Ích nước, lợi nhà
PTĐT - Trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ (KH&CN), tiếp thu, áp dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn đã và đang là yêu cầu tất yếu của sự phát triển.
PTĐT - Trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ (KH&CN), tiếp thu, áp dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn đã và đang là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Những năm qua, các nghiên cứu KH&CN trên địa bàn tỉnh đã phát huy được tính ứng dụng cao, được nghiệm thu đưa vào thực tế đời sống sản xuất, góp phần phục vụ công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều đề tài hữu hiệu
Nhận rõ vai trò và tầm quan trọng của hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2016 - 2020. Sau 5 năm triển khai, Chương trình trên đã đạt nhiều kết quả, qua đó giúp thay đổi nhận thức và góp phần nâng cao trình độ sản xuất của người dân và doanh nghiệp, tổ chức khi đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Chương trình đã hỗ trợ 37 dự án KH&CN trong đó có 19 dự án cấp Quốc gia và 18 dự án cấp tỉnh. Thông qua các dự án này đã xây dựng được 76 mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN và thực hiện chuyển giao 150 lượt tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; tổ chức đào tạo được 256 kỹ thuật viên và tập huấn cho 5.000 lượt người. Việc triển khai các dự án áp dụng kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống đã phát huy được tính ứng dụng cao, đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tổ chức, đơn vị. Qua đó đã huy động được nguồn lực đáng kể, lên tới hơn 195,2 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương và của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ vào sản xuất đời sống. Trong đó, ngân sách Trung ương là 54,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 29,4 tỷ đồng, nguồn khác ngoài ngân sách lên tới hơn 110,9 tỷ đồng.Một số nghiên cứu KH&CN đã mang lại hiệu quả cao khi đưa vào thực tiễn phải kể tới như: “Mô hình chế biến các sản phẩm chè xanh, chè đen, chè Ô Long chất lượng cao từ các giống chè LDP1, Kim Tuyên góp phần xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ” từ việc ứng dụng công nghệ sản xuất chế biến các sản phẩm chè có giá trị cao đã mang lại lợi nhuận gấp 7-10 lần so với chế biến chè xanh thông thường từ các giống chè Trung Du, PH1. Lợi nhuận thu được từ 60,5 - 109,9 triệu đồng/1 tấn chè khô (so với lợi nhuận từ sản xuất giống truyền thống chỉ từ 8 triệu đồng/1 tấn chè khô). Mô hình này thu được lợi nhuận cao hơn 1,5 lần so với sản xuất theo quy trình cũ. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất tiên tiến đã tạo ra nhiều sản phẩm chè có chất lượng cao giúp tăng hiệu quả sản xuất chè góp phần khai thác có hiệu quả lợi thế của giống chè mới trên địa bàn tỉnh. “Mô hình sản xuất một số sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương” của Trường Đại học Hùng Vương đã tổ chức chuyển giao 10 quy trình kỹ thuật sản xuất một số sản phẩm lưu niệm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và xây dựng được 4 mô hình ứng dụng nhân rộng.Các sản phẩm lưu niệm được sáng tạo qua dự án mang đặc trưng văn hóa thời đại Hùng Vương đa dạng về mẫu mã, chất liệu, hình thức sử dụng, gồm: 500 cuốn cẩm nang; tái bản 1.000 cuốn truyện tranh; 430 hộp đựng trà; 600 cốc; 220 tranh gốm; 100 tượng Chử Đồng Tử - Tiên Dung; 500 chiếc khăn lụa; 150 phụ kiện cài áo,... các sản phẩm bước đầu đã góp phần bổ sung thêm sản phẩm quà tặng đặc trưng của tỉnh Phú Thọ, giúp quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh Phú Thọ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rộng rãi trong cả nước góp phần phục vụ phát triển du lịch Phú Thọ. Thông qua mô hình dự án đã hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân và quảng bá các làng nghề truyền thống tới người dân trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế (làng nón Sai Nga, Gia Thanh; gốm Đào Xá - Phú Thọ...). Sản phẩm giúp đa dạng hóa sản phẩm quà tặng thúc đẩy khai thác du lịch trên địa bàn tỉnh.Bà Chu Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định: Các mô hình ứng dụng KH&CN đã được triển khai được sử dụng kinh phí hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Các tiến bộ KH&CN được chuyển giao đã giúp giảm chi phí đầu vào và gia tăng giá trị đầu ra, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cho các mô hình ứng dụng chuyển giao trên địa bàn tỉnh. Các mô hình này chính là hạt nhân để nhân rộng, lan tỏa trong thực tiễn sản xuất ở các khu vực có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội phù hợp.
Mang lại hiệu quả cao
Từ sự chỉ đạo, theo sát chủ trương của Đảng ủy, UBND tỉnh mà phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực KH&CN đã phát triển sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị. Các hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong các chương trình của các sở, ban, ngành và các địa phương. Hoạt động ứng dụng chuyển giao được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực như: Nông nghiệp, phát triển nông thôn, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, y dược, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công nghệ thông tin truyền thông… Qua ứng dụng thực tiễn đã chứng minh được hiệu quả khi nhiều nghiên cứu KH&CN đã được các địa phương lồng ghép đưa vào các chương trình an sinh, các dự án xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rất nhiều nghiên cứu KH&CN sau khi được nghiệm thu, áp dụng vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả cao, giúp giải quyết những khó khăn còn tồn tại, như: Huyện Tân Sơn đã hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình sản xuất than sinh học từ phế phụ nông - lâm sản, công suất 200 tấn/năm; huyện Yên Lập xây dựng 3 lò đốt rác sinh hoạt bằng khí tự nhiên; huyện Phù Ninh, các cơ sở sản xuất giấy đã lắp đặt đường ống thải từ cơ sở sản xuất vào khu xử lý của Công ty giấy để xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường, lắp đặt hệ thống máy lọc liên hoàn xử lý nước thải…Bà Nguyễn Thị Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Đầu tư Thịnh Phát (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì) cho biết: Sau khi áp dụng nghiên cứu “Xây dựng mô hình trồng và thâm canh một số giống dưa thơm, dưa lưới chất lượng cao theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Phú Thọ” đã xây dựng được 1 mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới quy mô 1.000m2, năng suất đạt 43 tấn/ha; xây dựng 1 mô hình trồng dưa thơm ngoài nhà lưới quy mô 10.000m2, năng suất đạt 40 tấn/ha.
Dự án kể trên đã giúp thu được lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với sản xuất các cây trồng truyền thống khác, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng giá trị sử dụng đất, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân, góp phần khuyến khích mở rộng và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Hiện mô hình tiếp tục được duy trì và là địa điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, người dân trong và ngoài tỉnh.Tuy đạt được nhiều kết quả trong giai đoạn vừa qua, nhưng công tác nghiên cứu KH&CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như các dự án mô hình ứng dụng chuyển giao trong chương trình còn chưa đồng đều trên các lĩnh vực, vẫn chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, đa số các mô hình ứng dụng chuyển giao còn quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp - người dân) vì vậy dẫn tới sức lan tỏa còn hạn chế. Cá biệt có dự án còn phải dừng triển khai trong quá trình thực hiện.Để triển khai hiệu quả công tác nghiên cứu và áp dụng KH&CN trong bối cảnh những chuyển dịch của thời đại công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cần phải tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các doanh nghiệp và người dân về hiệu quả của ứng dụng các nghiên cứu KH&CN, đẩy mạnh tư duy đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202103/ich-nuoc-loi-nha-175659