ICBM mới của Triều Tiên là tên lửa lớn nhất thế giới
Giới tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang gấp rút phân tích tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Triều Tiên và họ chưa thể khẳng định nó có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân hay không.
Các nhà chức trách Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích chi tiết về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất của Triều Tiên, bao gồm số đầu đạn có thể mang theo, vừa được công bố trong cuộc duyệt binh hôm 10/10, Korea Times dẫn nguồn tin các quan chức cho biết.
Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã công bố loại ICBM lớn, cùng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới và các hệ thống vũ khí hiện đại khác.
Loại ICBM mới có kích thước lớn và phần mũi dài hơn, cho thấy nó được thiết kế để mang nhiều đầu đạn trọng lượng lớn. Nó được đặt trên khung gầm xe tải chuyên dụng với 11 trục, 22 bánh, được xem là lớn nhất thế giới.
“Cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích chặt chẽ các loại vũ khí mà Triều Tiên tiết lộ, trong đó có loại tên lửa đạn đạo tầm xa mới”, đại tá Kim Jun Rak, phát ngôn viên Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), nói trong cuộc họp báo định kỳ.
Khi được hỏi liệu ICBM mới có phải là loại tên lửa đa đầu đạn hay không, ông Kim cho biết vẫn còn quá sớm để xác định điều đó, vì tên lửa được tiết lộ chỉ là hình dáng bên ngoài của nó.
“Không rõ ICBM mới là thật hay chỉ là bản mô phỏng, nó chưa từng được thử nghiệm cho đến nay”, đại tá Kim nói. Lần gần nhất Bình Nhưỡng thử nghiệm ICBM diễn ra vào tháng 11/2017.
Ở thời điểm đó, Bình Nhưỡng đã bắn thử ICBM Hwasong 15 tiên tiến nhất của họ. Nó có tầm bắn ước tính khoảng 12.874 km, đủ để tấn công một phần lục địa Mỹ. Hwasong 15 được đặt trên khung gầm xe tải 9 trục, 18 bánh và sử dụng nhiên liệu lỏng.
Trong bài phát biểu hôm 10/10, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh răn đe chiến tranh để bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa từ các thế lực thù địch.
Nhưng ông đã không đề cập trực tiếp đến Mỹ và ông sử dụng cụm từ “răn đe chiến tranh”, thay vì “răn đe hạt nhân”, như một cách giảm nhẹ sự khiêu khích.