa nền Kinh tế Số Việt Nam lên một tầm cao mới.
Sự phát triển của AI tạo sinh cũng là điểm nổi bật chủ đạo trong 5 xu hướng công nghệ của năm 2024 được bà Phạm Thị Thu Diệp - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ của IBM Việt Nam đưa ra.
Cụ thể 5 xu hướng công nghệ, gồm: Doanh nghiệp chuyển từ “bổ sung thêm AI" sang “AI là ưu tiên hàng đầu"; nhân lực có thể làm việc cùng AI sẽ thay thế nhân lực không có khả năng hợp tác với AI; dữ liệu không còn là vấn đề của khối công nghệ thông tin mà còn ảnh hưởng tới việc điều hành của các cấp lãnh đạo; xây dựng mô hình hoạt động cần linh hoạt để trụ vững; hệ sinh thái không chỉ là một phần của chiến lược mà chính là chiến lược.
IBM cam kết thúc đẩy ứng dụng AI
Trong dự báo xu hướng công nghệ 2024, IBM cũng đưa ra 3 chính sách thể hiện cam kết thúc đẩy ứng dụng AI trong doanh nghiệp. Trong năm 2023, IBM đã cho ra mắt Watsonx - nền tảng dữ liệu và AI hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội AI dành cho doanh nghiệp.
Hiện, nền tảng Watsonx giúp cải thiện 40% năng suất nhân sự; ở lĩnh vực chăm sóc khách hàng đáp ứng trên 90% yêu cầu của khách hàng được xử lý; 60% nội dung phát triển phần mềm được tạo tự động…
Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng niềm tin vào AI, IBM ra mắt Watsonx.governance để giúp các tổ chức áp dụng AI một cách có trách nhiệm và chuẩn bị sẵn sàng cho các quy định quốc tế được áp dụng trong tương lai.
Một nghiên cứu của IBM cho thấy 40% giám đốc điều hành tại khu vực Đông Nam Á cần phải đào tạo lại nhân sự do ảnh hưởng từ việc triển khai AI và tự động hóa trong 3 năm tới.
Ngoài ra, nghiên cứu của IBM trong năm 2023 đã tiết lộ những thách thức của doanh nghiệp trong việc ứng dụng AI, bao gồm việc thiếu các kỹ năng và kiến thức chuyên môn cần thiết về AI.
Để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng ứng dụng AI trên toàn cầu, IBM gần đây đã công bố cam kết đào tạo hai triệu học viên về AI vào cuối năm 2026. Để đạt được mục tiêu này, IBM đang mở rộng hợp tác về giáo dục AI với các trường đại học trên toàn thế giới, hợp tác với các đối tác để cung cấp chương trình đào tạo AI và triển khai khóa học mới về AI tạo sinh thông qua IBM SkillsBuild.
Tại Việt Nam, IBM hỗ trợ gần 1.200 học viên thông qua các khóa học và chương trình đào tạo tiên tiến về an ninh mạng, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, trang bị kỹ năng cần thiết cho các vị trí từ thấp nhất. Nhiều trường đại học tại Việt Nam đã thể hiện mong muốn tích hợp các khóa học của IBM vào chương trình học trong tương lai./.